Kinh tế

Vinamilk: Tiền gửi ngân hàng vượt 10.000 tỷ, LNST 9 tháng tăng 6% lên 8.380 tỷ đồng

Vinamilk hiện nay có hơn 10.838 tỷ đồng tiền và tiền gửi ngân hàng, chiếm hơn 25% tổng tài sản, hiện đã vượt 40.100 tỷ.

Cận cảnh một dây chuyền sản xuất sản phẩm Sữa tươi 100% với công suất lên đến 25.000 hộp một giờ (nguồn: Vinamilk)

CTCP Sữa Việt Nam (Vinamilk) vừa công bố kết quả kinh doanh hợp nhất quý 3/2019. Theo đó mặc dù vẫn là một "người khổng lồ" của ngành sữa song tốc độ tăng trưởng của Vinamilk có dấu hiệu chậm lại. Doanh thu bán hàng quý 3/2019 đạt hơn 14.300 tỷ, tăng 4% so với cùng kỳ năm trước, lũy kế 9 tháng đạt hơn 42.145 tỷ, tăng 6,4%.

Vinamilk vẫn duy trì được biên lợi nhuận gộp ở mức cao trên 47%, doanh thu tài chính quý 3 đạt hơn 207 tỷ, 9 tháng đạt 574 tỷ nhờ khoản tiền gửi khổng lồ.

Chi phí bán hàng của Vinamilk kỳ này ở mức trên 3.292 tỷ đồng, giảm nhẹ so với cùng kỳ năm trước song 9 tháng chi phí bán hàng trên 9.292 tỷ đồng, tăng 4,3% cùng kỳ năm trước. Tính trung bình mỗi ngày Vinamilk chi 35,7 tỷ chi phí bán hàng.

Lợi nhuận trước thuế quý 3/2019 của Vinamilk đạt hơn 3.254 tỷ đồng, tăng 7,2% cùng kỳ năm trước, 9 tháng đạt hơn 10.146 tỷ đồng, tăng 8,3%. Lợi nhuận sau thuế đạt lần lượt 2.677 tỷ quý 3 và 8.378 tỷ trong 9 tháng. Lãi ròng thuộc về cổ đông công ty mẹ quý 3 đạt 2.690 tỷ, 9 tháng đạt 8.380 tỷ.

Vinamilk hiện nay có hơn 10.838 tỷ đồng tiền và tiền gửi ngân hàng, chiếm hơn 25% tổng tài sản, hiện đã vượt 40.100 tỷ. Nguồn tiền mặt dồi dào sẽ giúp Vinamilk có nhiều dư địa để M&A các công ty hoàn thiện chuỗi giá trị trong ngành đồ uống, bên cạnh mảng sữa. Trong năm 2019, Vinamilk đã mua 40,53% vốn cổ phần của công ty GTNFoods, công ty đang sở hữu Sữa Mộc Châu.

Mặc dù có nguồn tiền dồi dào, Vinamilk vẫn đẩy mạnh đi vay trong năm 2019, vay ngắn hạn 4.188 tỷ trong khi đầu năm chỉ vay hơn 1.060 tỷ. Tuy nhiên nếu so với tổng tài sản hơn 40.000 tỷ, mức nợ vay này vẫn trong tầm kiểm soát.

Tác giả: Tâm An

Nguồn tin: Báo Trí thức trẻ

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP