Kinh tế

Từ thợ cơ khí ở Hàn Quốc đến ông chủ sản xuất linh kiện thang máy

Từ một thợ cơ khí khi đi xuất khẩu lao động ở Hàn Quốc, anh Nguyên trở thành chủ sản xuất linh kiện bu lông, ốc vít, phụ kiện thang máy xuất khẩu.

Anh Lê Lương Nguyên (SN 1982) sinh ra và lớn lên ở vùng quê nghèo xã Nam Kim, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. Đến năm 2001, anh học nghề ở Trường Cao đẳng Việt Nam - Hàn Quốc, chuyên ngành kỹ thuật điện. Sau khi tốt nghiệp, Nguyên đi vào TP.HCM làm kỹ thuật điện cho một doanh nghiệp Đài Loan trong vòng hơn 1 năm.

Đến năm 2005, chàng công nhân lại trở về làm việc tại TP. Vinh chuyên ngành kỹ thuật điện cho một doanh nghiệp sản xuất nhựa và bao bóng. Cũng trong năm này, anh tiếp tục theo đuổi việc học liên thông Đại học Sư phạm Kỹ thuật Vinh thêm 2 năm.

Đầu năm 2007, với vốn kiến thức và kinh nghiệm thực tế, anh Nguyên quyết định đi xuất khẩu lao động tại tỉnh Gyeonggi, Hàn Quốc. Doanh nghiệp nơi anh làm việc chuyên sản xuất, gia công kết cấu thép. Tuy nhiên, làm được hai tháng thì công ty công bố phá sản, anh không nhận được bất một đồng lương nào. May mắn, sau đó bảo hiểm ở Hàn Quốc đã chi trả lương cơ bản cho anh. Trong thời gian chờ đợi, anh được một người giới thiệu đến gặp ông Park Je Min - Chủ tịch Tập đoàn thang máy Geo Chang, và nhận được cái gật đầu của vị chủ tịch này.

Anh Lê Lương Nguyên tại nhà máy sản xuất bu lông, ốc vít và linh kiện phục vụ sản xuất thang máy xuất khẩu - Ảnh: Quốc Hoàng

Thi tay nghề cho công nhân kỹ thuật lắp ráp, sản xuất thang máy - Ảnh: Quốc Hoàng

Sau hơn 5 năm gắn bó làm việc với tập đoàn này, đến 3/2011 anh Nguyên về nước.

“Về quê chưa đầy một tháng, Trường Cao đẳng Việt Hàn tuyển tôi vào giảng dạy cho sinh viên ở Trung tâm ngoại ngữ. Kinh nghiệm và vốn sống thực tế phong phú ở Hàn Quốc đã giúp tôi truyền đạt và giảng dạy. Cũng trong 2 năm ở trường, tôi đã nung nấu sẽ lập một công ty sản xuất linh kiện bu lông, ốc vít về thang máy” - anh Nguyên chia sẻ.

Ngày 25/6/2013, anh Nguyên cùng những người thợ kỹ thuật đầu tiên thành lập công ty chuyên sản xuất bu lông, ốc vít và linh kiện cơ khí khác tại TP. Vinh để xuất khẩu sang Hàn Quốc, Nhật Bản, Dubai.

“Năm đầu tiên, mỗi tháng chúng tôi chỉ xuất được một container 20 tấn. Hồi mới mở công ty, tôi thuê một nhà xưởng, văn phòng khoảng 500m2 để sản xuất. Khi đó, kinh nghiệm thương trường, tiếp xúc khách hàng còn hạn chế. Đến năm 2014, doanh số tăng lên 2 container/tháng và được đối tác ở Hàn Quốc đánh giá rất cao về chất lượng sản phẩm”, anh kể.

Các đối tác ở Hàn Quốc sau đó đặt anh Nguyên sản xuất 4-5 container linh kiện mỗi tháng. Hơn 20 nhân viên thợ kỹ thuật thay nhau làm việc 3 ca/ngày để đáp ứng nhu cầu của đối tác.

Sản xuất linh kiện bulon, ốc vít bằng những thiết bị máy móc hiện đại và tự động hoá - Ảnh: Quốc Hoàng

Kiện hàng chuyển lên container để xuất khẩu sang Hàn Quốc - Ảnh: Quốc Hoàng

Anh Nguyên cho hay, hiện nay, diện tích đất sản xuất tại công ty đã rộng gấp 4 lần so với nhà xưởng thuê trước đó. Bình quân mỗi tháng, DN xuất khẩu ra nước ngoài trên 2 tỷ đồng các linh kiện, bu lông, ốc vít.

Song song đó, từ cuối năm 2014, Tập đoàn thang máy Geo Chang, Hàn Quốc đã lựa chọn anh Lê Lương Nguyên làm giám đốc đại diện cho hãng tại Việt Nam.

Thời gian đầu, phía Hàn Quốc quan tâm vào việc đào tạo nhân lực kỹ thuật. Năm 2015, công ty đã cử nhiều cán bộ kỹ thuật tốt nghiệp đại học về chuyên ngành tự động hoá, những người đã làm thang máy ở Việt Nam sang Hàn Quốc đào tạo và chuyển giao công nghệ.

“Năm 2016, các sản phẩm thang máy mới bắt đầu bán tại thị trường Việt Nam. Thời gian đầu, do là thương hiệu mới nên chúng tôi rất khó tiếp cận thị trường. Tuy nhiên, bằng chất lượng sản phẩm, đội ngũ kỹ thuật lành nghề và đặc biệt chú ý khâu hậu mãi sau khi lắp đặt thang máy, nhờ đó khách hàng ngày một nhiều” - anh Nguyên nói.

Đến năm 2019, Tập đoàn thang máy Geo Chang mở thêm các chi nhánh ở Hà Nội, TP.HCM và Đà Nẵng. Mỗi năm, DN cung cấp hơn 100 thang máy cho các toà nhà cao tầng và hàng trăm thang máy thấp tầng ở Việt Nam.

Anh Lê Lương Nguyên (thứ 2 trái sang) cùng cán bộ, công nhân kiểm tra lắp ráp thang máy.

Nhiều toà nhà cao tầng ở Việt Nam chọn lựa thang máy do công ty anh lắp ráp - Ảnh NVCC

Để có được chỗ đứng như hiện tại, anh Nguyên khuyên các bạn trẻ, trong thời gian đi học, cần chuyên cần, chịu khó trau dồi kiến thức, ngoại ngữ. Đặc biệt nên kết hợp vừa học, vừa đi làm để có kinh nghiệm thức thực tế.

“Để đưa ra được sản phẩm chất lượng đòi hỏi phải kết hợp trí tuệ, công sức của nhiều người. Tính trách nhiệm trong làm việc nhóm sẽ giúp giảm bớt công sức và thời gian lao động. Trong quá trinh làm việc, cần nỗ lực học hỏi, rèn luyện tư cách đạo đức, kỹ thuật và kỹ năng. Chúng tôi cũng không ngừng học hỏi và tổ chức thi tay nghề hàng năm cho toàn bộ cán bộ kỹ thuật” - anh Nguyên chia sẻ.

Hiện DN của anh Nguyên đang quản lý hơn 50 lao động làm việc tại Việt Nam và nhiều lao động bán thời gian, thu nhập bình quân từ 8-20 triệu đồng/người/tháng.

Trong 2 năm liên tiếp, anh Lê Lương Nguyên được Bộ LĐ-TB&XH của Việt Nam và phía Hàn Quốc bình chọn là cá nhân tiêu biểu trong cuộc thi “Lao động hồi hương thành công nhất năm 2020 và 2021”. Ngoài ra, anh còn được Thủ tướng Chính phủ, các hiệp hội xuất nhập khẩu; các tổ chức kinh tế tặng bằng khen cho cá nhân và doanh nghiệp.

Tác giả: Quốc Hoàng

Nguồn tin: antt.nguoiduatin.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP