Pháp luật

Vì sao bị cáo Vũ Huy Hoàng và đồng phạm không phải bồi thường hơn 2.700 tỷ đồng?

TAND TP Hà Nội vừa tuyên phạt cựu Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng (SN 1953, trú tại phường Phạm Đình Hồ, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) 11 năm tù trong vụ án “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí” và “Vi phạm các quy định về quản lý đất đai” xảy ra tại Bộ Công thương, Tổng Công ty cổ phần Bia-Rượu-Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) và TP Hồ Chí Minh gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 2.700 tỷ đồng.

Đồng phạm của ông Hoàng tuỳ theo mức độ phạm tội cũng đã phải nhận những hình phạt tù khác nhau. Tuy nhiên điều khiến dư luận thắc mắc là tại sao cơ quan tố tụng đã xác định số tiền thiệt hại trong vụ án hơn 2.700 tỷ đồng, nhưng Toà án lại không tuyên ông Hoàng và đồng phạm phải bồi thường?

Theo bản án sơ thẩm, thiệt hại trong vụ án này là quyền sử dụng đất thửa đất số 2-4-6 Hai Bà Trưng (phường Bến Nghé, quận 1, TP Hồ Chí Minh) đã được giao không đúng quy định. Do đó, UBND TP Hồ Chí Minh phải có trách nhiệm hủy, thu hồi các quyết định giao đất trái pháp luật. Và như vậy thì thiệt hại đã cơ bản được khắc phục.

Bị cáo Vũ Huy Hoàng và đồng phạm.

Dẫu vậy, việc Toà án không yêu cầu các bị cáo bồi thường dân sự không có nghĩa là vụ án không có thiệt hại. Bởi thực tế thiệt hại trong vụ án còn nhiều hơn số tiền hơn 2.700 tỷ đồng. Lý do Toà án không buộc các bị cáo phải bồi thường thiệt hại vì hành vi vi phạm pháp luật của các bị cáo đã bị cơ quan bảo vệ pháp luật phát hiện, ngăn chặn kịp thời nên Nhà nước chưa mất quyền quản lý, sử dụng khu đất “vàng” 2-4-6 Hai Bà Trưng.

Bản án sơ thẩm xác định, việc UBND TP Hồ Chí Minh cho thuê khu đất số 2-4-6 Hai Bà Trưng trái pháp luật chỉ là một mắt xích trong chuỗi hành vi vi phạm quy định gây thất thoát, lãng phí. Thiệt hại trong vụ án là một quá trình khi ông Vũ Huy Hoàng và cấp dưới thực hiện quyền, trách nhiệm của cơ quan quản lý khu đất số 2-4-6 Hai Bà Trưng.

Quá trình này được tính từ thời điểm Tổng Công ty Rượu-Bia-Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco, trực thuộc Bộ Công thương) góp vốn tới khi Sabeco thoái vốn, chứ không chỉ dừng lại ở việc cho thuê đất. Việc Sabeco thoái vốn khỏi liên doanh Sabeco Pearl (không phải là doanh nghiệp Nhà nước) là hành vi cuối cùng dẫn tới hậu quả vụ án.

Trong vụ án này, việc UBND TP Hồ Chí Minh giao cho Sabeco Pearl làm chủ đầu tư dự án, được nộp tiền thực hiện nghĩa vụ tài chính và thuê khu đất có diện tích hơn 6.000m2 tại số 2-4-6 Hai Bà Trưng với giá trị quyền sử dụng đất (cho thuê 50 năm) tại thời điểm quyết định cho thuê ngày 30/6/2015 hơn 1.000 tỷ đồng là không đúng đối tượng và không thông qua đấu giá là trái quy định của pháp luật, gây thiệt hại lớn tài sản Nhà nước.

Từ những dẫn chứng ở trên cho thấy, việc TAND TP Hà Nội không tuyên buộc ông Vũ Huy Hoàng cùng đồng phạm phải bồi thường thiệt hại của vụ án là số tiền hơn 2.700 tỷ đồng là có căn cứ. Thay vào đó, TAND TP Hà Nội yêu cầu UBND TP Hồ Chí Minh huỷ bỏ quyết định cho thuê đất và các văn bản liên quan trái pháp luật đối với khu đất số 2-4-6 Hai Bà Trưng, đồng thời giao cho UBND TP Hồ Chí Minh thực hiện việc xử lý khu đất này theo đúng quy định của pháp luật, đảm bảo quyền lợi cho các bên liên quan là đã cân nhắc, xem xét và áp dụng các tình tiết có lợi nhất cho các bị cáo.

Tác giả: Nguyễn Hưng

Nguồn tin: Báo Công an nhân dân

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP