Trong nước

Việt Nam tiếp cận công nghệ dự báo bão hiện đại

Việt Nam đang tiếp nhận công nghệ dự báo rất mới, các kỹ thuật viễn thám vệ tinh. Từ việc một nước chuyên tiếp nhận dữ liệu, kỹ thuật của thế giới, thời gian tới Việt Nam sẽ nâng cao vị thế.

Các chuyên gia dự báo bão của Việt Nam và quốc tế tham dự hội thảo ngày 26/2 tại Hà Nội. Ảnh: Thu Loan.

Ông Trần Hồng Thái, Phó Tổng giám đốc Trung tâm Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết tại Hội thảo khoa học với chủ đề “Nắm vững công nghệ và kiến thức để đáp ứng những thách thức trong kỷ nguyên mới về dự báo bão”.

Hội thảo do Trung tâm Khí tượng Thủy văn Quốc gia, Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức dưới sự chủ trì của Ủy ban Bão quốc tế trong hai ngày 26-27/2. Hội thảo đã thu hút sự tham gia của các chuyên gia hàng đầu về khí tượng thủy văn của 14 nước.

Hạn hán và bão mạnh có thể tăng lên

Báo cáo tại hội thảo, GS Trần Thục, Phó chủ tịch Hội đồng tư vấn của Ủy ban quốc gia về Biến đổi khí hậu đưa ra một con số là trong giai đoạn 1958 - 2014: Nhiệt độ trung bình tại Việt Nam tăng 0,62 độ C, nhiệt độ tăng cực đại ở hầu hết các khu vực của Việt Nam. Ông cũng cho biết trong tương lai, Việt Nam sẽ phải đối mặt với một số vấn đề liên quan đến biến đổi khí hậu đó là tần suất tăng lượng mưa lớn, đặc biệt ở miền Nam. Hạn hán có thể sẽ tăng lên. Số cơn bão mạnh có thể tăng lên. “Những cực đoan của thời tiết sẽ tác động chủ yếu vào các ngành có liên quan đến khí hậu” - GS Trần Thục khẳng định.

Trong khi đó, trao đổi bên lề với báo chí, ông Trần Hồng Thái, Phó Tổng giám đốc Trung tâm Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho rằng năm 2017 vừa qua, Việt Nam đã có những dự báo tốt. Mong muốn của ban tổ chức tại hội thảo lần này là đưa ra những công nghệ mới trong dự báo bão, áp thấp nhiệt đới, biến đổi khí hậu. Trong thời gian qua, vấn đề dự báo bão, áp thấp nhiệt đới là vấn đề xuyên biên giới. Do đó, cần có sự kết hợp giữa các nước. Việt Nam đã rất tích cực tham gia cùng các tổ chức thế giới. Trong đó, chúng ta đã giữ vai trò lớn từ học hỏi kinh nghiệm đến tham gia trao đổi dữ liệu.

Trước câu hỏi của phóng viên liên quan đến những dự báo thiếu chính xác sau mỗi cơn bão, ông Trần Hồng Thái cho rằng ngành khí tượng thủy văn đã có cố gắng. Trong những năm qua, có thể thấy độ chính xác trong dự báo tăng lên và thiệt hại do thiên tai giảm xuống đáng kể. Tuy nhiên, cần giải thích với nhân dân về khái niệm cho rõ hơn. “Chúng tôi cần phải tuyên truyền tốt hơn, làm bản tin ngày càng dễ hiểu, quần chúng hơn. Chúng tôi đang yêu cầu bộ phận truyền thông phải tuyên truyền để tránh hiểu lầm” - ông Trần Hồng Thái nói.

Ông cũng cho biết Việt Nam đang tiếp nhận công nghệ dự báo rất mới, các kỹ thuật viễn thám vệ tinh. Từ việc một nước chuyên tiếp nhận dữ liệu, kỹ thuật của thế giới, thời gian tới, Việt Nam sẽ nâng cao vị thế. Ông Thái cũng thừa nhận tỷ lệ cán bộ chất lượng cao của Việt Nam còn hạn chế. Trung tâm có kế hoạch từng bước nâng cao và cần sự hỗ trợ của các trường ĐH. “5 năm tới chúng ta phải làm chủ công nghệ. Trong thời gian qua, thế giới đã xác định Việt Nam là trung tâm dự báo khu vực” - ông Thái cho hay.

Theo ông Trần Hồng Thái, mạng lưới quan trắc của Việt Nam còn thưa, đang tiếp cận công nghệ mới nên cần có thời gian để đào tạo cán bộ. Đồng thời phải đồng bộ được 3 yếu tố công nghệ quan trắc, khí tượng thủy văn, truyền tin.

Ông Thái cho biết thêm, những năm trước chúng ta chỉ dự báo bằng kinh nghiệm thì nay, nhờ có các công trình nghiên cứu trong nước đã có mô hình dự báo số, tiếp thu được các sản phẩm của các nước phát triển để dự báo. Tuy nhiên, thách thức của ngành hiện nay là nguồn nhân lực chất lượng cao. Trung tâm cũng đang kêu gọi nhân tài về ngành làm việc. Đồng thời có cơ chế phối hợp giữa cơ quan thực tế và các trường ĐH.

Chia sẻ xuyên biên giới

Theo ông Raymond Tanabe, Giám đốc khu vực châu Á - Thái Bình Dương thuộc Cơ quan Khí quyển và Đại dương quốc gia Mỹ (NOAA), dự báo cường độ bão không chỉ là thách thức với Việt Nam mà ngay cả với các nhà dự báo ở Mỹ và các nước trên thế giới. Các nước đã có nhiều nghiên cứu nhưng đến nay mới đạt được kết quả tốt trong dự báo vị trí và thời gian đổ bộ của bão, còn dự báo cường độ bão vẫn chưa có tiến triển nhiều. Trong thời gian tới, đây vẫn là thách thức mà các nhà khí tượng phải tập trung.

Ông Tanabe cho rằng Việt Nam cũng như các nước cần tập trung vào công tác thông tin đến người dân. Nếu có mô hình dự báo bão tốt nhất thế giới mà không có hệ thống truyền tin tốt, không thể cảnh báo kịp thời đến những người dân sẽ bị ảnh hưởng thì hệ thống cảnh báo đó không hiệu quả. Đó là lý do NOAA tích cực phối hợp với báo chí, phát thanh, truyền hình và tận dụng các mạng xã hội như Facebook, Instagram… để gửi thông tin hiệu quả nhất đến người dân.

Ông Yu Jixin, Thư ký Ủy ban Bão quốc tế, cho biết, Việt Nam mỗi năm hứng nhiều trận bão nên có thể đóng góp nhiều kinh nghiệm địa phương hữu ích. Dự báo bão là vấn đề xuyên biên giới cần kết hợp giữa các nước.

Điểm chuẩn 5 điểm/môn, liệu ngành khí tượng có nhân lực chất lượng cao?

Theo tìm hiểu của Tiền Phong, điểm chuẩn vào ngành khí tượng thủy văn tại trường ĐH Tài nguyên và Môi trường cũng như tại trường ĐH Khoa học tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội chỉ ở mức dao động từ gần 5,2 điểm/môn (15,5 điểm ba môn) tới gần 6,1 điểm/môn (18,5 điểm ba môn). Cụ thể, tại ĐH Tài nguyên và Môi trường năm 2017, điểm chuẩn ngành khí tượng học và thủy văn là 15,5 điểm. Năm 2016, điểm chuẩn của hai ngành này chỉ có 15 điểm. Tại ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội năm 2017, điểm chuẩn ngành Khí tượng là 18,5 điểm, ngành Thủy văn là 17,5 điểm. Với mức điểm chỉ ở mức trung bình, liệu thời gian tới, Việt Nam có đủ nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành khí tượng thủy văn?

Tác giả: NGHIÊM HUÊ - THU LOAN

Nguồn tin: Báo Tiền Phong

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP