Trong nước

Vẫn còn tình trạng khởi tố, truy tố, xét xử chưa chuẩn xác

So với chỉ tiêu Quốc hội giao và yêu cầu cải cách tư pháp thì vẫn còn tình trạng khởi tố, truy tố, xét xử chưa chuẩn xác như: công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra các vụ án hình sự.

Thời gian qua, công tác điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Các cơ quan tư pháp đã đấu tranh hiệu quả hơn với tội phạm và vi phạm pháp luật. Tuy vậy, so với chỉ tiêu Quốc hội giao và yêu cầu cải cách tư pháp thì vẫn còn tình trạng khởi tố, truy tố, xét xử chưa chuẩn xác như: công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra các vụ án hình sự vẫn còn để xảy ra các trường hợp bị oan trong giai đoạn khởi tố; vẫn còn những bản án phải hủy, sửa án do nguyên nhân chủ quan; một số vụ án hành chính thời gian giải quyết còn dài. Vì vậy, tăng cường kiểm soát, giám sát của Quốc hội đối với hoạt động tư pháp, nhằm đảm bảo nền tư pháp liêm chính, nghiêm minh cũng là trọng trách đặt ra đối với Quốc hội và đại biểu Quốc hội khóa XV.

Các đại biểu nghe trình bày Báo cáo Tổng kết công tác nhiệm kỳ khóa XIV (2016- 2021) của Ủy ban Tư pháp

Theo báo cáo của Ủy Ban tư Pháp Quốc hội, nhiệm kỳ 2016 - 2021, các cơ quan tư pháp đã đấu tranh hiệu quả hơn với tội phạm và vi phạm pháp luật. Cụ thể, tổng số án các loại thụ lý xét xử tăng mạnh (tăng 34%). Trong đó, nhiều vụ án đã đi vào lịch sử tố tụng nước ta bởi quy mô lớn và tính chất đặc biệt nghiêm trọng. Nhiều vụ đại án tham nhũng, kinh tế với số tiền bị tội phạm chiếm đoạt đã lên đến hàng nghìn, thậm chí là hàng chục nghìn tỷ đồng, được đưa ra xét xử công khai trước pháp luật. Giai đoạn này cũng đã xuất hiện nhiều loại hành vi, thủ đoạn phạm tội mới như: vụ án sửa điểm thi trên máy tính trong kỳ thi phổ thông trung học quốc gia năm 2018…. Hầu hết các vụ án đã được giải quyết đúng pháp luật, nghiêm minh, được cử tri và nhân dân cả nước đánh gía cao.

Ông Phạm Văn Thanh ở quân Cầu Giấy Hà Nội cho rằng, dư luận, người dân quan tâm không chỉ là tính chất của vụ án mà còn dõi theo, giám sát việc thực thi cải cách tư pháp trong công tác điều tra, truy tố, xét xử. Theo ông Thanh, đưa ra xét xử về tội vi phạm nghiêm trọng về kinh tế, Đảng và Nhà nước thể hiện sự nghiêm minh đối với sai phạm của cán bộ để họ không còn manh nha tư tưởng thủ lợi hặc bè phái hoặc tha hóa đạo đức.

Theo luật sư Nguyễn Quế Chi, Công ty luật Tâm Việt, đoàn luật sư thành phố Hà nội, trong hoạt động tư pháp, quyền con người, quyền công dân đã được bảo vệ tốt hơn. Đơn cử như đã áp dụng quy định cho phép bị can đọc tài liệu trong hồ sơ vụ án nhằm thực hiện quyền bào chữa. Hay quy định bắt buộc ghi âm, ghi hình hoạt động hỏi cung bị can. Đây là giải pháp quan trọng nhằm chống bức cung, nhục hình, đồng thời cung cấp những chứng cứ quan trọng để bảo vệ các cán bộ hỏi cung tiến hành tố tụng đúng luật. Đáng lưu ý là tại các phiên tòa đã thể hiện tính dân chủ, thẳng thắn trong tranh luận, phản ánh sự bình đẳng giữa hai bên buộc tội và gỡ tội theo tinh thần cải cách tư pháp.

Bên cạnh những kết quả đạt được trong công tác tư pháp, nhiều ý kiến cũng cho rằng, vẫn còn những vi phạm trong hoạt động tố tụng của các cấp, ở các khâu tố tụng khác nhau, cần sớm chỉ ra được những nguyên nhân và giải pháp để khắc phục tình trạng này.

Theo luật sư Lê Văn Dũng, Công ty Luật Sài Gòn, hoạt động tranh tụng không chỉ trong giai đoạn xét xử mà cần phải được diễn ra ở tất cả các khâu trong quá trình tố tụng từ khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử để không bỏ lọt tội phạm cũng như không làm oan người vô tội. Đây cũng là cơ sở để phát hiện những những hành vi, chứng cứ bổ sung kịp thời vào hồ sơ vụ án, hạn chế tình trạng oan sai.

Theo luật sư Dũng, các cơ quan tố tụng không nên có định kiến trước. Khi mình có định kiến thì dễ đi theo một cái trục xuyên suốt quá trình tố tụng và có thể gây oan. Đầy là một bài học mà chúng ta nên cẩn thận khi xét xử quan hệ dân sự mà được hình sự hóa.

Bà Lê Thị Thu Ba, nguyên Phó trưởng ban chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương.

Còn bà Lê Thị Thu Ba, nguyên Phó trưởng ban chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương nhấn mạnh đến yếu tố con người. Theo đó, để phấn đấu cho một nền tư pháp vì dân, có nhiều việc phải làm. Đầu tiên phải xác định đó là nền tư pháp phục vụ nhân dân. Đào tạo xây dựng đội ngũ cán bộ tư pháp có trình độ năng lực, bản lĩnh, dũng cảm để đấu tranh bảo vệ công lý, quyền con người. Cán bộ tư pháp là người thân thiện với người dân, chỗ dựa vững chắc cho người dân dân về pháp lý, tạo điều kiện để người dân giữ được niềm tin với công lý, với cơ quan tư pháp

Những kết quả đạt được trong cải cách tư pháp được cử tri ghi nhận. Nhưng cải cách tư pháp để đạt được mục đích cuối cùng là công lý được thực thi, pháp luật được chấp hành nghiêm, quyền và lợi ích của người dân, của tổ chức và của nhà nước được bảo vệ, bảo đảm, không làm oan người vô tội và không bỏ lọt tội phạm là tiến trình và còn nhiều việc phải làm./.

Tác giả: Đỗ Minh

Nguồn tin: vov.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP