Xã hội

Về miền gái xinh thành nạn nhân của tục “cướp vợ”

Những nữ sinh đang tuổi ăn học bỗng dưng nghỉ học vì bị “cướp” về làm vợ rồi hầu hết đều cam chịu, phó mặc cho số phận đẩy đưa. Có những em gái đang đi trên đường bỗng dưng bị “cướp” mặc dù la hét, van xin nhưng người con trai không chịu buông tha… Một ngày đầu Xuân Đinh Dậu, chúng tôi lạc về miền quê “nóng” với hủ tục này sau vụ “cướp vợ” gây xôn xao dư luận tại địa bàn xã Châu Lộc, huyện Quỳ Hợp (Nghệ An) vào ngày 2/2 vừa qua.

tuc cuop vo
Cô gái bị bắt ép trên đường ngày 2/2. Ảnh cắt từ clip.

Chuyện sau vụ "cướp vợ" bất thành

Từ ngã ba xã Châu Lộc nơi xảy ra vụ "cướp vợ", chúng tôi phải đi xe ôm hơn 20km nữa mới vào đến bản Quèn thuộc xã Liên Hợp để đến nhà Trương Văn Biển (25 tuổi)- chủ mưu vụ cướp vợ nêu trên.

Chúng tôi tìm gặp trưởng bản Lương Văn Bình. Nhấp ngụm nước chè xanh chát xít, trưởng bản Lương Văn Bình kể về vụ việc khiến bản làng của ông nổi như cồn trên cả nước: “Biển nhát quá nên không dám tỏ tình với Hiền (cô gái bị cướp) mặc dù cả hai đã có tình ý với nhau từ trước. Vì không dám tỏ tình nên ngày 2/2, khi biết Hiền đang đứng bên đường đón xe vào Nam làm ăn thì Biển mới cuống cuồng nhờ 3 người bạn trai đến ngăn và khuyên Hiền quay trở về để Biển nói chuyện. Nhưng 3 người bạn này tức tốc, hùng hổ ép Hiền lên xe máy để chở về giữa thanh hiên bạch nhật khiến mọi người dân chứng kiến đều hoảng sợ. Hơn nữa Hiền cũng không biết 3 người này là ai nên cứ nghĩ mình bị “cướp” về làm vợ người khác nên la hét và chống cự quyết liệt”.

Theo ông Bình, cuộc sống bây giờ khác xưa rồi, và càng khác xưa chuyện hôn nhân gia đình cho nên cần bãi bỏ hủ tục mà nhiều người gọi là “cướp vợ”. Trước đây, có những trường hợp bắt vợ về thì đêm mới hỏi vợ tên gì, bao nhiêu tuổi. Trưởng bản Lương Văn Bình cho rằng, nếu các cơ quan có trách nhiệm không có biện pháp ngăn ngừa và xã hội không lên tiếng phản đối thì chuyện “cướp vợ” của người Thái, người Mông sẽ lan truyền như một hủ tục nguy hại.

tuc cuop vo 1
Bà Vi Thị Lan (mẹ Biển) kể về sự việc bắt vợ vừa xảy ra. Ảnh: V.Đồng.

Khi chúng tôi tìm đến nhà thì Biển đi vắng, chỉ có bà Vi Thị Lan (mẹ Biển) đang ngồi trò chuyện với những người dân trong bản về sự việc đang ầm ào khắp nơi này. Bà Lan biện bạch: “Hai đứa nó yêu nhau rồi đấy. Lúc trước cái Hiền có qua nhà tôi ăn cơm, dọn dẹp và đã cùng Biển đi chơi trong bản. Gia đình tôi cũng đã qua gia đình nhà cái Hiền nói chuyện, hai bên đã thống nhất cho các cháu đi lại với nhau”.

Trao đổi với PV, ông Lô Thanh Đồng, Chủ tịch UBND xã Liên Hợp cho hay: "Vụ “bắt vợ” vừa xảy ra, hiện Công an huyện Quỳ Hợp đã có kết luận. Còn hướng xử lý thế nào cho thấu tình đạt lý chúng tôi vẫn phải chờ. Trên địa bàn vẫn có "cướp vợ" nhưng trên cơ sở hai bên đã ngầm có tình ý với nhau. Tục của đồng báo Thái ở đây là vậy. Chúng tôi vẫn thường xuyên cử Bí thư Đoàn xã và cán bộ tư pháp xã đến tận xóm, bản phổ biến kiến thức pháp luật hôn nhân gia đình, bình đẳng giới cũng như khuyến khích những đôi nam nữ yêu nhau nên công khai cho gia đình, bạn bè và người trong bản, trong xã biết. Nếu gia đình không đồng ý thì báo lên chính quyền địa phương để có hướng giải quyết. Nếu không, để xảy chuyện mà người ta cho là “cướp vợ” thì gây dư luận không tốt trong xã hội”.

Nữ sinh trung học cũng bị “cướp” về làm vợ

tuc cuop vo 2
Thầy Nguyễn Minh Đạt - Hiệu trưởng THPT Quỳ Hợp 3 xót xa kể về những trường hợp các em học sinh bị bắt trộm về làm vợ. Ảnh: V.Đồng.

Câu chuyện “cướp vợ” dường như chưa dừng lại ở trường hợp nói trên. Thầy Nguyễn Minh Đạt, Hiệu trưởng Trường THPT Quỳ Hợp 3 đã từng cứu thành công một nữ học sinh của trường bị “cướp” về làm vợ. Hiện thầy Đạt đang làm báo cáo gửi các cấp ban ngành về nhiều trường hợp là nữ học sinh của trường nghỉ học vì nghi… bị cướp về làm vợ.

Vụ cứu em học sinh bị bắt trước cổng trường đã xảy ra cách đây 10 năm nhưng thầy Đạt vẫn nhớ như in. Thầy kể: “Hồi đó tôi đang là Bí thư đoàn trường. Đêm 8/1/2007, tôi đang nghỉ trong phòng thì bỗng một bạn học sinh chạy vào báo với tôi với vẻ mặt hoảng loạn: “Bạn Lô Thị Thủy, học sinh 11C bị 6 thanh niên đi trên 3 xe máy vây rồi cướp ngay trước dãy nhà trọ cạnh cổng trường. Tốp thanh niên đã chở bạn Thủy đi về hướng xã Châu Hồng”. Nghe vậy, tôi nhảy dậy lấy xe máy đuổi theo”.

Hôm đó, một mình thầy Đạt vòng vèo trên đường rừng đuổi theo nhóm cướp học sinh của mình. Khi đến bản Nhang, xã Châu Cường (Quỳ Hợp) thấy em Thủy đang la hét, thầy Đạt liều phóng xe lên rồi ép vào xe đang chở Thủy. “Lúc đó vừa mừng lại vừa sợ, tôi liền cầm lấy tay em Thủy giữ lại nhưng đám thanh niên bên kia cũng hung hăng giành giật lại. Bí quá tôi hét to lên thì vừa lúc các thầy trong trường cũng đuổi kịp tới. Lúc này nhóm người kia đành bỏ Thủy lại và vù xe máy đi. Tôi chỉ kịp giữ lại một thanh niên” - thầy Đạt nhớ lại.

Sau đó mới biết, chủ mưu vụ bắt vợ này là Sầm Văn Đức. Đức từng thú nhận “do uống rượu say, hứng lên thì đi bắt gái đẹp về làm vợ”. Ngày đó, gia đình em Thủy đã phạt Đức. Ngoài ra, UBND xã Châu Hồng cũng phạt Đức 300 ngàn đồng. Những thanh niên đồng phạm còn lại mỗi người bị phạt 200 ngàn đồng.

Nhắc về hủ tục “cướp vợ” này, thầy Đạt đưa cho chúng tôi xem danh sách những học sinh của trường bị “cướp” về làm vợ khi chưa đủ tuổi kết hôn theo luật định. Trầm ngâm nhìn vào bản danh sách, thầy Đạt xót xa: “Năm học 2015 - 2016 có các em Lương Thị Ly, Hà Thị Nam nghi bị “cướp” về làm vợ. Các em đều mới 16 tuổi, đang học lớp 10C4. Tiếp đó là hai em Lô Thị Vui lớp 11A4, Sầm Thị Tươi, học sinh lớp 12C4. Năm 2016- 2017 vừa qua có thêm ba em nữa cũng bị trai bản rình cướp. Theo tìm hiểu của tôi thì hầu hết các em này đều bị “cướp” khi hai bên có tình cảm. Nhưng tuổi các em còn nhỏ mà đã làm vợ, làm mẹ với bao nhiêu lo toan là chuyện không thể chấp nhận được. Quá nguy hại đến tương lai, tuổi trẻ và cuộc sống về sau cho các em”.

Theo thầy Đạt, khi bị bắt về nhà trai và làm thủ tục cúng bái rồi thì các em gái coi như đã có một đời chồng nên thường có tâm lý cam chịu, buông xuôi. Vì không muốn có thêm trường hợp học sinh nữ đang tuổi ăn học bị cướp về làm vợ, thầy Đạt và ban giám hiệu nhà trường đã tổ chức tuyên truyền, phổ biến luật hôn nhân và gia đình, bình đẳng giới… thông qua giờ chào cờ và các hoạt động ngoài giờ. Ngoài ra, nhà trường thành lập CLB bạn gái tuyên truyền, Hộp thư giúp bạn và phân công các em học sinh cắm chốt nhà trọ…để ngăn chặn hủ tục không đáng có này.

“Hiện tại, nhà trường đã có báo cáo gửi lên các cấp ban ngành về trường hợp các em học sinh của trường bị bắt về làm vợ. Ngoài ra, chúng tôi cũng sẽ nhờ đến pháp luật để xử lý những trường hợp “cướp vợ” khi nữ học sinh chưa đến tuổi kết hôn”, thầy Đạt cho biết.

Từ mỹ tục đến hủ tục

Theo văn hóa người Thái ở miền Tây Nghệ An thì khởi thủy của việc “trộm vợ” là một mỹ tục về hôn nhân. Đó là khi người con trai, con gái yêu thương nhau, mong muốn kết duyên vợ chồng. Từ đó, người con gái đi theo người con trai về nhà rồi chịu một số tục lệ thông thường để thành “dâu nhà người” mà bỏ qua các bước tình tự chung của cộng đồng. Kiểu hôn nhân “đi tắt” như thế lâu dần được người Thái gọi là tục “trộm vợ”.

Sở dĩ tục “trộm vợ” ngày xưa được xem là một mỹ tục là bởi dưới thời phong kiến, trong xã hội người Thái vẫn còn nặng nề chuyện “phép mẹ, quyền cha” vô cùng chặt chặt chẽ, quyền uy. Vì thế tục “trộm vợ” được xem như một cách “vượt rào”, sự phản kháng trước những hà khắc phong kiến để có được hạnh phúc lứa đôi.

Nhưng nhiều năm nay thường xuất hiện nạn bắt con gái về làm vợ bất kể đó là ai, bao nhiêu tuổi, đang làm gì miễn là người bắt thấy thích thú. Vấn nạn đó diễn ra tại nhiều vùng bản gây dư luận hoang mang cho chính cả những cô gái bị bắt khiến người dân gọi đó là nạn “cướp vợ”. Thực tế, đây là sự biến tướng của tục “trộm vợ” đối với một số thanh niên kém hiểu biết, khiến tục “trộm vợ” trở thành một hủ tục mới- hủ tục “cướp vợ”.

Thái Tâm (Cổng thông tin điện tử huyện Quỳ Hợp)

Tác giả bài viết: Vũ Đồng

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP