Du lịch

Vì sao nhân viên khách sạn luôn gõ cửa dù biết phòng trống?

Gõ cửa phòng trước khi vào là quy tắc nhằm đảm bảo an toàn cho hai bên: người thuê và khách sạn.

Một câu hỏi đăng trên diễn đàn dành cho dân ngành nhà hàng - khách sạn hồi tháng 11 đã thu hút được hơn 200 bình luận chỉ sau một ngày đăng tải. Câu hỏi có nội dung là: "Vì sao nhân viên khi dẫn khách đi nhận phòng lại gõ cửa, rồi mới dùng thẻ từ mở cửa cho khách vào trong. Trên thực tế, người nhân viên đó biết rõ phòng đó còn trống, vì còn trống mới làm thủ tục cho khách vào ở, nhưng lại vẫn gõ cửa".

Việc gõ cửa, xưng tên và bộ phận làm việc là một trong những quy trình làm việc tại nhiều khách sạn trên thế giới, trong đó có nhiều khách sạn tại Việt Nam cũng áp dụng quy tắc này. Ảnh: Cleanlink

Việc gõ cửa, xưng tên và bộ phận làm việc là một trong những quy trình làm việc tại nhiều khách sạn trên thế giới, trong đó có nhiều khách sạn tại Việt Nam cũng áp dụng quy tắc này. Ảnh: Cleanlink

Rất nhiều các chuyên gia, quản lý nhà hàng - khách sạn cao cấp và các nhân viên lâu năm trong ngành hào hứng vào trả lời câu hỏi trên. Theo đó, việc gõ cửa (như lời Xin chào) trước khi vào phòng, dù phòng đó trống, là quy tắc để đảm bảo sự an toàn tuyệt đối cho cả hai bên: người thuê và khách sạn.

Điều này tuy không bắt buộc ở mọi khách sạn trên thế giới, nhưng nó gần như bắt buộc tại các khách sạn 4-5 sao. Mục đích của hành động này là tránh trường hợp hệ thống có thể báo nhầm phòng, hoặc trong trường hợp kỹ thuật đang kiểm tra lại, buồng phòng đang dọn dẹp. Vì trên thực tế, Lễ tân, Kỹ thuật và Buồng phòng là ba bộ phận khác nhau, vẫn có thể sai lệch thông tin. Khi đó, tiếng gõ cửa như một lời báo động, để những người ở bên trong biết và chuẩn bị, tránh trường hợp gây khó xử khi cửa mở.

Một người là quản lý lâu năm tại một khách sạn 5 sao chia sẻ: "Đôi khi khách sạn có sự không khớp giữa hệ thống hoặc giữa các bộ phận, dẫn đến việc nhầm lẫn phòng vẫn có người ở, phòng chưa dọn dẹp... thành phòng đã sẵn sàng cho khách check-in. Bên cạnh đó có thể có sự sai sót ở bộ phận lễ tân chưa kiểm tra hệ thống dẫn đến trường hợp hai khách khác nhau cùng nhận một căn phòng".

Vào mùa cao điểm, nhiều khách sạn luôn trong tình trạng kín phòng. Do đó, khách nào đến trước thường được khách sạn ưu tiên cho nhận phòng trước. Nhưng có thể phòng của vị khách đó vẫn chưa sẵn sàng, lễ tân đổi cho khách sang phòng khác. Nhưng do bận nhiều việc, lễ tân đó chưa lưu lại thay đổi trên hệ thống, dẫn đến nhầm lẫn. Do đó, dẫn khách lên phòng mà phòng đó đã có người ở, nhân viên khách sạn nếu gõ cửa thì có thể xin lỗi dễ dàng hơn là đi thẳng vào trong.

Tiếp theo, điều này cũng tránh trường hợp lễ tân ghi nhầm số phòng trên vỏ đựng thẻ phòng hay báo nhầm số phòng cho khách. Điều này dẫn đến việc nhân viên dẫn khách lên nhầm phòng đã có người ở. Dù trường hợp này rất hiếm nhưng vẫn có thể xảy ra. Và việc gõ cửa là cần thiết.

Bên cạnh đó, có nhiều giả thiết liên quan đến yếu tố tâm linh được các nhân viên khách sạn truyền tai nhau. Mọi người tin rằng nhiều khách sạn có các "vị khách" bí ẩn trú ngụ. Việc gõ cửa như một lời thông báo, xin phép họ để khách vào phòng trú ngụ một vài đêm. Và nếu làm thế, các vị khách thuê phòng sẽ có những giấc ngủ ngon, không gặp các hiện tượng siêu nhiên kỳ bí hay bị "ma trêu". Tuy nhiên đến nay, chưa có vị khách nào đưa ra được bằng chứng cụ thể về việc mình gặp các sự cố liên quan đến tâm linh vì vào phòng mà chưa gõ cửa này.

Tác giả: Anh Minh

Nguồn tin: Báo VnExpress

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP