Du lịch

Tục bắt vợ đáng sợ ở hòn đảo được ví như viên ngọc của Indonesia

Hòn đảo Sumba được ví như viên ngọc tuyệt đẹp của Indonesia nhưng ở đây đang tồn tại hủ tục bắt vợ khiến nhiều cô gái sợ hãi.

Đảo Sumba thuộc quần đảo Nusa Tenggara, chỉ cách Bali (Indonesia) khoảng một giờ đồng hồ bay. Sumba mang vẻ đẹp tĩnh lặng, khiến cho bất kỳ ai đã đặt chân đến đều thích thú. Theo ước tính, hòn đảo có hơn 750 nghìn cư dân.

Vẻ đẹp của hòn đảo Sumba nhìn từ trên cao.

Tuy nhiên, ít ai biết, hòn đảo này đang tồn tại một tập tục khiến những người phụ nữ phải sợ hãi. Đó là tục đàn ông bắt cóc phụ nữ về làm vợ.

Hủ tục khiến nhiều cô gái trẻ phải rời xa gia đình từ sớm, dập tắt hết ước mơ, hoài bão của họ, để kết hôn với người xa lạ.

Tình trạng này diễn ra trong nhiều năm. Mới đây, một đoạn video dài 29 giây cho thấy, một cô gái trẻ khóc lóc tuyệt vọng khi bị 5 người đàn ông bắt lại, đưa vào một ngôi nhà đã thu hút sự chú ý của mọi người.

Cô gái trong video là Ratih (21 tuổi), sinh ra và lớn lên ở làng Dameka trên đảo Sumba. Sau khi tốt nghiệp cấp 3, cô chuyển đến sống và làm việc ở đảo Bali. Tháng 6 vừa qua, cô về nhà vài ngày, lấy bằng tốt nghiệp để tiếp tục thi đại học.

Một nhóm đàn ông đã đến vào lúc 10h sáng và ép buộc cô đi theo họ. Mặc dù Ratih hét lên, khóc lóc và kháng cự nhưng những người đàn ông vẫn bất chấp, đưa cô đến nhà của chàng trai trẻ tên là Nala cách đó khoảng 1km.

Chiều hôm đó, hai bên gia đình gặp mặt, bàn bạc hôn sự cho Ratih và Nala. Ratih không được từ chối cuộc hôn nhân hay tự quyết định cuộc đời mình.

Sau khi nắm được sự việc, nhà chức trách đã cử nhân viên đến nhà Nala để gặp Ratih. Khi họ hỏi rằng, liệu cô có đồng ý kết hôn với Nala hay không, cô gái đã im lặng khá lâu. Mãi sau, Ratih mới lí nhí nói "vâng", giọng đầy bất lực.

Hình ảnh Ratih bị bắt cóc về làm vợ Nala (cắt từ video)

Markus Kamping, một tình nguyện viên của nhóm Đoàn kết Phụ nữ và Trẻ em (Sopan) kể thêm, 1 tuần sau khi Ratih bị bắt cóc, một phụ nữ trẻ khác cũng rơi vào tình huống này. Cô là Mawar (23 tuổi) nhưng Mawar đã kết hôn và có con nhỏ 10 tháng tuổi. Chồng cô đi làm ăn xa nên 2 mẹ con về nhà ngoại.

Khi cô đang cho con bú, nhóm đàn ông bất ngờ xuất hiện, giằng đứa bé khỏi tay mẹ. Họ bắt Mawar lên một chiếc xe tải đậu cách nhà 20m.

Kẻ bắt cóc trả cho nhà gái 6 con ngựa, trị giá mỗi con 35 triệu rupiah (khoảng 56 triệu đồng) và năm con trâu.

Cha và anh trai của Mawar đã giằng co với nhóm người để cứu cô nhưng không thể. Vụ bắt cóc một phụ nữ đã kết hôn là cực kỳ hiếm ở Sumba. Những kẻ bắt cóc Mawar có thể nghĩ rằng cô độc thân.

Khi Mawar đến nhà người đàn ông tên Budi, nhóm đàn ông đã có hành vi lạm dụng, khiến cô bị tổn thương.

Tối hôm đó, gia đình Mawar đã đến nhà Budi để đòi người. Mawar cho biết mình bị đau và xin được về nhà. Con trai Mawar khóc ngằn ngặt vì vắng mẹ. Cuối cùng cha cô phải báo cáo vụ việc cho cảnh sát can thiệp.

Sáng hôm sau, hai nhân viên cảnh sát, gia đình Mawar, trưởng làng và tình nguyện viên của nhóm Đoàn kết Phụ nữ và Trẻ em đã đến nhà Budi để giải cứu Mawar.

Umbu Jowa, một chuyên gia về phong tục và nghi thức truyền thống của Sumba nói rằng hành động bắt cô dâu là một sự "biến dạng văn hóa" từ xưa. Qua nhiều năm tháng, nó lại được coi là phong tục.

Ở đảo Sumba, một số gia đình giàu có và quý tộc còn có những quy tắc riêng về chuyện kết hôn. Một người đàn ông có thể sẽ lấy em họ (là con gái của cậu ruột) để duy trì vị thế xã hội và giữ sự giàu có trong gia tộc.

"Kawin tangkap" là phong tục cho phép phụ nữ chỉ được kết hôn với một người đàn ông khi cha mẹ cô đồng ý. Cô gái không được quyền quyết định cuộc hôn nhân của mình.

Những năm qua, tập tục này ngày càng trở nên méo mó, biến tướng. Kẻ bắt cóc sau đó được gia đình nhà gái yêu cầu trả một khoản gọi là Belis (của hồi môn) và phí ADAT denda (tục lệ). Khoản chi phí thường là 6 con ngựa, trị giá mỗi con 35 triệu rupiah (khoảng 56 triệu đồng) và năm con trâu.

Thay vì ngăn chặn hủ tục, khoản phí này khiến nhiều gia đình mờ mắt, chấp nhận để con gái bị bắt dâu. "Bản ngã của đàn ông trỗi dậy khi họ bắt được một phụ nữ. Bởi lúc đó, mọi người trong làng sẽ nhận ra họ giàu có và quyền lực thế nào", ông Umbu nói.

Người phụ nữ bị bắt cóc làm dâu thường bị hãm hiếp và lạm dụng. Khi đó, họ cảm thấy mình không còn nơi nào để đi nên đành cam chịu và sẵn sàng kết hôn với kẻ bắt cóc mình.

Lễ hội của người dân đảo Sumba. Ảnh: Indonesia Travel Database.

Hiện, những hành động bắt dâu đã bị lên án bởi Giáo hội Kito giáo Sumba, nhóm Peruati, nhà lập pháp địa phương...Một thỏa thuận cũng đã được ký kết nhằm ngăn các cuộc hôn nhân cưỡng ép.

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP