Cộng đồng mạng

Ức chế khi tài xế công nghệ liên tục yêu cầu hủy chuyến để ăn chặn tiền

Câu đầu tiên sau khi tôi lên xe luôn là "Chị hủy chuyến giùm em nhé, em sẽ vẫn chở chị đi với giá trong app", lý do là họ muốn "ăn chặn" tiền của hãng công nghệ.

Tôi là người thường xuyên đi xe công nghệ, tùy hoàn cảnh và độ gấp gáp để chọn loại hai bánh hay bốn bánh. Từ khá lâu trước đây, tôi đã thấy có hiện tượng tài xế đề nghị khách hủy chuyến trên ứng dụng, sau đó giao dịch thực tế vẫn được thực hiện. Như vậy, tài xế sẽ hưởng cả phần tiền lẽ ra phải chiết khấu cho hãng xe công nghệ đó - đơn vị trung gian kết nối họ với khách hàng. Lý do của tài xế khi đưa ra đề nghị này là hãng chiết khấu quá cao, khiến họ thu được quá ít cho công sức của mình.

Tôi, với phản xạ của bênh vực người yếu thế, đã nhanh chóng đồng ý với tài xế, nhấn hủy chuyến và trả đủ số tiền cho anh ta khi tới nơi.

Tuy nhiên, sau đó về suy nghĩ lại, tôi thấy mình đã làm sai và gây thiệt hại cho lợi ích của hãng xe. Trong dịch vụ mà tôi sử dụng, tôi được phục vụ bởi hai phía: Tài xế và nhà cung cấp nền tảng gọi xe. Khi hủy chuyến như vậy, tôi mong muốn tăng thu nhập cho anh tài xế, nhưng lại đang "quỵt" tiền công của hãng, nghĩa là doanh nghiệp đó đang phục vụ không công cho tôi và tài xế.

Xe ôm công nghệ đã trở thành "một phần tất yếu" của cuộc sống hiện đại. (Ảnh minh họạ)

Rất tiếc là gần đây, chuyện này xảy ra cực kỳ thường xuyên đối với hãng mà tôi hay đi. Thường thì tôi vừa ngồi lên xe và cài mũ bảo hiểm, hoặc xe vừa lăn bánh được một lúc thì tài sẽ đề nghị: "Chị hủy chuyến giúp em nhé, em sẽ vẫn chở chị đến đúng điểm, chị cũng chỉ cần trả em đúng số tiền như trong app".

Tôi từ chối với lý do sợ mất an toàn khi chuyến đi không còn được công nghệ giám sát, trong lòng không khỏi có cảm giác mình hơi "tàn nhẫn", vì theo nhìn nhận của cá nhân tôi, mức chiết khấu mà hãng xe áp dụng quả thật quá cao. Họ phải bỏ tiền xăng, tiền xe và công sức dãi nắng, dầm mưa, hít khói bụi nhưng chỉ nhận được chưa đến 7 đồng trong số 10 đồng khách trả.

Nhưng rồi càng ngày tôi càng thấy ức chế khi cứ 10 cuốc thì 7 - 8 cuốc bị tài xế đề nghị như vậy. Ức chế vì bản thân rất ái ngại và thông cảm với họ nhưng lại không muốn đáp ứng họ. Tôi nghĩ nếu coi chuyện "giả vờ hủy chuyến" như một thói quen thì chính là đang mặc nhiên cổ vũ sự gian lận. Nếu thương anh tài xế, muốn giúp anh ấy thì cũng không nên giúp bằng cách chính mình gian lận và tiếp tay cho sự gian lận của anh ấy.

Giải pháp mà tôi thường áp dụng hiện nay để khỏi xâm phạm đến lợi ích hãng xe mà không áy náy với tài xế là không hủy chuyến nhưng tặng thêm cho họ ít tiền để bù phần nào số tiền bị chiết khấu, trừ trường hợp cách cư xử của anh ta làm tôi thấy phản cảm. Tuy nhiên, cách này chỉ đem lại sự thoải mái cho bàn thân tôi và anh tài xế trong cuốc xe cụ thể đó. Còn về tổng thể, có lẽ tình trạng trên sẽ còn tồn tại nếu cán cân lợi ích chưa làm hài lòng được cả hai bên, khi mà tài xế cảm thấy nhà cung cấp ứng dụng quá tham nhưng vì mưu sinh khó khăn nên vẫn phải chấp nhận.

Tác giả: NGUYỄN HẰNG

Nguồn tin: vtc.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP