Kinh tế

Việt Nam chỉ còn hơn Lào và Campuchia...

"Trong khu vực, chúng ta chỉ còn hơn Lào, Campuchia. Nếu thu nhập bình quân mỗi năm chỉ tăng có 170 USD như năm 2017, không biết bao giờ VN mới đuổi kịp các nước".

Công trường xây dựng tổ hợp Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn (Quảng Ninh) - Ảnh: ĐỨC HIẾU

Đấy là lo ngại được ông Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư đưa ra tại buổi thảo luận dự án Luật đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt (gọi tắt là đặc khu), do Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức ngày 11-1.

Theo Bộ trưởng Dũng, dù đạt được nhiều thành tựu về kinh tế - xã hội nhưng Việt Nam đã tụt hậu rất xa so với khu vực và thế giới. "Năm 2017, chúng ta mới đạt thu nhập bình quân là 2.385 USD, trong khi Trung Quốc đã là 8.000 USD và mục tiêu đến năm 2020 sẽ là 10.000 USD.

"Đó là Trung Quốc chứ chưa kể đến Singapore, Malaysia... Trong khu vực, chúng ta chỉ còn hơn Lào, Campuchia. Nếu thu nhập bình quân mỗi năm chỉ tăng có 170 USD như năm 2017, không biết bao giờ VN mới đuổi kịp các nước", Bộ trưởng Dũng lo ngại.

Phát biểu tại buổi thảo luận, Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đề nghị làm rõ là nếu trở thành đặc khu, Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc sẽ đem lại những gì cho đất nước?

"Việt Nam là cô gái đẹp, tất cả cơ thể này chỗ nào cũng đẹp hết. Việc lựa chọn nhà đầu tư chiến lược có tầm vóc, nhà đầu tư khi bước vào phải đem đến điều gì đó đặc biệt, tạo động lực mạnh mẽ cho đặc khu phát triển", ông Hiển nói.

Vị phó Chủ tịch Quốc hội tỏ ý băn khoăn về chuyện cấp quyền sử dụng đất đến 99 năm vì "20 năm là một thế hệ, nên 99 năm là quá dài?".

"Tôi nghĩ cứ theo luật là 70 năm, ông nào vào thì vào. Thuế không miễn cho ông nào hết, chỉ giảm có thời hạn thôi", ông Hiển đề nghị.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Chí Dũng, phải tìm hiểu nhà đầu tư mong muốn gì rồi trao cho cái họ cần, chứ không phải cái họ không cần.

"Chúng ta thành lập đặc khu là cho quốc gia, chứ không chỉ đặc khu cho địa phương đó. Theo cách tiếp cận này, trưởng đặc khu phải do Thủ tướng bổ nhiệm. Nếu chúng ta tổ chức có hội đồng đặc khu, mô hình cũng không khác cũ là mấy, không có đột phá", ông Dũng nói.

Trình bày về mô hình tổ chức chính quyền đặc khu, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định cho biết có ba phương án gồm mô hình chỉ có trưởng đặc khu, mô hình có HĐND và UBND, mô hình có trưởng đặc khu và hội đồng đặc khu.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng Phan Thanh Bình, hội đồng đặc khu nên thiên về tư vấn cho trưởng đặc khu, chứ không phải là cơ quan giám sát như HĐND hiện hành.

"Trưởng đặc khu có văn phòng trưởng đặc khu, điều hành mọi hoạt động hành chính tại đặc khu. Thủ tướng Chính phủ chịu trách nhiệm trước Quốc hội về điều hành 3 đặc khu kinh tế này" - ông Bình nêu.

Đại tướng Đỗ Bá Tỵ, Phó chủ tịch Quốc hội, cũng cho rằng tổ chức hành chính phải đặc biệt, thế mới đột phá.

"Cũng như trong quân đội, khi có tình huống xảy ra mà cứ ba bốn ông ngồi bàn thì biết bao giờ mới xong. Lúc đó phải trao quyền quyết định cho người chỉ huy" - ông Tỵ nói.

Theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, cả 3 địa điểm được chọn xây dựng đặc khu có vị trí địa lý, đặc thù, mức độ phát triển rất khác nhau.

"Chính vì vậy, soạn một khung thể chế chung cho cả 3 đặc khu là rất khó. Nên chăng quy định vào luật này 3 phần cho 3 đặc khu kinh tế" - bà Ngân gợi ý.

Tác giả: LÊ KIÊN

Nguồn tin: Báo Tuổi trẻ

  Từ khóa: Campuchia ,Lào ,Việt Nam

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP