Kinh tế

Vietjet Air đang tăng trưởng chậm lại

Trong một năm mà lợi nhuận từ hoạt động bán và thuê lại tàu bay giảm, khoản lợi nhuận trước thuế của Vietjet Air chỉ tăng chưa bằng 1/9 so với mức tăng năm 2017, thấp nhất từ 2014.

Công ty cổ phần Hàng không Vietjet - Vietjet Air, mới đây đã công bố báo cáo tài chính quý IV/2018 với nhiều chỉ số quan trọng trong hoạt động kinh doanh năm qua của hãng hàng không này.

Tăng trưởng lợi nhuận 10%

Đà tăng trưởng này của Vietjet bất ngờ chững lại trong năm 2018 dù hoạt động kinh doanh cốt lõi của công ty (vận tải hành khách) đạt kỷ lục.

Cụ thể, báo cáo tài chính quý IV/2018 của Vietjet cho biết quý cuối cùng trong năm 2018 hãng hàng không này ghi nhận 18.453 tỷ đồng doanh thu. Dù ở mức cao so với những quý trước đó, so với cùng kỳ, chỉ số này đã giảm 7%.

Thông lệ các năm trước, nhu cầu di chuyển bằng máy bay dịp cuối năm của người dân tăng mạnh mang về doanh thu cao nhất cho hãng trong quý cuối năm. Thế nhưng, điều này đã không còn đúng với Vietjet Air năm 2018.

Mức tăng trưởng lợi nhuận năm 2018 là thấp nhất kể từ khi chuyến bay đầu tiên của Vietjet cất cánh và chưa bằng 1/9 so với năm 2017. Ảnh minh họa: Ngô Minh.

Trong quý IV/2018, chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp đều tăng gấp đôi. Nhờ cắt giảm được giá vốn và hoạt động tài chính tăng gấp 3,5 lần, Vietjet vẫn thu về khoản lợi nhuận trước thuế tăng 11%, đạt 1.961 tỷ đồng.

Do phải tính toán lại chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp hoãn lại của năm 2018 trên cơ sở thuế suất áp dụng từ năm 2019 là 20% nên khoản lợi nhuận sau khi đã trừ hết thuế và các chi phí liên quan của Vietjet đã giảm 12% so với cùng kỳ năm trước.

Tính trong cả năm 2018, hãng hàng không này thu về 52.388 tỷ đồng doanh thu, tăng 24% so với doanh số đạt được năm trước đó.

Giá vốn cùng chi phí tài chính là những nguyên nhân chủ yếu khiến Vietjet chỉ thu về khoản lợi nhuận cả năm tăng 10%, đạt 5.829 tỷ đồng. Con số này vượt kế hoạch đề ra hồi đầu năm. Tuy nhiên, so với vài năm trước, tốc độ tăng trưởng của hãng đã chậm lại.

Cất cánh từ năm 2011, những chỉ số tài chính đầu tiên của Vietjet chỉ được công bố từ năm 2013. Trong giai đoạn đầu, từ 2013-2015, doanh nghiệp này đều tăng trưởng 3 con số cả về doanh thu và lợi nhuận. Từ một hãng hàng không với doanh thu chỉ 3.790 tỷ đồng năm 2013, con số này tăng lên 8.706 tỷ đồng vào năm 2014, rồi lên gần 20.000 tỷ đồng vào năm 2015. Vietjet Air cũng chỉ mất 4 năm kể từ khi cất cánh chuyến bay thương mại đầu tiên để thu về khoản lợi nhuận nghìn tỷ vào năm 2015.

Giai đoạn 2015-2017, hãng vẫn duy trì được đà tăng trưởng doanh thu lần lượt 39% và 54% trong khi lợi nhuận tăng trưởng 131% và 96%.

Năm 2018, tổng doanh thu hoạt động của hãng này chỉ tăng 24% trong khi lợi nhuận trước thuế chỉ tăng 10%. Mức tăng trưởng lợi nhuận năm 2018 là thấp nhất kể từ khi chuyến bay đầu tiên của Vietjet cất cánh và chưa bằng 1/9 so với năm 2017.

Điều gì quyết định tăng trưởng của Vietjet?

Báo cáo của Vietjet cho thấy doanh thu từ vận tải hành khách của hãng vẫn tăng rất mạnh trong năm 2018. Thậm chí, doanh thu từ mảng kinh doanh này còn tăng tới 48%, mức cao nhất kể từ năm 2014 đến nay, đạt 25.031 tỷ đồng.

Doanh thu từ hoạt động phụ trợ của hãng cũng đạt 8.370 tỷ, tăng 53% so với năm trước đó.

Như vậy, hai mảng kinh doanh cốt lõi với một hãng hàng không đều tăng trưởng rất tốt, trong bối cảnh tổng doanh thu và lợi nhuận thu về của Vietjet tăng chậm đi.

Chỉ duy nhất mảng kinh doanh của Vietjet sụt giảm năm qua là chuyển giao sở hữu và thuê tàu bay, hay chính là hoạt động bán và thuê lại tàu bay (sale and leaseback) vốn là một “đặc sản” của các hãng hàng không giá rẻ. Trong nhiều năm, đây là chiến lược quan trọng, đóng góp phần lớn vào kết quả kinh doanh của Vietjet.

Năm 2018, hãng hàng không chỉ ghi nhận 18.552 tỷ đồng doanh thu từ hoạt động này, chiếm 35% tổng doanh thu và giảm 7% so với năm trước đó.

Đây cũng là năm đầu tiên Vietjet ghi nhận hoạt động này tăng trưởng âm và đi cùng với đó là kết quả kinh doanh của cả hãng chậm lại.

Hoạt động chuyển giao sở hữu và cho thuê tàu bay dù không phải mảng kinh doanh đem về doanh thu lớn nhất lại là mảng nhiều lợi nhuận nhất của hãng. Đơn cử, trong năm 2017, toàn bộ doanh thu liên quan hoạt động cung cấp dịch vụ hàng không mang về cho hãng này 22.549 tỷ đồng, còn riêng mảng bán và thuê lại tàu bay cũng mang về 19.754 tỷ đồng. Trong khi đó, lợi nhuận gộp từ hoạt động bán và thuê lại tàu bay đạt tới 3.400 tỷ đồng, khoản này từ toàn bộ hoạt động cung cấp dịch vụ hàng không đạt 3.150 tỷ đồng.

Sang năm 2018, dù cả doanh thu và lợi nhuận gộp từ mảng bán và thuê lại tàu bay đã giảm, tỷ suất lợi nhuận gộp (lợi nhuận gộp/doanh thu) của hoạt động này vẫn đạt gần 16%, cao hơn so với tỷ lệ 13,6% từ hoạt động cung cấp dịch vụ hàng không.

Cơ hội và rủi ro

Với việc thị trường hàng không nội địa đã dần bão hòa, chiến lược “sale and leasebank” chậm lại, lựa chọn nào cho Vietjet để thúc đẩy đà tăng trưởng trong các năm sau?

Theo ông Anirban Lahiri, Giám đốc Khách hàng tổ chức nước ngoài, Công ty Chứng khoán VnDirect, thị trường quốc tế là một mục tiêu lớn của Vietjet.

Ông phân tích: Mục tiêu này của hãng đang rõ ràng hơn qua những thông điệp phía sau chiến lược quảng cáo gần đây của hãng. Khi mà những TVC quảng cáo của Vietjet tập trung chủ yếu vào các tuyến bay quốc tế thay vì trong nước như trước đây.

Vị chuyên gia phân tích này cũng cho biết ông đã có nhiều cảnh báo về tính thieesu bền vững của Vietjet khi tập trung vào mở rộng nhanh chóng.

“Một hãng hàng không từ chỗ không tên tuổi đã vươn lên chiếm gần một nửa thị phần tại Việt Nam nhưng điều này đã được thúc đẩy một phần không nhỏ bởi các thủ thuật kế toán để làm tăng lợi nhuận thông qua nghiệp vụ bán và cho thuê lại (chiếm đến một nửa lợi nhuận gộp trong những năm gần đây). Theo chuẩn mực kế toán Việt Nam thì các khoản này cũng có thể được ghi nhận thành khoản mục ngoài bảng cân đối kế toán”, ông Lahiri cho hay.

Vietjet đang có chiến lược mở rộng thị trường quốc tế?. Ảnh minh họa: Vietjet Air.

Theo ông, điều này tương đương với việc vay mượn từ tương lai và rất nguy hiểm đối với một doanh nghiệp vừa mới niêm yết trong khi đang có kế hoạch ESOP để mở rộng đội bay để đẩy mạnh tăng trưởng lợi nhuận thông qua khoản lãi từ bán và cho thuê lại máy bay bất chấp tình trạng dư thừa công suất. Điều này có thể dẫn đến tỷ lệ lấp đầy giảm và tỷ lệ khai thác đội bay giảm.

Ngoài ra, sự tăng trưởng này cũng đi kèm với rủi ro hoạt động lỗi và quá tải cơ sở hạ tầng.

“Nếu ngay cả một hãng hàng không giá rẻ dày dạn kinh nghiệm như Air Asia cũng có khả năng gặp phải sự cố máy bay sau nhiều năm hoạt động thì một doanh nghiệp tương đối mới chắc chắn không tránh được những rủi ro”, vị này nhận xét.

Theo chuyên gia này, việc bị dừng tăng chuyến bay và đưa vào diện giám sát đặc biệt tại 4 sân bay (Nội Bài, Tân Sơn Nhất, Đà Nẵng và Cam Ranh) sau loạt sự cố liên tiếp chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến lợi nhuận từ nghiệp vụ bán và cho thuê lại tàu bay trong tương lai của Vietjet, thậm chí còn có tác động đến cả hình ảnh thương hiệu của hãng hàng không này.

“Tuần trước, tôi bay từ Kuala Lumpur đến TP.HCM trên máy bay của Air Asia và cho dù trải nghiệm này cũng không dễ chịu cho lắm, tôi vẫn thấy thực sự khó hiểu khi nhìn vào hàng máy bay Air Asia xếp dài trên đường băng, rằng Vietjet với quy mô nhỏ hơn hẳn nhưng lại có vốn hóa thị trường cao hơn 13% so với gã khổng lồ của khu vực”, vị này nói.

Zing.vn đã liên hệ với Vietjet để tìm hiểu rõ hơn về những chiến lược trong tương lai của hãng hàng không này.

Tác giả: Quang Thắng

Nguồn tin: zing.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP