Trong nước

Vì sao TPHCM mất nhiều thời gian dập dịch?

Chuyên gia nhận định TPHCM tốn nhiều thời gian dập dịch do giai đoạn đầu việc giãn cách chưa nghiêm. Khi dịch đã lan quá rộng ra cộng đồng, việc giảm số ca nhiễm cũng đòi hỏi phải có thời gian.

Trong 2 tuần đầu tiên thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 với các biện pháp quyết liệt, TPHCM đã liên tục thay đổi, nâng cao các phương án nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch Covid-19.

Tình hình dịch bệnh tại đô thị đông dân nhất cả nước chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Điểm sáng đáng kể nhất sau 2 tuần là hàng loạt hạn chế, bất cập thời gian trước đây đã từng bước được gỡ bỏ, TPHCM bước vào 14 ngày giãn cách xã hội tiếp theo với những điểm hoàn thiện nhất định trong công tác phòng, chống dịch và chỉ đạo, điều hành.

Trao đổi với Dân trí, các chuyên gia dịch tễ cùng chung quan điểm, TPHCM cần siết chặt, tăng cường hơn nữa các biện pháp giãn cách, phong tỏa, cách ly trong thời gian tới.

Trong những ngày tiếp theo, thành phố cần đặc biệt chú ý đến 2 phần việc chính là siết chặt, tăng cường các biện pháp giãn cách và đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng vắc xin Covid-19.

Chuyên gia nhận định trong thời gian tới, tốc độ tiêm vắc xin Covid-19 của TPHCM cần được đẩy nhanh (Ảnh: Nguyễn Quang).

Vì sao TPHCM mất nhiều thời gian dập dịch?

"Việc dập dịch Covid-19 tại TPHCM tốn nhiều thời gian hơn so với các địa phương khác do thời gian đầu, việc giãn cách tại địa phương chưa nghiêm. Khi dịch đã lan quá rộng ra cộng đồng, việc giảm số ca nhiễm cũng đòi hỏi phải có thời gian, nhất là đối phó với biến chủng virus Delta này", PGS. TS Trần Đắc Phu (nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế) nhìn nhận.

Ông Trần Đắc Phu nhận định, trong 2 tuần đầu tiên áp dụng Chỉ thị 16, TPHCM đã có nhiều cách làm đổi mới, phù hợp trong công tác phòng, chống dịch bệnh. Đặc biệt, địa phương này đã áp dụng linh hoạt các biện pháp dựa trên những nguyên tắc chuyên môn cơ bản từ xét nghiệm, truy vết, cách ly, phong tỏa cũng như điều trị.

Lượng lớn người dân tập trung tại chốt kiểm dịch Covid-19 trong thời gian đầu TPHCM cách ly xã hội (Ảnh: Nguyễn Quang).

Còn bác sĩ Trương Hữu Khanh, cố vấn chuyên môn khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TPHCM), đánh giá, sau 2 tuần áp dụng Chỉ thị 16 đầu tiên, bức tranh dịch tễ của thành phố chưa có dấu hiệu khả quan.

Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến việc dịch Covid-19 lây lan mạnh thời gian qua tại địa phương này, là việc tập trung đông người còn xuất hiện trong thời gian giãn cách, chưa được giải quyết triệt để.

Hai chuyên gia dịch tễ đều đồng quan điểm, việc kéo dài thời gian giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 là điều cần thiết với TPHCM. Thậm chí, một số địa phương, điểm nóng dịch bệnh cần tăng cường thêm các biện pháp để bức tranh dịch tễ chuyển biến tích cực.

Chưa thể xác định đỉnh dịch

"Việc số ca F0 mỗi ngày đang đi ngang chưa phải dấu hiệu của việc TPHCM đã đạt đỉnh dịch. Thực tế hiện tại, dịch Covid-19 tại TPHCM khó để xác định thời điểm đạt đỉnh dịch hay số ca mắc ở đỉnh dịch là bao nhiêu", PGS. TS Trần Đắc Phu nhìn nhận.

Nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng phân tích, đỉnh của dịch sẽ phụ thuộc vào yếu tố giám sát và khả năng đáp ứng của thành phố. Với mức độ của dịch bệnh ở TPHCM, việc xét nghiệm, giám sát tốt sẽ xuất hiện theo nhiều ca mắc Covid-19.

Việc số F0 đi ngang chưa phải dấu hiệu của việc TPHCM đạt đỉnh dịch (Ảnh: Hải Long).

Nếu khả năng đáp ứng của thành phố không tốt, số ca mắc trong cộng đồng sẽ ngày càng tăng, việc xét nghiệm sẽ ngày càng phát hiện ra nhiều ca F0, số ca mắc ở đỉnh dịch sẽ còn tăng cao. Vì vậy, đỉnh dịch tại TPHCM ra sao là câu hỏi chưa thể giải đáp trong thời điểm hiện tại.

Còn theo bác sĩ Trương Hữu Khanh, số ca mắc hàng ngày tại TPHCM đi ngang chưa thể hiện nhiều điều về vấn đề dịch tế của địa bàn trong đợt dịch. Ông phân tích, việc đạt đỉnh dịch chỉ xảy ra khi số ca F0 đi ngang và đi xuống dần.

"Số ca F0 đi ngang nhiều ngày chưa phải dấu hiệu khả quan. Thậm chí, thời gian đi ngang quá lâu còn là dấu hiệu của việc dịch Covid-19 trong cộng đồng chưa được khống chế", vị bác sĩ của Bệnh viện Nhi đồng 1 phân tích.

Cần ngừng tất cả hoạt động tại các điểm nóng

Nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cho rằng trong thời gian tới đây, thành phố cần thắt chặt hơn nữa các biện pháp giãn cách xã hội. Thậm chí, địa phương phải thực hiện "cửa đóng then cài", ngừng tất cả hoạt động tại những điểm nóng của dịch bệnh.

Trong trường hợp đó, chính quyền địa phương có thể tổ chức các đội phục vụ, cung cấp đồ ăn, thức uống, nhu yếu phẩm cần thiết cho người dân. Ông Trần Đắc Phu nhấn mạnh, để dập được dịch Covid-19 nhanh nhất có thể, mọi hoạt động, giao tiếp, tiếp xúc cần được ngừng lại.

"Hiện tại, số ca mắc tại TPHCM nhiều, sự di chuyển của các F0 sẽ gây ra lây lan trên diện rộng. Chúng ta khó biết ai đã nhiễm virus do biến chủng Delta có khả năng lây lan nhanh, các F0 có thời kỳ không triệu chứng", PGS. TS Trần Đắc Phu phân tích.

Chuyên gia cho rằng TPHCM cần thiết thực hiện "cửa đóng then cài" tại những khu vực là điểm nóng của dịch Covid-19.

Với phương châm, dập dịch tại "vùng đỏ" là hạn chế thấp nhất dịch bệnh di chuyển ra ngoài, thì "vùng xanh" là hạn chế thấp nhất dịch bệnh xâm nhập vào trong.

Những khu vực vùng đỏ cần siết chặt việc kiểm soát cách ly, giãn cách, thực hiện "lấy phong tỏa làm cách ly", không nhất thiết đưa hết các trường hợp F0, F1 đi cách ly như thành phố đã làm để tránh quá tải cho hệ thống y tế.

Đối với các "vùng xanh", chính quyền địa phương và lực lượng y tế tiếp tục thực hiện truy vết, khoanh vùng. Khi phát hiện những ca nhiễm mới, công tác cách ly, phong tỏa cần được làm triệt để trong thời gian nhanh nhất.

TPHCM cần siết chặt các biện pháp kiểm soát, chống lây lan dịch Covid-19 tại khu cách ly, phong tỏa.

Dưới góc độ điều trị bệnh nhân, bác sĩ Trương Hữu Khanh cho rằng thành phố cần tập trung để bảo vệ đối tượng có nguy cơ lây nhiễm Covid-19, có nguy cơ chuyển biến nặng và tách họ ra khỏi cộng đồng để bảo vệ. Nhóm đối tượng này cần được tiêm chủng vắc xin Covid-19 sớm và theo dõi, quan tâm đặc biệt về y tế.

"Phương án này sẽ giúp làm giảm áp lực cho hệ thống y tế, tránh dàn trải lực lượng. Điểm cốt yếu của phương án là thành phố cần xác định được trong cộng đồng, trong khu cách ly, phong tỏa có bao nhiêu đối tượng thuộc nhóm trên", ông Trương Hữu Khanh phân tích.

PGS. TS Trần Đắc Phu nhấn mạnh để làm giảm số ca mắc tại đỉnh dịch và sớm có miễn dịch cộng đồng, thành phố cần đáp ứng quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch chủ động, trong đó vấn đề mang tính quyết định là công tác tiêm vắc xin phòng Covid-19.

"Thành phố cần đặc biệt quan tâm và ưu tiên đến vấn đề điều trị. Cơ quan y tế cần giữ liên hệ chặt chẽ với F0 có triệu chứng, tránh trường hợp bệnh nhân có biến chứng nặng mà không được đáp ứng. Giải pháp này sẽ giúp TPHCM kịp thời điều trị cho các trường hợp lây nhiễm, giảm tới mức thấp nhất nguy cơ tử vong do Covid-19", nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng lưu ý.

Tác giả: Quang Huy

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP