Xã hội

Về nơi vợ tránh thai bị nghi… ngoại tình

Nhiều cặp vợ chồng ở thôn Trà Ong, xã Trà Quân, huyện Tây Trà, tỉnh Quảng Ngãi do thiếu hiểu biết về sức khỏe sinh sản đã liên tục đẻ con và quẩn quanh với đói nghèo. Có gia đình, để nhớ hết tên con, họ phải ghi tên chúng theo thứ tự giữa lòng cái anten chảo parabol phế liệu. Thế nhưng, việc tránh thai của chị em nơi đây cũng lắm oái oăm.

Những người mẹ bận bịu con nhỏ ở thôn Trà Ong

Ghi tên con trên chảo để nhớ

Thôn Trà Ong nằm cách trung tâm huyện vùng cao Tây Trà hơn 30km, nơi có nhiều cặp vợ chồng sinh từ 5 đến 10 người con. Dù quanh năm đối mặt với đói nghèo nhưng nhiều người mẹ ở đây vẫn liên tục sinh con. Vợ chồng anh Hồ Văn Dế (52 tuổi) và chị Hồ Thị Phương (50 tuổi) sinh đến 10 người con. Cuộc sống khó nghèo, chị Phương suốt ngày đi làm thuê trên nương rẫy, gùi củi trên núi về làm chất đốt nấu ăn cho gia đình. “Sinh đến đứa con thứ 9, năm 2007, tôi đến Trạm y tế xã Trà Quân đặt vòng tránh thai nhưng tới năm 2011, tôi lại mang bầu. Lúc ấy đi khám thì các y sĩ bảo tôi bị rớt vòng từ lâu”, chị Phương phân trần.

Vì quá đông con nên anh Dế bảo các con ghi họ tên theo thứ tự giữa lòng cái anten chảo parabol phế liệu cho nhớ, nhất là khi có khách đến nhà hỏi thăm. “Vợ chồng tôi sinh tổng cộng 10 đứa, đứa lớn nhất 20 tuổi, nghỉ học từ năm lớp 9 rồi đi làm thuê, đứa nhỏ nhất mới 5 tuổi. Đứa con trai thứ hai được 4 tuổi thì chết vì bệnh kiết lỵ, đứa con trai thứ tư mới 8 tháng tuổi cũng sớm lìa đời vì sốt cao, giờ chỉ còn 8 đứa”, anh Dế thổ lộ. Nói rồi, anh Dế bảo: “Đông con thì vui thật nhưng đông quá. Hai vợ chồng chẳng biết làm gì ngoài mảnh ruộng nhỏ xíu, cơm không đủ ăn, quần áo cũng thiếu để mặc, lúc bệnh xuống chắc chỉ còn nước chờ trời gọi một tiếng là đi luôn thôi”.

Ông Dế bên cái chảo parabol chi chít tên con cái

Tương tự gia đình anh Dế, vợ chồng anh Hồ Văn Tiên (50 tuổi) và chị Hồ Thị Tranh (49 tuổi) cũng sinh con đông đúc. Cặp vợ chồng này có đến 9 người con, đứa lớn nhất đã 26 tuổi, đứa bé nhất 4 tuổi. Ở cách xa trung tâm huyện, tiền không đủ nên mỗi lần sinh nở, chị Tranh tự đẻ tại nhà. Món ăn bồi dưỡng chỉ có cháo loãng và nước suối đun sôi. Nhiều lần cán bộ y tế khuyên vợ chồng chị Tranh đến bệnh viện đình sản, không đẻ nữa nhưng chị trả lời gọn lỏn: “Không có tiền”.

“Nhà tôi ngoài gạo ra thì bữa nào cũng luộc thêm khoai, sắn ăn kèm. Nhưng ngay cả mấy thứ đó cũng đâu được nhiều, nhà cả chục người, ăn loáng cái là hết. Sinh đứa út ra mà sữa của tôi cũng không còn cho nó bú. Nhìn con mà ước nó sinh ra ở nhà nào dưới miền xuôi, cơm canh đủ đầy thì đỡ khổ”, chị Tranh buồn rầu cho biết.

Cách nhà anh Tiên khoảng 100m, vợ chồng anh Hồ Văn Thước (46 tuổi) và chị Hồ Thị Tính (45 tuổi) cũng có đến 9 đứa con. Trong đó, đứa con đầu chết sau một trận sốt cao. Đến năm 1994, con thứ 4 của họ không có cơ hội ra đời khi bào thai chết ngay tháng thứ 6. Hiện, 7 đứa con còn lại thì 2 đứa đầu đã lấy vợ, mỗi người cũng sinh liền tù tì 3 đứa trẻ nheo nhóc. Với vợ chồng anh Thước, đời con rồi đời cháu của mình, chuyện học đến bậc phổ thông trung học là vô cùng xa xỉ. “Vì thiếu ăn nên mấy đứa con của tôi, đứa nào cũng còi cọc, suy dinh dưỡng. Nhưng mà trời sinh voi, sinh cỏ. Sinh nhiều thì con ăn khoai, ăn củ rồi cũng lớn lên, sau đó chúng đi làm thuê nuôi lại chúng tôi khi đã già yếu”, chị Tính nói gọn hơ.

Hệ lụy của quan niệm lạc hậu

Theo chị Hồ Thị Hải - cán bộ chuyên trách dân số xã Trà Quân, hầu hết hộ dân thôn Trà Ong đều sinh từ 5 con trở lên. “Ở đây người ta còn quan niệm chuyện trời sinh voi, sinh cỏ. Thêm nữa là nhận thức về sức khỏe sinh sản còn hạn hẹp nên cứ thế sinh con liên tục”, chị Hải nói.

Mới đây, cán bộ xã đã về tận thôn thuyết phục nhiều chị em đi đặt vòng tránh thai. Nhưng đặt vòng rồi, các cán bộ vẫn phải túc trực theo các bà mẹ này về nhà giải thích với chồng vì sợ họ bị chồng đánh. “Ở đây nhiều chuyện dở khóc, dở cười lắm. Có trường hợp vợ lén giấu chồng đi đặt vòng, về đến nhà bị chồng phát hiện liền bị đánh đến rớt vòng và lại tiếp tục có con. Nhiều ông chồng chưa thoát được ý nghĩ cổ hủ, vợ tránh thai nhưng lại nghĩ làm vậy là do có tư tưởng ngoại tình nên hay đè ra đánh”, chị Hải cho biết.

Đã đặt vòng nhưng với những người phụ nữ vùng cao nghèo khó này việc có thai bất ngờ cũng là điều có thể xảy ra. Nguyên do là do lao động nặng nên có người bị rớt vòng. Theo chị Hải, sau khi đặt vòng tránh thai, người phụ nữ cần nghỉ ít nhất 7 ngày trước khi làm trở lại. Nhưng với cuộc sống tứ bề khốn khó, chỉ sang ngày thứ 2 là chị em lại rủ nhau ra đồng hay lên rẫy, đi núi vác củi nên chuyện rớt vòng không phải là hiếm. Hơn nữa, phần lớn các ca sinh đẻ đều được người dân tự thực hiện tại nhà vì không có tiền lo viện phí. Sự nguy hiểm đến tính mạng thai phụ vì thế cũng tăng cao. “Không ít trường hợp sản phụ đẻ tại nhà gặp nguy hiểm hoặc dùng dao cắt rốn cho trẻ sơ sinh (làm bằng cây lồ ô rừng vát nhọn) khiến trẻ bị nhiễm trùng, qua đời. Sau đó họ phân bua cho rằng mình bị sẩy thai”, chị Hải cho biết.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, liên tục nhiều năm liền, ngành y tế huyện Tây Trà về tận thôn, bản lồng ghép tuyên truyền sức khỏe sinh sản. Khi sinh đẻ, người dân nên đến trạm y tế, bệnh viện nhưng thực tế đồng bào nơi đây có thói quen sinh con tại nhà hoặc gần đến ngày đẻ vẫn đi làm rẫy trên núi nên rất dễ gặp tình huống nguy hiểm.

Theo bà Nguyễn Thị Bích Thủy - Phó giám đốc Trung tâm Dân số kế hoạch hóa gia đình huyện Tây Trà, người đồng bào thiểu số quan niệm sinh con trai để nối dõi, đảm trách việc thờ cúng nên họ sinh mãi bao giờ có con trai mới thôi. Dù tuyên truyền nhiều nhưng họ từ chối đặt vòng tránh thai hoặc đình sản với nhiều lý do như ngại đường xa, sợ tốn tiền, đau ốm; quan niệm trọng nam, khinh nữ còn nặng nề. Mặt khác, họ vẫn giữ thói quen sinh đẻ tại nhà gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe thậm chí gây nguy hiểm tính mạng cho trẻ sơ sinh. “Do nhận thức còn lạc hậu, nhiều cặp vợ chồng không chịu kế hoạch nên liên tục đẻ con. Đây là thực trạng đáng lo ngại gây ra hệ lụy, đói nghèo, ảnh hưởng rất lớn đến tương lai con trẻ tại địa phương”, bà Thủy cho biết.

Tác giả: Đình Phan

Nguồn tin: Báo Giáo dục và Thời đại

  Từ khóa: tránh thai ,ngoại tình

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP