Thể thao

Tuyển Việt Nam và khoảng cách mênh mông ngoài châu lục

Sau 5 lượt trận ở vòng loại cuối World Cup 2022 khu vực châu Á, tuyển Việt Nam vẫn đứng cuối bảng mà chưa giành điểm nào.

Thầy trò huấn luyện viên (HLV) Park Hang-seo chỉ thua Nhật Bản một bàn duy nhất, nhưng chúng ta đã thấy đẳng cấp của mình còn cách nhóm đầu châu lục một khoảng cách quá mênh mông.

Lời thú nhận của thầy Park

Trước khi bước vào vòng loại thứ ba World Cup 2022, HLV Park Hang-seo từng chia sẻ ông sợ sẽ thua cả 10 trận đấu. Đó không phải cách nói để giảm áp lực cho mình, cho học trò, mà nó thể hiện "mặc cảm" thực tế.

Sau cuộc chạm trán Nhật Bản tối 11/11, nỗi lo của thầy Park đang dần trở thành sự thật. Tuyển Việt Nam trắng tay toàn bộ lượt đi, chưa cho thấy hy vọng gì mới mẻ ở chuỗi trận lượt về, và thầy Park thở dài: "Kiếm một điểm lúc này thật là quá khó".

Nhà cầm quân người Hàn Quốc đã xoay nhiều cách với lực lượng trong tay, nhưng đội bóng của ông không một lần đạt được mục tiêu có điểm. Có những trận thua đầy tiếc nuối (gặp Australia, Trung Quốc), có những trận thua để lại nhiều bài học (Saudi Arabia, Oman), nhưng trước Nhật Bản, điều duy nhất đọng lại là chúng ta không ở cùng trình độ với đối thủ.

Tuyển Nhật Bản không tạo ra nhiều cơ hội bằng Saudi Arabia, không kiểm soát bóng như Australia, cũng không liên tiếp ghi những bàn thắng khiến chúng ta có cảm giác vỡ trận như Oman hay Trung Quốc, nhưng tuyển Nhật Bản đã phủ lên Mỹ Đình một trạng thái giống như là bất lực.

Cả trận, tuyển Việt Nam sút 2 quả trúng đích, không thua kém nhiều so với Nhật Bản (4). Chúng ta giữ bóng cũng được 40%, chẳng phải là thông số quá tệ. Đối thủ thậm chí phạm lỗi nhiều hơn chúng ta (14 so với 13). Vậy mà nhìn toàn cục, các cầu thủ của chúng ta lại không được chơi bóng, theo đúng nghĩa của cụm từ này.

Tuyển Nhật Bản làm chủ hoàn toàn cuộc chơi trên sân Mỹ Đình. Ảnh: Việt Linh.

Tuyển Nhật Bản chưa phải là tập thể đồng nhất, các miếng phối hợp của họ còn nhiều đứt gãy và phẩm chất ngôi sao thỉnh thoảng mới lóe lên. Nhưng chỉ thế là đủ để trừng phạt các học trò của thầy Park.

Đội khách đã chơi như thể ru ngủ chúng ta, cho đến khi họ bất ngờ bứt phá và có ngay bàn thắng sớm của Ito. Pha ban bật một chạm quá nhanh ở giữa sân khiến đội hình phòng thủ Việt Nam hoàn toàn bị mất nhịp, và trong tình huống này, chúng ta không thấy vai trò đánh chặn của Nguyễn Tuấn Anh cũng như nghĩa vụ đeo bám của Nguyễn Phong Hồng Duy.

Ngoài lỗi vị trí trực tiếp ở bàn thua, Tuấn Anh còn có thêm 2 lần khác mất bóng khi bị quây ráp, điều hiếm khi xảy ra với tiền vệ HAGL. Anh đã không có được phong độ tốt nhất so với chính bản thân mình ở các trận đấu vòng loại thứ ba này.

Đội trưởng Quế Ngọc Hải cũng mất bình tĩnh hơn thường lệ. Anh xử lý sai đến 2 lần trong 15 phút đầu tiên, một pha tranh chấp năm ăn năm thua bị hớ và một pha phá bóng thiếu lực ngay trước vòng cấm đội nhà. Sự hấp tấp đó báo hiệu bất ổn ở tuyến cần vững chắc nhất.

Có vẻ như danh tiếng của đối phương và áp lực thành tích khiến các tuyển thủ Việt Nam nhập cuộc căng cứng, nặng nề. Mục tiêu giữ lưới bị phá sản ngay phút 17, khiến phần còn lại của trận đấu trở nên dài lê thê và vô vọng.

Giới hạn của tuyển Việt Nam

Thầy Park nói không sai, chúng ta lâu nay chỉ quen đá với các đội Đông Nam Á và thực tế trình độ của chúng ta cũng mới vừa đủ để đứng đầu nhóm "ao làng". Vươn lên để được góp mặt ở sân chơi hàng đầu châu lục đã là thành tựu đáng tự hào, nhưng rất tiếc, đó cũng là điểm ngưỡng.

Tuyển Việt Nam không có nhân tố nào để vượt ngưỡng như lực lượng Việt kiều hay nhập tịch, trông cậy vào tuyến trẻ lại càng là câu chuyện xa vời. Trong tay thầy Park chỉ còn những gương mặt đã cũ mòn ở mọi cuộc chơi, mọi độ tuổi mà các đối thủ dễ dàng tìm ra những thông số chi tiết nhất như vị trí sở trường, chân thuận, dự bị hay đá chính.

Vẫn là những gương mặt ấy, nhưng khi đến vòng loại cuối cùng tranh vé đến Qatar, một phần đã rơi rụng vì chấn thương, phần còn lại có thời điểm mệt mỏi vì quá tải, có thời điểm lại mất cảm giác thi đấu vì V.League nửa đường đứt gánh.

Quang Hải cùng đồng đội chưa tạo ra nhiều sự khác biệt trước những đối thủ hàng đầu châu lục. Ảnh: Việt Linh.

Xoay vần, lắp ghép và có thể nói là vá víu lại đoàn quân ấy đã là nhiệm vụ rất nặng nề cho thầy Park. Đòi hỏi ông có những mảng miếng chiến thuật mới hay phát hiện thêm những trụ cột mới qua từng trận đấu khó khăn mà thất bại luôn chờ sẵn, quả là điều không thực tế.

Dù không công khai tuyên bố trước dư luận, HLV Park Hang-seo và các học trò vẫn hằng ấp ủ hy vọng sẽ kiếm được vài điểm số trước các ông kẹ châu Á. Nhưng đấu trường này, rất tiếc, không phải là tiệc chiêu đãi những tay mơ đến để tích luỹ kinh nghiệm đỉnh cao.

Chạm mặt đủ 5 đối thủ, giờ là lúc ông Park muốn các học trò và người hâm mộ chấp nhận bóng đá Việt Nam dù đã phổng phao vượt bậc so với chính mình, vẫn còn quá thấp bé, nhẹ cân nếu đứng bên cạnh những người khổng lồ khu vực.

4 năm làm việc tại đây, ông Park có thể giúp chúng ta hạn chế bàn thua, hạn chế thế trận một chiều khi gặp những đối thủ tầm cỡ Saudi Arabia, Nhật Bản…, nhưng không thể xóa nhòa khoảng cách mênh mông về đẳng cấp.

Chỉ có chấp nhận sự thật đó, tuyển Việt Nam mới rũ bỏ được những đôi chân nặng trĩu và cái đầu âu lo để bước vào giai đoạn lượt về của bảng đấu. Bằng không, thầy trò ông Park chẳng những không gặt hái được bài học nào đáng giá từ thất bại, mà còn rất dễ rơi vào cuộc khủng hoảng khi chiến dịch World Cup vụn vỡ như người hàng xóm Thái Lan.

Tác giả: Quốc Bảo

Nguồn tin: zingnews.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP