Trong nước

Văn hóa 'chân dài' và 'đại gia'

Cặp phạm trù “chân dài – đại gia” đã phổ biến rộng rãi từ đời thường đến phim ảnh, “song kiếm hợp bích” nơi tình trường và thương trường, 'bữa tiệc điểm tâm' của giới truyền thông, chuyện đàm tiếu của trà chanh “chém gió”, ước mơ của thiếu nữ và điểm ngắm của các “phú ông” thời kinh tế thị trường.


Hoa hậu Trương Hồ Hương Nga dính líu đến "hơp đồng tình dục" với đại gia.

Lần này, “chân dài” và “đại gia” xuất hiện ở cái chỗ không thể trang nghiêm hơn, đó là pháp đình. Đã từng có tiền lệ hoa hậu bán dâm và tổ chức mãi dâm phải đứng trước vành móng ngựa, tuy nhiên, không có một bóng dáng “đại gia” nào trên băng ghế bị hại. Giờ đây, hoa hậu bị khép tội lừa đảo và “đại gia” vào vị trí người bị hại, một phiên tòa hình sự công khai mở ra, không thể nào không thu hút sự tò mò của công chúng mà đại diện là giới truyền thông.

Bất ngờ đã xảy ra khi bị cáo hoa hậu suốt trong thời kỳ là bị can không hề mở miệng nay công khai trước Tòa về một bản hợp đồng chưa từng có trong quan hệ giao dịch dân sự: “Hợp đồng tình dục”.

Trắng phớ và không thể rõ ràng hơn: 16,5 tỷ đồng cho 7 năm tình ái, có quy định chi tiết đến lịch hàng tuần và cả chế tài nếu không tuân thủ các điều kiện đã thỏa thuận.

Xứng danh là một cao thủ hoa hậu, không những thực hiện “quyền im lặng” khi bị bắt tạm giam, tươi như hoa, ngẩng cao đầu, vươn dáng thẳng khi ở chốn pháp đình, tự bào chữa cho mình với “con bài tẩy” mà thường người ta phải giấu kín vì còn biết xấu hổ. Đặc trưng của văn hóa “chân dài” là đây chăng?

Phía “đại gia” “bị hại” tất nhiên phủ nhận điều này. Hơn nữa còn phủ nhận sạch trơn chuyện “quan hệ tình cảm” là hoàn toàn không có. Dư luận có vẻ tin cô hoa hậu nhiều hơn là vị “đại gia”, phủ nhận một chuyện rõ như ban ngày có lẽ là một hành động không khôn ngoan lắm, cho dù không phải đặt tay lên Kinh thánh để thề không nói dối. Vì thế chăng mà Hội đồng xét xử đã hoãn phiên tòa, đề nghị điều tra thêm, làm sáng tỏ những tình tiết mới phát lộ tại phiên tòa này.

Đã từng có một vụ án tương tự trước đây khi giáo sư đưa kiều nữ ra Tòa cũng với các tình tiết na ná như nhờ mua nhà đất rồi bị chiếm đoạt tiền nhưng ông giáo sư trung thực thừa nhận mối quan hệ tình ái của mình và được Tòa tuyên kiều nữ phải trả tiền cho ông. Bằng phán quyết này, Tòa đã xóa cái định kiến muôn thuở: “Bắc thang lên hỏi ông trời/ Tiền đưa cho gái có đòi được không?”.

Văn hóa “chân dài – đại gia” cũng là thứ văn hóa của niềm tin. Các bị hại “đại gia” bị lừa đảo là do quá tin tưởng vào đối tác, chẳng bao giờ xem đất hoặc nhà ra sao, chỉ biết đưa tiền mà thôi(?!). Lẽ ra, phải cho các “đại gia” này một bài học về sự tin tưởng ngây thơ đó, cũng như nhiều người tin ngân hàng gửi tiền vào đấy rồi bỗng nhiên tiền trong tài khoản bị rút mà chẳng được đền bù, ngân hàng thì vô can.

Hơn nữa, vì sự tin tưởng ngây thơ ấy mà đẩy những người đẹp, tinh hoa của nhan sắc Việt lâm vào con đường tù tội thì có nên?

Văn hóa “chân dài – đại gia” không những làm cho báo giới tốn nhiều giấy mực mà góp phần gây nên sự quá tải của các cơ quan tố tụng, trong khi có rất nhiều vụ án đang chờ điều tra, xét xử ở kia (mất tiền ở ngân hàng chẳng hạn), liệu có cần thiết bỏ thời gian, công sức của cả một bộ máy tư pháp cho những chuyện đại loại kiểu như thế này?

Văn hóa “chân dài – đại gia” là thứ văn hóa “tình tiền”, tan vỡ gia đình và lừa đảo, “tù tội” rơi về một phía, xã hội chúng ta buộc phải thừa nhận thứ 'văn hóa' này như một phần tất yếu của cuộc sống đương đại nhưng đạo lý và dư luận thì khó có thể sống chung với thứ văn hóa này!


Tác giả bài viết: Khánh An

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP