Số hóa

Vietnamobile có cố tình dùng ‘chiêu trò’ níu chân khách hàng?

Không chỉ khiến quá trình chuyển mạng giữ số của khách hàng bị chậm trễ, Vietnamobile còn cho thấy sự thiếu thiện chí trong cung cấp thông tin, giải đáp thắc mắc cho người dùng.

Vietnamobile chặn yêu cầu chuyển mạng giữ số của khách hàng?

Vừa qua, Chất lượng Việt Nam Online (VietQ.vn) đã đăng tải bài viết “'Om' yêu cầu chuyển mạng của khách hàng, Vietnamobile lọt top doanh nghiệp bị khiếu nại nhiều nhất”. Trong đó, đề cập tới việc nhà mạng Vietnamobile bị một số khách hàng khiếu nại về việc cố tình làm chậm yêu cầu chuyển mạng giữ số, khiến người tiêu dùng cảm thấy vô cùng bức xúc.

Sau bài viết này, phóng viên đã nhiều lần liên hệ tới nhà mạng Vietnamobile để phán ánh những khúc mắc từ người tiêu dùng nhưng cho đến nay, phía nhà mạng Vietnamobile vẫn đang ‘bặt vô âm tín’.

Không những thế, theo phản ánh của người tiêu dùng N.T.T (Vĩnh Long), sau nhiều lần gọi vào số điện thoại đường dây nóng hỗ trợ việc chuyển mạng của Vietnamobile, người này đã được đáp ứng yêu cầu chuyển đi đối với 1 số điện thoại. Còn một số điện thoại khác cũng có yêu cầu chuyển mạng hiện vẫn chưa được đáp ứng. Thậm chí, số này còn bị chặn, không thể gọi tới bộ phận hỗ trợ chuyển mạng của Vietnamobile.

Nhiều độc giả phản ánh với báo chí việc bị nhà mạng Vietnamobile gây khó khi chuyển mạng.

Trước đó, theo nhận định từ Bộ TT&TT, tỷ lệ chuyển mạng thành công của các thuê bao di động đã từng bước tăng lên trông thấy. Tuy nhiên, vẫn còn có một số nhà mạng có tỷ lệ chuyển mạng thành công rất thấp. Đó là trường hợp của MobiFone và Vietnamobile.

Từ ngày 11/3/2019, Bộ TT&TT đã triển khai đường dây nóng nhằm tiếp nhận phản ánh của người dân về vấn đề chuyển mạng. Theo đó, khi gặp vướng mắc về vấn đề chuyển mạng, người dân có thể liên hệ tới số hotline 18006099 của Cục Viễn thông.

Kể từ khi đường dây nóng vận hành đến nay, Bộ TT&TT liên tục nhận được phản ánh về việc các nhà mạng giữ chân khách hàng không cho chuyển mạng. Theo đó, có tổng cộng 1.780 khiếu nại của người dân gửi lên đường dây nóng và trang web của Cục Viễn thông. Trong số này, trên 80% lượt khiếu nại thuộc về 2 nhà mạng là MobiFone và Vietnamobile.

Theo Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng, chính sách khoán và giảm lương nhân viên trong trường hợp để mất thuê bao dẫn đến tình trạng nhân viên của hai nhà mạng này phải chịu áp lực giữ chân thuê bao. Vì vậy, tỷ lệ chuyển đi thành công của MobiFone và Vietnamobile luôn ở mức thấp, dưới 50%.

Cố ‘níu chân’ người dùng làm gì khi chất lượng dịch vụ còn thấp?

Sau 12 năm tham gia vào thị trường và dù đã đầu tư gần 1,2 tỷ USD nhưng có thể thấy, khó khăn lớn nhất hiện nay với mạng di động Vietnamobile, nhà mạng đứng vị trí thứ tư về thị phần tại Việt Nam (chiếm 3,6%), chính là băng tần.

So với ba nhà mạng lớn Viettel, VinaPhone và MobiFone, băng tần (yếu tố gần như tiên quyết đến sự phát triển của nhà mạng) của Vietnamobile lại vô cùng khiêm tốn.

Hiện tài nguyên tần số mà Vietnamobile nắm giữ cũng đang gặp bất lợi lớn so với các "ông lớn" viễn thông trên. Cụ thể, Vietnamobile chỉ có tổng số băng tần 2 x 15MHz (2 x 20 MHz tại khu vực miền Nam), trong khi Viettel có băng tần 2 x 48.2 MHz (2 x 53.2 MHz), VinaPhone có 2 x 43.5 MHz và Mobiphone có 2 x 43.3 MHz.

Tính chung, dung lượng băng tần của Vietnamobile (40MHz ở khu vực miền Nam và 30 MHz ở miền Bắc và miền Trung) chỉ bằng 1/3 so với các doanh nghiệp lớn.

Đại diện nhà mạng này có lần chia sẻ với báo chí rằng, vì không đủ và hạn chế về băng tần nên đã cản trở Vietnamobile thu hút khách hàng mới, cản trở việc khuyến khích sử dụng dữ liệu của thuê bao hiện tại. Đồng thời, việc mạng lưới hoạt động bị hạn chế khiến Vietnamobile không phải là đối thủ cạnh tranh có thể tồn tại.

Vietnamobile được cho là chậm giải quyết thắc mắc của nười dùng. Ảnh: Trí thức trẻ

Không chỉ khó khăn về băng tần hiện có, Vietnamobile tới đây cũng sẽ đứng trước áp lực vì có thể phải chi một khoản tiền lớn cho đấu giá băng tần mới - băng tần 2600 Mhz - để phát triển 4G mà nhà mạng này cũng đang mong muốn có được.

Không những thế, những thách thức không hề nhỏ khác là phát triển thuê bao, cuộc chiến chuyển mạng giữ nguyên số (MNP) và phát triển mạng lưới (trạm BTS) phủ khắp cũng là những ‘chướng ngại’ mà Vietnamobile sẽ phải đương đầu trong tương lai.

Theo số liệu thống kê mới nhất của Cục Viễn thông (Bộ Thông tin và Truyền thông), tính đến ngày 24/3/2019, Vietnamobile chỉ có 1.036 thuê bao đăng ký chuyển đến (thuê bao nhà mạng khác), trong khi có tới 14.767 thuê bao Vietnamobile đăng ký chuyển đi. Trong đó, 348 thuê bao nhà mạng khác đã chuyển đến mạng Vietnamobile thành công, còn thuê bao Vietnamobile đã chuyển đi thành công lên tới 6.047 thuê bao.

Chỉ tính riêng từ đầu tháng 3 đến ngày 24/3, số lượng thuê bao đăng ký chuyển đến Vietnamobile là 131, nhưng số lượng thuê bao nhà mạng này đăng ký chuyển đi gấp… 61 lần, tương ứng 7.996 thuê bao.

Tác giả: Phong Lâm

Nguồn tin: vietQ.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP