Kinh tế

VCCI: Tăng thuế môi trường với xăng dầu, nền kinh tế bị tác động tiêu cực

Trong một văn bản góp ý gửi Bộ Tài chính mới đây, VCCI cho rằng, việc tăng thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu nhằm bù vào khoản hụt thu từ các hiệp định thương mại sẽ tác động tiêu cực đến toàn bộ nền kinh tế Việt Nam, gây bất lợi cho doanh nghiệp và cho cả kết cấu ngân sách quốc gia.

Không mang hiệu quả đáng kể trong việc giảm tiêu thụ xăng dầu

Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa có văn bản góp ý với Vụ Chính sách thuế - Bộ Tài chính về hồ sơ đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung Luật thuế bảo vệ môi trường (BVMT).

Trước đó, trong dự thảo Luật thuế BVMT (sửa đổi), Bộ Tài chính đã đề xuất nâng khung mức thuế BVMT đối với xăng (trừ ethanol) là 3.000 - 8.000 đồng/lít so với mức 1.000 - 4.000 đồng/lít như hiện nay. Nhiên liệu bay bị áp khung mức thuế từ 3.000 - 6.000 đồng/lít so với hiện nay là 1.000 - 3.000 đồng/lít.

Dầu diezel từ mức hiện tại là 500 - 2.000 đồng/lít thì dự kiến bị đẩy lên 1.500 - 4.000 đồng/lít. Các loại dầu mazut, dầu nhờn và mỡ nhờn bị áp khung 900 - 4.000 đồng/lít,kg trong khi mức hiện nay chỉ là 300 - 2.000 đồng/lít,kg.

Các sản phẩm mới được đưa vào diện chịu thuế là xăng E5 và xăng E10 cũng bị đánh thuế bảo vệ môi trường với khung áp dụng 2.700-7.200 đồng/lít xăng E5 và 2.500 - 6.800 đồng/lít xăng E10.

xang 1484707453325
Việc tăng thuế BVMT đối với xăng dầu gây bất lợi cho cả nền kinh tế

Theo quan điểm của VCCI, thuế BVMT là một dạng công cụ kinh tế nhằm điều chỉnh hành vi của người dân và doanh nghiệp trong việc sử dụng một số loại hàng hóa có nguy cơ gây tác động xấu đến môi trường.

Tuy nhiên, với sản phẩm xăng dầu, VCCI đánh giá, áp lực cắt giảm phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính từ các cam kết quốc tế là không đáng kể và hoàn toàn có thể được thực hiện bằng các biện pháp khác ít tốn kém cho xã hội hơn, chứ không cần thiết phải tăng thuế BVMT đối với xăng dầu.

Về mặt tác động đến tiêu dùng, thải bỏ sản phẩm, theo nhận định của VCCI, xăng dầu là mặt hàng thiết yếu, do đó, việc tăng giá đối với xăng dầu không làm ảnh hưởng nhiều đến tổng lượng tiêu thụ của người dân.

"Nói cách khác, nếu mục tiêu chính sách là để hạn chế tác động môi trường thông qua việc hạn chế tiêu thụ xăng dầu, thì việc tăng thuế không mang lại hiệu quả đáng kể", văn bản của VCCI khẳng định.

Nếu áp thuế kịch khung, thu từ xăng dầu sẽ đóng góp tới 15% tổng thu ngân sách

Trước lập luận của đại diện Bộ Tài chính mới đây cho rằng, tăng thuế BVMT sẽ góp phần hỗ trợ ngân sách trong bối cảnh hội nhập thương mại, phía VCCI cho rằng, việc tăng thuế đối với xăng dầu nhằm bù vào khoản hụt thu từ các hiệp định thương mại sẽ tác động tiêu cực đến toàn bộ nền kinh tế Việt Nam.

Cụ thể, theo phân tích của VCCI, việc cắt giảm thuế quan từ các hiệp định thương mại có thể mang lại lợi thế cho các doanh nghiệp Việt Nam nhưng cũng mang lại lợi thế tương tự cho các doanh nghiệp ở quốc gia khác. Nếu tăng thuế đối với xăng dầu để bù lại, thì vô hình chung, chính sách này khiến các doanh nghiệp Việt Nam mất lợi thế cạnh tranh trước các đối thủ nước ngoài.

Xăng dầu là nguyên liệu đầu vào quan trọng của nền kinh tế. Các phương tiện giao thông vận tải hàng hóa, máy nông nghiệp, tàu cá… đều sử dụng rất nhiều xăng dầu. Do đó, nếu tăng thuế đối với xăng dầu thì những ngành chịu thiệt hại nặng nhất là vận tải, nông nghiệp, thủy hải sản.

Đối với ngành vận tải, theo thông tin từ Cục Quản lý Giá, tỷ trọng chi phí nhiên liệu chiếm từ 25% - 35% đối với xe chạy xăng, từ 35% - 45% đối với xe chạy dầu, 39,5% đối với hàng không .

Đối với ngành thủy hải sản, chi phí nhiên liệu chiếm từ 33% - 59% cơ cấu giá thành . Đối với ngành nông nghiệp, chi phí vận chuyển hàng hóa cũng thường chiếm từ 35% - 40% cơ cấu giá thành. Đây đều là những ngành kinh tế có nhiều đối tượng yếu thế và đang trong giai đoạn hiện đại hóa, chuyển từ thủ công sang cơ giới. Nếu chi phí xăng dầu tăng có thể làm giảm động lực chuyển đổi cơ giới hóa của nông dân.

VCCI cho rằng, thuế BVMT, cũng giống như thuế tiêu thụ đặc biệt, là một nguồn thu không bền vững. Nếu các loại thuế này đóng góp đáng kể trong tổng thu ngân sách sẽ khiến Nhà nước bị đặt vào vị trí xung đột lợi ích, vì một mặt Nhà nước có chính sách hạn chế tiêu dùng một số loại mặt hàng, nhưng mặt khác, bộ máy Nhà nước lại được nuôi sống từ chính mặt hàng đó.

Trong năm 2016 mức đóng góp của thuế BVMT trong tổng thu ngân sách là 4,1%, với 99% trong số đó đến từ xăng dầu. Nếu cộng cả thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, và thuế VAT thì mức đóng góp của ngành xăng dầu vào khoảng 9,8% tổng thu ngân sách. Nếu mức thuế mới kịch khung được áp dụng và loại bỏ thuế nhập khẩu theo lộ trình thì mức đóng góp lên đến khoảng 15% tổng thu ngân sách.

"Đây là tỷ lệ rất lớn và không có lợi cho kết cấu ngân sách quốc gia", VCCI nhận định.

Do đó, theo kết luận của VCCI, xét về dài hạn, việc nới khung thuế BVMT đối với xăng dầu nhằm bảo đảm thu ngân sách sẽ là giải pháp lợi bất cập hại. Chính sách này sẽ làm giảm áp lực chuyển đổi hệ thống tài chính quốc gia theo hướng bền vững hơn.

Tác giả bài viết: Bích Diệp

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP