Kinh tế

Túc tắc ngày vắt 3 tạ cam sành đóng chai, tiểu thương thu về tiền triệu

Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, giá cam sành Hà Giang hiện giảm sâu. Chớp lấy thời cơ, nhiều tiểu thương bán hoa quả đã tranh thủ mua cam về vắt, đóng thành chai bán kiếm lời.

Gần 1 tháng nay, chị Ngô Hoa, tiểu thương bán hoa quả ở chợ Dịch Vọng (Hà Nội) kiêm thêm nghề bán nước ép cam sành. Chị cho biết, từ khi giá cam giảm sâu do tác động của dịch Covid-19, cam được mang về Hà Nội bán la liệt. Giá mỗi cân cam sành Hà Giang loại ngon hiện chỉ còn 9.000 - 10.000 đồng/kg, thậm chí có ngày còn rơi xuống mốc 6.000 đồng/kg.

"Trước đó, tôi cũng nhập cam về bán nhưng lượng tiêu thụ khá chậm, ngày cao điểm cũng chỉ bán được 80 - 90 kg. Bởi người mua thì khá dè chừng, vì cam mua nhiều mà không kịp ăn sẽ dẫn đến thối hỏng. Một số vị khách có gợi ý cho tôi là thay vì bán nguyên quả thì vắt lấy nước bán. Do bởi nhiều người rất thích uống nước cam nhưng không có thời gian làm" - chị thông tin.

Nước cam ép đóng chai được nhiều người ưa chuộng.

Trước lời gợi ý hữu ích, chị Hoa bắt đầu thử nghiệm và thu được những tín hiệu rất tích cực. Trong tuần đầu tiên, mỗi ngày, chị tiêu thụ hết 2 tạ cam, sau thì nâng lên đạt 3 tạ/ngày, nghĩa là gấp 3 lần so với trước đây.

"Cam sành được vắt trực tiếp, đóng vào chai 330ml hoặc 500ml tùy theo yêu cầu của khách. Trong đó, chai 330ml là 15.000 đồng, còn 500ml là 20.000 đồng. Nếu trừ hết chi phí, tiền chai, tiền quả thì mỗi ngày tôi thu về 1,2 - 1,5 triệu đồng tiền lãi" - chị chia sẻ.

Ngoài ra, chị Hoa còn tiết lộ bí kíp để thu được lãi cao là chọn được hàng chuẩn. Cam nhiều nước phải là quả có vỏ mỏng, căng, mịn, cầm chắc tay thì khi vắt sẽ cho nhiều nước hơn. Còn quả vỏ xốp, dày, cầm nhẹ bẫng thì không nên dùng.

Nghề vắt nước cam đã mang lại thu nhập cao cho nhiều tiểu thương.

Chia sẻ với phóng viên, anh Sơn, một tiểu thương bán nước cam ép ở phố An Trạch (Hà Nội) cho hay, trung bình mỗi ngày, anh cung ứng ra thị trường hơn 300 chai nước ép. Để kịp phục vụ khách, 2 vợ chồng anh phải cắt cử, thay phiên nhau ép nước.

"Cam nhà tôi được nhập từ Hà Giang nên vị rất ngọt, khách ưa dùng. Hơn nữa, giá cam năm nay giảm mạnh nên giá nước ép cũng hạ nên lượng người tìm mua cũng đông hơn hẳn" - anh cho biết.

Những chiếc xe di động vắt nước cam thuê trên các cung đường ở Hà Nội.

Theo anh Sơn, ngoài bán cho khách lẻ, anh còn nhận đặt hàng của khách quen ở các cơ quan, tập thể. Nước cam sẽ đóng vào chai 330ml và bán đồng giá 15.000 đồng/chai, nếu ai lấy trên 100 chai sẽ được giảm giá.

"Muốn có lãi cao, tôi phải mua tận gốc bán tận ngọn. Nghĩa là mua thẳng cam từ các nhà vườn ở Hà Giang vận chuyển về Hà Nội mà không qua lái buôn. Do đó, tôi phải lên khảo sát tại vườn, đặt mua theo vụ" - anh kể.

Thông thường, nếu cam chuẩn thì cứ 1kg cam sẽ vắt được 1 chai 500ml nước nguyên chất. Nếu ngày túc tắc, anh vắt được 3 tạ cam sành thì sẽ thu về 1,5 triệu đồng tiền lãi.

Nếu cam chuẩn thì cứ 1kg cam sẽ vắt được 1 chai 500ml nước nguyên chất

Tương tự, chị Hoài Thư, chủ một quán cà phê ở Thanh Xuân (Hà Nội) cho hay, 1 tháng nay, quán chị mở thêm dịch vụ vắt cam thuê và bán nước ép đóng chai cho khách mang đi.

"Như một cốc nước cam nguyên chất, bán tại quán là 40.000 đồng. Nhưng nếu khách mua mang về thì chỉ còn 25.000 đồng với chai dung tích 300ml. Thế nên, đây cũng là một lựa chọn tốt với mọi người"- chị cho hay.

Ngoài ra, chị Thư còn cho biết, từ ngày có dịch Covid-19, quán dần vắng khách nên hễ thấy việc nào ra tiền, chị đều thử. Đơn cử như việc bán nước cam ép đóng chai cũng mang về cho chị mỗi ngày 1 - 1,2 triệu đồng tiền lãi.

Tác giả: An Chi

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP