Trong tỉnh

UBND huyện Quỳnh Lưu vào cuộc vụ dân kêu cứu đất ở nguy cơ mất trắng

Sau khi pv phản ánh bài “Dân kêu cứu đất ở hơn 30 năm nay có nguy cơ mất trắng”, ngày 15/9/2019 UBND huyện Quỳnh Lưu đã có cuộc họp các ban, ngành liên quan để kiểm tra, xác minh lại toàn bộ sự việc.

Đất sử dụng trước thời điểm vẫn cố tình cưỡng chế

Theo đơn phản ánh của ông Đào Duy Vinh và một số hộ dân nằm trong diện bị cưỡng chế, phản đối việc ông Chủ tịch UBND xã Quỳnh Lương đã thực hiện sai, trái nhiều vấn đề trong việc thi hành cưỡng chế như: Không xác định đúng nguồn gốc, không xác minh thời điểm sử dụng, mục đích sử dụng. Ra quyết định cưỡng chế sai đối tượng, chủ sử dụng đất, nhà của bố thì ra quyết định cưỡng chế con, (người thuê ốt), điều bất công ở đây là cưỡng chế theo hình thức cục bộ, xen kẹ. Cùng một tuyến phía đông đường khoảng 200m bao gồm các công trình như bờ tường rào sân vận động xã, các ốt hộ dân, bưu điện huyện đều nằm song song dọc cùng một tuyến, nhưng UBND xã chỉ chọn 7 ki ốt nằm trước 2 hộ gia đình có nhà nằm phía sau để cưỡng chế. Khi nhân dân thắc mắc, phản đối thì ông Tuệ chủ tịch UBND xã trả lời giải tỏa để cho các hộ phía sau lấy đường đi, để đảm bảo quyền lợi cho họ?

Ông Đào Duy Vinh - Thương binh 1/4 kêu cứu khi mảnh đất sinh sống hơn 30 năm có nguy cơ bị mất trắng.

Từ xưa đến nay, các hộ phía sau đã có đường đi tuyến hai nhưng hai hộ này lại không đi, mà xây bịt lại chia nhau làm công trình phụ ngay trên đường dân sinh đã có mấy chục năm nay, nhưng ông Tuệ lại không hề đã động đến, năm 2017 các hộ liền kề phía sau đã có đơn kiến nghị lên UBND xã nhưng không được giải quyết.

Qua tiếp xúc hồ sơ liên quan đến việc cưỡng chế của các hộ dân, chúng tôi nhận thấy ông Nguyễn Văn Tuệ, Chủ tịch xã đã áp dụng các văn bản, hợp đồng, hồ sơ vô hiệu hiệu để báo cáo cấp trên cũng như áp dụng trong quá trình thực hiện việc cưỡng chế. Vì vậy, việc thi hành cưỡng chế của UBND xã đã bị toàn dân phản đối quyết liệt, thậm chí dân còn kéo xuống nhà ông Tuệ Chủ tịch và lên trụ sở phản đối cả đêm, nên việc cưỡng chế đã không thành.

Trao đổi với ông Hoàng Văn Bộ - Chủ tịch UBND huyện Quỳnh Lưu về sự việc trên, ông Bộ cho biết: “Sau khi UBND xã Quỳnh Lương thực hiện cưỡng chế thì đa số người dân xã Quỳnh Lương đã phản đối quyết liệt và còn có hành động chống trả lực lượng thi hành nhiệm vụ, nắm bắt sự việc UBND huyện đã chỉ đạo dừng lại và giao cho UBND xã Quỳnh Lương kiểm tra, rà soát lại hồ sơ để báo cáo cho cuộc họp tới. Đặc biệt là sau bái phản ánh của Báo Môi trường Đô thị, hôm thứ hai tôi đã tổ chức cuộc họp gồm các ban, ngành liên quan, UBND xã Quỳnh Lương để kiểm tra, xác minh lại toàn bộ sự việc, đồng thời sẽ tổ chức cuộc đối thoại với nhân dân trong thời gian sớm nhất báo cáo UBND huyện để có hướng xử lý, nhằm đảm báo khách quan, dân chủ và đúng quy định của pháp luật”.

“Sau khi nghe báo cáo của UBND xã, nắm tình hình từ phía nhân dân, UBND huyện yêu cầu tạm dừng việc cưỡng chế, giao cho các phòng ban liên quan phối kết hợp với UBND xã Quỳnh Lương rà soát, kiểm tra, xác minh lại nguồn gốc, thời gian, đối tượng sử dụng đất, để thực hiện đúng quy trình, đúng pháp luật nhưng phải đảm bảo được quyền và lợi ích hợp pháp cho nhân dân trong quá trình thực thi nhiệm vụ”, ông Bộ nói thêm.

Để chứng minh nguồn gốc, thời gian của các hộ dân đã và đang sinh sống tại các ốt nói trên, PV đã tiếp cận được với Biên bản cuộc họp của UBND xã ngày 09/9/2004 về vấn đề thi hành quyết định số 881/ QĐ-UBND, ngày 02/8/2004. Trong biên bản đã có rất nhiều ý kiến khẳng định từ năm 1988 các hộ này đã ra đây xây nhà, ốt và sinh sống mãi đến năm 1996 thì Nhà nước mới cắm mốc lộ dưới, như vậy nếu kết luận các hộ này vi phạm hành lang là không đúng bởi, họ đã ở trước thời điểm cả chục năm trời, hơn nữa thời điểm đó khu vực này là một vùng sa ma, dãy cồn cát, cây xi lâu mọc um tùm, lúc bấy giờ xã còn khuyến khích nhân dân ra ở, không phải mua bán như bây giờ. Đặc biết ý kiến của ông Lê Xuân Quảng, Bí thư Đảng ủy đã nói rõ: “Nếu việc cho thuê đất làm quán không đúng quy trình thì UBND, Đảng ủy phải chịu với cấp trên, với dân, còn hiện tại nhân dân đã và đang phát huy được hiệu quả kinh tế, làm giàu chính đáng trên diện tích ốt quán đó thì nên để dân phát huy chứ nhân dân không có gì sai. Việc làm của một số cán bộ Ủy ban làm sai, Đảng ủy đã có hình thức kỷ luật với các đồng chí đó trước ngày 15/9/2004 rồi. Đảng ủy, UBND xã cũng đã làm tờ trình xin tỉnh, huyện để cho nhân dân tiếp tục sử dụng trong phạm vi hành lang ATGT, khi có dự án thì giữa UBND xã và nhân dân sẽ thống nhất để tháo dỡ. Còn kết luận của ông Hồ Chí Tùng, Chủ tịch UBND xã, trách nhiệm của Nhà nước cấp dưới phải thực hiện NQ của cấp trên, UBND xã sẽ xin ý kiến của UBND huyện về phương án đền bù khi tháo dỡ. BCĐ thực hiện Quyết định 881 phải cụ thể hóa việc kiểm tra tài sản trên đất khi nhân dân tháo dỡ để đền bù cho nhân dân kịp thời”.

Thế nhưng từ năm 2004 cho đến khi UBND xã ra quyết định cưỡng chế đã 15 năm mà không hề có bất kỳ một cuộc họp, văn bản, thông báo, công văn nào với dân, để nhân dân có phương án giải quyết.

Quyết định của UBND huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An) về việc xử lý đơn của công dân xã Quỳnh Lương.

Theo ông Đào Duy Thành còn trai ông Đào Duy Vinh, “nếu lúc bấy giờ mà UBND xã giải quyết cho chúng tôi, trả lại tiền cho dân thì chúng tôi đã mua được đất ở chỗ khác rộng hơn, ổn định hơn còn có đầy đủ giấy tờ, không phải tranh chấp như bây giờ”.

Làm việc với ông Nguyễn Văn Tuệ - Chủ tịch UBND xã Quỳnh Lương, cho biết: “Sau khi căn cứ đơn xin thuê đất của các hộ, hợp đồng thuê đất ốt, năm 1997 UBND xã đã dựa trên cơ sở đó để giải quyết, trong quá trình giải tỏa nhân dân đã đưa ra nhiều loại giấy tờ chứng minh và phản đối quyết liệt, vì vậy UBND xã đã báo cáo huyện xin ý kiến và tạm thời dừng lại theo chỉ đạo của cấp trên. Hiện nay chúng tôi đã phối kết hợp với các ban, ngành huyện để kiểm tra, xác minh lại toàn bộ sự việc, sắp tời UBND xã sẽ tổ chức cuộc đối thoại với toàn bộ các hộ đang có trong danh sách cưỡng chế và tháo dỡ, nhằm làm công khai, minh bạch, chính xác đúng người, đúng sự việc.

Tâm tư và nguyện vọng của nhân dân

Ông Đào Duy Vinh là thương binh hạng ¼ tâm sự: “Chúng tôi là những người đã từng vào sinh ra tử nên chúng tôi chẳng tiếc gì một mảnh đất nhỏ hẹp đó. Nhưng chúng tôi đề nghị UBND xã làm gì thì cũng phải công bằng, công tâm chứ không thể vì lợi ích cá nhân mà làm theo cảm tính như vậy được, chúng tôi không bao giờ chống đối chủ trương chính sách của Nhà nước, nhưng khi Dự án chưa có thì cứ để vậy cho chúng tôi sử dụng, còn khi có dự án mở đường chúng tôi sẵn sàng tự tháo dỡ”.

Từ những tâm tư, nguyện vọng của ông Đào Duy Vinh cùng các hộ dân nói trên, chúng tôi thiết nghĩ UBND xã Quỳnh Lương, UBND huyện Quỳnh Lưu nên cần có giải pháp phù hợp và cụ thể hóa hơn trong quá trình giải quyết vụ việc.

Tác giả: VĂN PHÚ

Nguồn tin: Báo Môi trường và Đô thị Việt Nam

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP