Kinh tế

Vay ODA làm đường sắt đô thị, đội vốn tỷ USD, 15 năm bất động

Dự án đường sắt đô thị nào cũng lâm cảnh đội vốn, đói vốn và chậm tiến độ nhiều năm. Đây đều là các dự án vay vốn ODA.

Chính phủ vừa có loạt báo cáo gửi Quốc hội về tiến độ dự án xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 1 Thành phố Hồ Chí Minh, tuyến Bến Thành - Suối Tiên; Dự án xây dựng tuyến tàu điện ngầm số 2 Thành phố Hồ Chí Minh, tuyến Bến Thành - Tham Lương; Dự án xây dựng tuyến đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến số 1 (Yên Viên - Ngọc Hồi), giai đoạn I.

Dự án đường sắt đô thị số 1 TP.HCM đội vốn 30.000 tỷ

Tổng mức đầu tư ban đầu của dự án đã được UBND TP.HCM phê duyệt năm 2007 là 17.387 tỷ đồng (tương đương 1 tỷ USD, tỷ giá tại thời điểm duyệt vốn).

Loạt dự án đường sắt đô thị: Đội vốn mấy chục nghìn tỷ, chậm trễ triển khai

Sau đó, dự án được UBND TP.HCM phê duyệt điều chỉnh năm 2011 với tổng mức đầu tư là hơn 47.325 tỷ đồng, tương đương 2,49 tỷ USD. Như vậy, dự án đội vốn thêm khoảng 30 nghìn tỷ đồng do tăng khối lượng xây dựng, biến động giá nguyên vật liệu,...

Trong đó, hơn 41,8 nghìn tỷ đồng từ nguồn vốn vay của Chính phủ Nhật Bản và 5.491 tỷ đồng vốn đối ứng từ ngân sách thành phố.

Đến nay, trong bối cảnh nợ công quốc gia đang tăng cao, Thủ tướng Chính phủ đã giao UBND TP.HCM vay lại toàn bộ phần vốn vay ODA tăng thêm so với năm 2007.

Quá trình thực hiện, UBND TP.HCM có báo cáo đánh giá tác động của việc vay lại nêu trên đến khả năng vay trả nợ của thành phố.

Tổng lũy kế giải ngân từ đầu dự án đến nay là 15.808 tỷ đồng, đạt 38% tổng vốn ODA.

Theo tiến độ được duyệt, dự án hoàn thành xây dựng vào năm 2017 và đưa vào khai thác vận hành năm 2018. Tuy nhiên, do việc chậm trễ trong công tác giải phóng mặt bằng gói thầu số 2; phân chia gói thầu số 1 thành gói thầu 1a và gói thầu 1b, xây dựng cơ chế riêng về thẩm định thiết kế kỹ thuật và dự toán đối với các dự án đường sắt đô thị,... đã ảnh hưởng đến tiến độ triển khai các gói thầu.

Do đó, thời điểm hoàn thành công trình đưa vào khai thác Quý IV năm 2021.

Dự án tàu điện ngầm số 2 TP.HCM: Chậm 8 năm

Tuyến tàu điện ngầm số 2 Thành phố Hồ Chí Minh, tuyến Bến Thành - Tham Lương đi qua các quận 1, 3, 10, 12, Tân Bình, Tân Phú của TP.HCM.

Tổng mức đầu tư của dự án đã được UBND TP.HCM phê duyệt năm 2010 là hơn 26,1 nghìn tỷ đồng. Tổng mức đầu tư Chính phủ trình Quốc hội tại Tờ trình năm 2018 là 47,89 nghìn tỷ đồng, tăng thêm hơn 20 nghìn tỷ đồng.

UBND TP.HCM đang đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn trước khi phê duyệt điều chỉnh dự án.

Vốn vay ODA từ các nhà tài trợ: Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Ngân hàng Tái thiết Đức (KfW), Ngân hàng Đầu tư châu Âu (EIB) và nguồn vốn đối ứng từ ngân sách nhà nước.

Thời gian hoàn thành dự án theo dự án đầu tư được duyệt là năm 2018. Dự kiến điều chỉnh thời gian thực hiện dự án đến năm 2026. Cụ thể, sẽ tổ chức thi công từ năm 2021 đến năm 2026; kiểm tra, vận hành chạy thử và bàn giao khai thác cuối năm 2026.

Hiện dự án đã giải ngân được gần 1.000 tỷ đồng.

Dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến số 1: 15 năm vẫn bất động

Tổng mức đầu tư được phê duyệt là 19.460 tỷ. Trong đó, vốn vay ODA là gần 14 nghìn tỷ đồng của Chính phủ Nhật Bản thông qua JICA, vốn đối ứng là trên 5,4 nghìn đồng.

Dự án được khởi động từ 2004. Nhưng đến nay, sau 15 năm vẫn chưa chính thức khởi công.

Phối cảnh tổ hợp ga Ngọc Hồi của tuyến metro Yên Viên - Ngọc Hồi

Dự án đã được bố trí và giải ngân vốn ODA từ năm 2009 đến nay là 842 tỷ đồng để thực hiện thiết kế kỹ thuật (từ năm 2009 đến năm 2014). Hiện nay, trong kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách nhà nước giai đoạn 2016 - 2020 được bố trí 2.500 tỷ đồng.

Tại quyết định phê duyệt ban đầu, dự án dự kiến thực hiện từ 2007 đến năm 2017. Đến nay, sau khi phê duyệt điều chỉnh, dự án dự kiến thực hiện từ năm 2017 đến năm 2024.

Theo báo cáo của Chính phủ, Dự án tuyến đường sắt đô thị số 1 là dự án có quy mô lớn, tính chất kỹ thuật phức tạp, được áp dụng công nghệ hiện đại và được đầu tư bằng nguồn vốn vay ODA, thường bị ràng buộc bởi các điều kiện vay trong quá trình đàm phán, ký kết hiệp định nên công tác triển khai thường bị kéo dài hơn so với các dự án khác.

Chỉ xét riêng cho giai đoạn I điều chỉnh (Khu tổ hợp Ngọc Hồi) dự kiến đến 2024 hoàn thành, trong khi đó công tác giải phóng mặt bằng đã thực hiện từ 2012 nhưng đến nay vẫn chưa hoàn thành do nguồn vốn đối ứng bố trí hàng năm không đáp ứng được so với nhu cầu.

Hiện còn một số ý kiến băn khoăn về chủ trương thực hiện, khả năng cân đối nguồn lực đầu tư của toàn dự án. Bởi ước tính tổng mức đầu tư toàn tuyến đường sắt đô thị số 1 (Yên Viên - Ngọc Hồi) khoảng 81.537 tỷ đồng mới đảm bảo mục tiêu của toàn dự án.

Gặp nhiều khó khăn với dự án tuyến metro số 1 Yên Viên - Ngọc Hồi, Bộ GTVT vừa kiến nghị Chính phủ chuyển dự án về TP. Hà Nội làm chủ đầu tư.

Tác giả: Lương Bằng

Nguồn tin: Báo VnExpress

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP