Thể thao

V-League đừng ngồi chờ học trò thầy Park kéo khán giả tới sân

Cuối tuần qua, Giải Vô địch quốc gia 2019 (V-League 2019) chính thức khai màn mà không có quá nhiều điểm nhấn về chuyên môn.

Trận khai mạc V-League 2019 giữa Thanh Hóa và B.Bình Dương

Như mọi năm, khán giả đến sân cũng tương đối thưa thớt. Trước đó, sát ngày khai mạc giải, Công ty CP Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) mới công bố nhà tài trợ chính cho giải năm nay. Rồi việc hôm 21/2, trận khai mạc giữa Thanh Hóa và B.Bình Dương diễn ra trong “im lặng” khiến nhiều người bất ngờ.

Nhìn lại, rõ ràng V-League 2019 chưa xứng đáng với kỳ vọng vào một mùa giải bùng nổ, tươi mới.

Năm 2018 có thể coi là năm rực rỡ nhất trong lịch sử bóng đá Việt Nam với những chiến công lịch sử như ngôi Á quân giải U23 châu Á, về thứ tư ASIAD và vô địch AFF Cup. Thành công đó còn được tiếp nối sang đầu năm 2019 khi tuyển Việt Nam vào tới tứ kết Asian Cup 2019, chỉ chấp nhận thất thủ 0-1 trước Nhật Bản, đội sau đó góp mặt ở trận chung kết.

Giới mộ điệu đều cho rằng, dư địa từ thành công của các đội tuyển sẽ giúp V-League tràn đầy khí thế nhưng những gì diễn ra lại không cho thấy điều này. Khá khó khăn V-League 2019 mới tìm kiếm được nhà tài trợ sau khi Nutifood rút lui.

Thày trò ông Park đã được các doanh nghiệp, tổ chức tặng thưởng hàng chục tỷ đồng trong năm 2018. Nhưng khi tài trợ cho V-League, nhiều doanh nghiệp lớn lại nói không.

Ngoài việc chi phí cho một mùa giải V-League rất lớn (khoảng 40 tỷ đồng), doanh nghiệp sở dĩ còn e ngại là bởi họ chưa nhìn thấy lợi ích thu được. Giải vô địch quốc gia là bộ mặt của nền bóng đá nhưng công tác truyền thông cho giải, truyền thông cho các đội bóng lại quá chậm chạp, hời hợt.

Vốn dĩ, với hàng tá ngôi sao dưới quyền HLV Park Hang-seo, V-League chẳng mấy khó khăn biến mình thành trung tâm nếu thực hiện mọi thứ một cách quyết liệt. Ngặt nỗi, VPF lại không thể tận dụng “bảo bối” trong tay. Còn nhớ, trận tranh Siêu cúp Quốc gia hôm 16/2, khán giả đã đến gần kín sân Hàng Đẫy, một phần nhờ công tác truyền thông, hình ảnh được Ban Tổ chức coi trọng.

Tất nhiên, một giải đấu, một trận đấu không thể thành công nếu chỉ làm hình ảnh. Trận Siêu cúp Quốc gia thực sự khiến người xem trầm trồ bởi chất lượng chuyên môn. V-League chính là thiếu rất nhiều cuộc đọ sức như vậy.

Nhìn rộng hơn, V-League gần như nằm trong lòng bàn tay Hà Nội FC. Đội bóng Thủ đô nếu ra sức, chức vô địch chẳng thể nào tuột khỏi tay họ. Khoan nói tới những dư luận về việc nhường điểm, dồn điểm từ những “người anh em”, bản thân Hà Nội FC cũng sở hữu sức mạnh rất đáng nể.

B.Bình Dương từ lâu không còn là một thế lực lớn nhưng vẫn giữ được cốt cách, sự tự trọng trong lối chơi. Không nhiều đội bóng ở V-League dám đá sòng phẳng với Hà Nội FC như đoàn quân dưới quyền HLV Trần Minh Chiến.

Tựu chung lại, V-League muốn phát triển, muốn trở thành trung tâm của bóng đá Việt Nam ngoài việc biết tận dụng những ưu thế vốn có còn phải tự đổi mới, tự vận động. Bản thân các CLB cũng phải tự vận động bởi các đội bóng có vững mạnh mới tạo ra được một giải đấu vững mạnh.

Chẳng thể chỉ trông chờ vào những học trò của HLV Park Hang-seo kéo khán giả tới sân.

Tác giả: Tạ Hữu Hiệp

Nguồn tin: Báo Giao thông

  Từ khóa: thầy Park ,V-League ,học trò

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP