Kinh tế

Vì sao tỉnh Hà Tĩnh quyết "khai tử" mỏ sắt lớn nhất Đông Nam Á?

Liên quan đến những tranh cãi xoay quanh việc dừng dự án khai thác mỏ sắt Thạch Khê, ông Đỗ Khoa Văn, Giám đốc sở Khoa học & Công nghệ Hà Tĩnh khẳng định, tỉnh đã nghiên cứu xem xét rất nhiều để khẳng định quan điểm của tỉnh là dừng hẳn dự án.

Ảnh hưởng 19.000 người

Dự án mỏ sắt Thạch Khê, Hà Tĩnh được đánh giá lớn nhất Đông Nam Á vẫn đang tạo ra tranh cãi nảy lửa giữa các bên về việc tiếp tục hay dừng triển khai dự án.

Dự án từng được Bộ Chính trị đồng ý, Chính phủ giao cho Công ty cổ phần Sắt Thạch Khê, trong đó Tập đoàn Than Khoáng sản VN (TKV) làm nòng cốt để chủ trì triển khai dự án, được khởi công từ 2009. Dự án có quy mô lên tới 14.517 tỷ đồng. Tuy nhiên dự án này đã tạm dừng nhiều năm nay do vướng mắc nhiều thủ tục.

Tại hội thảo “Đánh giá, cân nhắc những vấn đề trước khi thực hiện hoạt động khai thác mỏ sắt Thạch Khê tỉnh Hà Tĩnh” tổ chức sáng nay (21/12), ông Đỗ Khoa Văn, Giám đốc sở Khoa học & Công nghệ Hà Tĩnh cho biết, dự án mỏ sắt Thạch Khê có trữ lượng 540 triệu tấn, lớn nhất Đông Nam Á, nằm trên địa bàn 6 xã ven biển thuộc huyện Thạch Hà. Việc khai thác do công ty cổ phần sắt Thạch Khê (TIC) làm chủ đầu tư, diện tích đất 4.800 ha, số dân bị ảnh hưởng là gần 19.000 nhân khẩu.

Ông Đỗ Khoa Văn, Giám đốc sở Khoa học & Công nghệ Hà Tĩnh.

“Xuất phát từ những bài học môi trường đã xảy ra, tỉnh Hà Tĩnh đã nghiên cứu xem xét rất nhiều về dự án để khẳng định quan điểm của tỉnh là dừng hẳn dự án”, vị Giám đốc sở nhấn mạnh.

Ông Văn khẳng định nhiều mặt, nhiều khía cạnh chủ đầu tư cũng như những phát sinh đều không đáp ứng và đảm bảo an toàn và hiệu quả của việc khai thác dự án.

“Về cấu trúc địa hình, cấu trúc phức tạp lớp mặt có 140m là đất sét, sau đó có thể có địa hình cacxtơ có thể gây sạt lở khi tiêu thoát nước. Trong khi nghiên cứu địa chất ở độ sâu âm 145m chưa đủ tin cậy để khai thác.

Về năng lực của chủ đầu tư, mức đầu tư dự án 2 giai đoạn lần lượt là trên 6.700 tỷ đồng giai đoạn 1 và giai đoạn 2 là trên 7.700 tỷ (tổng trên 14.500 tỷ), trong đó còn nhiều nội dung chưa được đề cập và yếu tố trượt giá được tính toán thì chi phí còn lớn hơn nhiều.

Theo dự án điều chỉnh thì 30% vốn cổ đông và 70% vốn huy động, tuy nhiên từ khi triển khai tái cơ cấu TIC chỉ huy động được hơn 1.800 tỷ, còn thiếu 224 tỷ. Thực tế tài chính cho thấy TIC không đáp ứng được dự án lớn này.

Phương án vận chuyển, phương án sử dụng ô tô để vận chuyển đất đá và quặng trong mỏ trong điều kiện hạ tầng hiện nay cũng không đảm bảo. TIC dự định sử dụng xe ô tô 30-40 tấn để vận tải quặng; với khối lượng quặng 5 triệu tấn, cần hàng chục xe ô tô vận chuyển, với bình quân 2-3 phút/chuyến. Điều này sẽ khiến QL1A phải oằn mình chống đỡ.

Phương án xây cảng biển vận tải được biển chưa có đánh giá ảnh hưởng đến hải lưu, bên cạnh đó để đáp ứng đúng tiêu chuẩn kỹ thuật xây cảng, thì vốn đầu tư sẽ rất lớn.

“Thực tế Việt Nam hiện chưa có lò cao xử lý hàm lượng chứa kẽm cao như Thạch Khê, từ đó không thể sử dụng toàn bộ quặng sắt, chưa tận thu được khoáng sản khác, chỉ tập trung vào quặng sắt. Mỏ có trữ lượng 544 triệu tấn nhưng năng lực của TIC chỉ khai thác được 369 triệu tấn, như vậy gây lãng phí tài nguyên”, ông Văn bổ sung.

Câu hỏi chưa có lời giải đáp

Về tác động xã hội, GS. TSKH Đặng Trung Thuận, Chủ tịch hội Địa hoá Việt Nam cho biết, khu vực mỏ Thạch Khê nằm sát bờ biển với nhiều cồn cát chứa lượng nước ngầm rất lớn, việc khai thác mỏ sẽ mất nguồn nước ngầm, điều này sẽ ảnh hưởng đến nguồn nước ngầm sinh sống của người dân.

Khai thác mỏ Thạch Khê sâu 500m, trong khi bao quanh 3 phía là nước ngọt phía Đông là biển Đông, khi khai thác sâu sẽ tạo ra sự chênh lệch áp lực dẫn đến xâm nhập mặn từ biển vào.

GS.TSKH Đặng Trung Thuần phát biểu.

"Hiện tại, mới có 51 hộ dân di dời với số tiền đền bù khá lớn, từ 800 triệu đến 1,4 tỷ/người. Sau khi nhận tiền, họ được thêm 300m2 đất và dùng tiền đền bù xây được nhà và các công trình phụ.

Họ hoàn toàn là nông dân nên cuộc sống của họ sẽ rất khó khăn sau khi toàn bộ tiền đền bù đã xây nhà hết, phương án giải quyết công ăn việc làm của người dân chưa hề được tính đến. Tôi đã trao đổi với chính quyền địa phương về phương án cho những người dân này, thì chính quyền địa phương cũng thừa nhận chưa có giải pháp.

Trong đó tổng số hộ dân trong diện di dời lên tới hơn 4.400 hộ với gần 19.000 nhân khẩu sẽ ra sao? Không chỉ là câu chuyện đền bù thoả đáng, mà an sinh xã hội sau đó cho hàng chục nghìn người sẽ đi về đâu?", ông Thuần băn khoăn.

Đồng ý với những phân tích trên, ông Lê Công Lương, Liên hiệp các Hội Khoa học & Kỹ thuật Việt Nam cho rằng, rất nhiều vấn đề liên quan đến môi trường, giao thông, an toàn chất độc hại khi khai thác chưa được chủ đầu tư đề cập chi tiết, rất cần được nghiên cứu làm rõ.

Dưới góc độ cá nhân, ông Lương đề nghị dừng dự án này, nên tập trung phát triển du lịch biển được an toàn, bền vững.

Tác giả: Đặng Thủy

Nguồn tin: Báo Người đưa tin

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP