Giáo dục

Từ vụ bé trai bị nhét giẻ vào miệng: Góc khuất phía sau nghề nuôi dạy trẻ!

Đã có nhiều nguyên nhân để giải thích cho hành vi bạo hành trẻ tại các trường, cơ sở giáo dục gần đây. Tuy nhiên, nguyên nhân quan trọng là vấn đề tâm lý của người bạo hành thì ít được đề cập.

Vừa qua, vụ trẻ mầm non 1 tuổi bị một cô gái trẻ tại nhóm lớp mầm non tư thục Sao Việt (Thái Bình) nhét giẻ vào miệng đã khiến dư luận bức xúc lên án. Tuy nhiên, bạo hành trẻ em không phải đến bây giờ mới được đề cập. Thực tế, đã có không ít những vụ bạo hành khiến dư luận xôn xao.

Cụ thể: Tháng 7/2010, TAND quận Tân Phú (TPHCM) tuyên phạt cô giáo Trần Thị Xuân N. (30 tuổi) 4 năm tù về tội "cố ý gây thương tích". Cô giáo này nhốt bé 4 tuổi vào cầu thang máy để vận chuyển thức ăn rồi ấn nút cho thang máy chạy, khiến cháu bé bị thương, phải cấp cứu.

Năm 2020 xuất hiện video ghi lại hành vi thô bạo của một cô giáo trường Mầm non Rồng Vàng (quận 9, TPHCM). Khi cho trẻ ăn, cô giáo này đã đánh, cắn vào tay những đứa trẻ khiến người xem co thắt tim gan.

Nỗi lo sợ, ám ảnh khi trẻ bị bạo hành. (Ảnh minh họa trên Internet)

Liên tiếp những vụ bạo hành trẻ mầm non bị đưa ra ánh sáng khiến dư luận sững sờ và bức xúc.

Là một người mẹ, đồng thời là một nhà giáo, cô T.D. (giáo viên trường Mầm non Hòa Bình, Hải Phòng) bày tỏ: "Tôi chưa từng nghĩ những đồng nghiệp của mình lại tàn nhẫn, dã man đến thế. Người ta vẫn nói trẻ con vô tội. Ngay cả khi trẻ có mắc lỗi, bướng bỉnh cũng không thể cư xử với các con như vậy. Tôi không hiểu cái đạo đức của con người của họ như thế nào, chứ chưa cần nói đến đạo đức nghề nghiệp".

Lên án gay gắt hành vi bạo lực trẻ em, giáo viên mầm non Nguyễn Ngọc Oanh (Thái Thụy, Thái Bình) cho rằng, những đứa trẻ như tờ giấy trắng, chúng cần được bao bọc, yêu thương và dạy dỗ từ những người mẹ thứ hai.

"Bởi vậy, đã theo nghề giáo viên mầm non thì phải nhiệt tình và yêu nghề, yêu trẻ. Những người gây ra các vụ bạo hành trẻ không xứng đáng được đứng trong đội ngũ giáo viên mầm non" - cô Oanh bày tỏ.

Nhà giáo này cũng cho rằng, mỗi trường hợp bạo hành trẻ mầm non được phơi bày lại gieo thêm những lo âu, thất vọng và sự hoài nghi trong lòng người làm cha, làm mẹ đối với nghề giáo. Hình ảnh về nghề cũng vì thế mà có thêm vết nhơ và thay đổi theo chiều hướng tiêu cực.

Cô nuôi dạy trẻ: Khi áp lực bủa vây

Hơn 10 năm gắn bó với nghề giáo viên mầm non, cô Ngọc Oanh tâm sự: "Nhiều người cho rằng giáo viên mầm non là công việc nhàn hạ, sạch sẽ, chỉ cần biết chơi với trẻ con là đủ. Tuy nhiên, trên thực tế lại cực nhọc vô cùng.

Tôi và đồng nghiệp thường ví vui nghề này là "ôsin có bằng cấp" khi kiêm nhiệm đồng thời các vai trò: giáo viên, diễn viên, nghệ sĩ, họa sĩ, nhạc sĩ, nhà thơ, thậm chí là lao công, tạp vụ… để chăm sóc lớp học gần ba mươi học sinh".

Giáo viên mầm non phải đối diện với vô vàn áp lực (Ảnh: NVCC)

Nhà giáo này chia sẻ, cô thường khởi động một ngày mới từ 6h30, bằng công việc lau dọn như một lao công, rồi quay ra đón trẻ, cho trẻ học tập, vui chơi. Buổi chiều, cô và đồng nghiệp phải chờ phụ huynh đón con đến hơn 17h.

"Vất vả nhất là quá trình trông trẻ. Nhiều bé khóc liên tục, có trẻ lại biếng ăn, có trẻ hở cô ra là đánh bạn, rồi tình trạng trẻ nuốt, nhét dị vật vào mồm… xảy ra như cơm bữa. Chỉ những cô giáo thực sự nhẫn nại mới giữ được bình tĩnh trong các tình huống ấy" - cô Oanh trải lòng.

Dù mới có hơn 1 năm trở thành "cô nuôi dạy trẻ", song cô Đoàn T.C. (Hải Phòng) chia sẻ, cô đã thấm đủ những khổ cực của giáo viên mầm non, từ việc lau dọn lớp, chăm bẵm trẻ đến lau rửa khi trẻ đi vệ sinh…

Tuy nhiên, giáo viên C. thừa nhận, áp lực công việc không lớn bằng áp lực tinh thần đến từ phía phụ huynh học sinh.

"Trẻ con hiếu động, trong lớp có thể đùa giỡn, cào cấu nhau, đôi khi chỉ cần một phút lơ là, giáo viên đã không kịp trở tay. Tuy nhiên, không ít phụ huynh thấy con mình có một vết xước nhỏ trên cơ thể, chưa tìm hiểu, đã vội vàng trách mắng, bắt cô giáo phải xin lỗi".

Đồng quan điểm, giáo viên T.D. cho rằng, điều "khủng khiếp" nhất chính là hai chiếc camera được lắp đặt trên trần nhà và cho phép phụ huynh quan sát. Do đó, mọi "nhất cử nhất động" của giáo viên đều được cha mẹ, ông bà của các em soi xét. Trong khi đó, cô giáo không thể lúc nào cũng là thiên thần.

Đừng biến trẻ em thành… "lá chắn"

Đối diện với vô số vất vả, song nhà giáo Ngọc Oanh khẳng định, những giáo viên mầm non chân chính không thể để áp lực làm ảnh hưởng đến học trò.

"Cảm xúc tiêu cực nảy sinh trong quá trình nuôi dạy trẻ là điều khó tránh khỏi. Tuy nhiên, tôi chưa và sẽ không bao giờ để những cảm giác ấy dẫn đến những hành động làm tổn thương các con.

Xuất hiện những cảm xúc "xấu xa", tôi thường tránh xa trẻ một chút, đôi khi là nhờ đồng nghiệp trông hộ để bản thân có thể ra ngoài lấy lại bình tĩnh".

Đồng quan điểm, nhà giáo T.D. cho rằng, đòn roi thể hiện sự bất lực trong phương pháp giáo dục của giáo viên.

Cô T.D. chỉ rõ: "Chủ yếu người bạo hành là bảo mẫu hoặc giáo viên không có bằng cấp, tuy nhiên dư luận hay đánh đồng tất cả giáo viên mầm non đều như vậy. Do đó, rất mong các cơ quan chức năng hãy thanh lọc những nơi giữ trẻ tự phát để tránh ảnh hưởng tới những giáo viên đàng hoàng, yêu nghề và tận tâm với trẻ.

Tôi và đồng nghiệp cũng hy vọng dư luận sẽ có cái nhìn bớt khắt khe hơn về nghề nuôi dạy trẻ, bởi phía sau, nghề nghiệp này có những mệt mỏi không phải ai cũng nhìn thấu".

Khẳng định bậc mầm non là bậc học khó khăn hơn các bậc học khác, giáo viên Nguyễn Phúc (Gia Lai) chia sẻ, làm giáo viên ở bậc học này rất khó - không chỉ cần kiến thức, kỹ năng dạy học, mà còn cần sự kiên nhẫn, kiềm chế và lòng yêu trẻ vô vàn. Tuy nhiên, theo cô Phúc, trước những áp lực của nghề nuôi dạy trẻ, không phải giáo viên nào cũng có thể vượt qua.

"Mới đây, một cô giáo trong trường tôi đã xin nghỉ bởi cảm thấy áp lực khi đối diện với học trò và phụ huynh. Tôi biết, còn nhiều trường hợp giáo viên khác hàng ngày cũng phải đối diện với vô vàn áp lực nhưng lại nhận về mức lương ba cọc, ba đồng.

Đa số mọi người mới chỉ quan tâm trẻ đi học về có vết thâm không, có bị cô đánh không, mà quên mất, chính những giáo viên mầm non cũng đang bị bủa vây bởi nỗi lo và áp lực.

Là một người trực tiếp làm nghề, tôi mong sẽ nhận được sự thấu hiểu, đồng cảm và hợp tác của các bậc phụ huynh. Thay vì chỉ đưa con đến trường, bố mẹ hãy kết hợp với cô để đưa trẻ vào nề nếp ăn uống, ngủ nghỉ đúng giờ. Có như vậy mới hạn chế được việc giáo viên dùng đòn roi với trẻ..." - cô Phúc nhắn nhủ.

Tác giả: Kiều Phương

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP