Xã hội

Tự sát vì nộp tiền mà 12 năm chưa được giao đất: Dân còn tuyệt vọng đến bao giờ?

Năm 2003, 2004, hơn 700 hộ dân ở xã An Đồng, huyện An Dương, TP Hải Phòng được các cơ quan chức năng cấp đất làm nhà ở. Có người được cấp đất tái định cư, người được mua theo chính sách, người mua lại để ở…

Nhiều người phải vay mượn để có tiền nộp mua đất. Thế nhưng, đến tận 12 năm sau, có tới 168 hộ chưa được cấp đất khiến nhiều gia đình lục đục, rơi vào tan vỡ vì nợ nần. Thậm chí có người còn tìm đến cái chết vì bế tắc. Chính quyền các cấp thì thiếu quyết liệt, không làm tròn trách nhiệm, để khiếu kiện kéo dài.

Thông điệp từ lá thư tuyệt mệnh

Năm 2012, dư luận TP Hải Phòng xôn xao về vụ tự tử của chị Nguyễn Thị Thu Cúc, 40 tuổi, ở đường Lương Khánh Thiện, quận Ngô Quyền. Chị Cúc qua đời sau 7 ngày cứu chữa bất thành do uống thuốc trừ cỏ tự tử. Một phần nguyên nhân dẫn đến hành động tiêu cực của người phụ nữ này là do bí bách nợ nần và không nhận được đất đã mua.

5 năm sau ngày chị Cúc mất, chúng tôi tìm gặp anh Đỗ Trung Kiên, chồng chị Cúc tại Hải Phòng. Thẫn thờ với tập đơn và giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trên tay, anh tâm sự: “Ngày nhận tin vợ tôi uống thuốc trừ cỏ tự tử ở nhà nghỉ, tôi chạy đến và tìm thấy một lá đơn kêu cứu trong người cô ấy.

Sổ đỏ đã có từ năm 2006 nhưng 11 năm sau anh Đỗ Trung Kiên vẫn chưa được giao đất.

Cô ấy nói do không có chỗ ở, mua đất mà không được giao đất nên buồn chán và tìm đến cái chết để nhờ các cơ quan chức năng giải quyết cho chồng con được nhận 2 lô đất đã mua”.

Gia đình anh Kiên phải chấp nhận nỗi đau khi người vợ dại dột chọn cách giải quyết tiêu cực. Từ đó đến nay, cuộc sống của 3 bố con anh lại càng khó khăn hơn khi hai đứa con lớn dần lên mà vẫn phải đi ở nhờ. Anh Kiên đi làm thuê hàng ngày, thu nhập không ổn định.

Đưa chúng tôi ra khu đất đã được cấp trên giấy ở thôn Trang Quan, xã An Đồng, huyện An Dương, Hải Phòng, anh Kiên cho biết, năm 2005, 2006, vợ chồng anh mua 2 thửa đất (được chuyển nhượng lại theo quyết định giao đất của UBND huyện An Dương). Diện tích mỗi thửa 80m2 với giá mua lúc đó là hơn 70 triệu đồng/thửa. Để có tiền mua 2 mảnh đất này, vợ chồng anh phải vay mượn họ hàng.

Ngay sau khi nộp tiền mua đất và hoàn thiện thủ tục, vợ chồng anh Kiên được UBND huyện cấp 2 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) mang tên Đỗ Trung Kiên và Nguyễn Thị Thu Cúc tại thửa đất số 79 và 80, tờ bản đồ số 24 vào năm 2006.

Tuy nhiên, từ khi mua cho đến năm 2010, vợ chồng anh vẫn chưa được nhận đất. Nợ nần chồng chất buộc vợ chồng anh phải bán ngôi nhà chưa đầy 30m2 để trả nợ rồi đi thuê nhà. Sau khi vợ mất, 3 bố con anh Kiên phải về ở với gia đình bên nội.

Suốt thời gian dài từ khi bỏ tiền ra mua đất, vợ chồng anh Kiên cùng với nhiều người dân khác có chung hoàn cảnh mua đất không được giao đã làm đơn đề nghị các cấp chính quyền của Hải Phòng giải quyết, từ cấp xã, huyện, thành phố cho đến tận Trung ương.

Thế nhưng, mọi việc vẫn giậm chân tại chỗ. Những diện tích đất lẽ ra phải giao cho người dân thì vẫn để cỏ mọc um tùm, hạ tầng giao thông dở dang, thậm chí một số diện tích bị người dân lấn chiếm.

Còn bà Hà Thị Doan, 61 tuổi, ở xã An Đồng, huyện An Dương cho biết, năm 2006, bà Đặng Thị Bảy chuyển nhượng cho bà mảnh đất 90m2 ở khu Đồng Cao, Trang Quan, xã An Đồng. Bà Bẩy được cấp đất theo Quyết định 301/QĐ-UB ngày 4-9-2003 (thu hồi đất nông nghiệp xen kẹt rìa làng, sản xuất nông nghiệp kém hiệu quả giao cho các hộ dân làm nhà ở tại thôn Trang Quan).

Bà Bẩy đã nộp tiền sử dụng đất, tiền xây dựng cơ sở hạ tầng từ năm 2005. Đến tận bây giờ, mảnh đất đã có trong danh sách cấp sổ đỏ số AC70859 ngày 25-1-2007 vẫn chưa được bàn giao.

Tương tự, năm 2004, gia đình bà Nguyễn Thị Nhính ở thôn Trang Quan chấp hành chính sách thu hồi ruộng đất canh tác để phục vụ quy hoạch. Sau khi trả ruộng, gia đình bà được cấp đất ở lâu dài theo Quyết định 301/QĐ-UB và đã được cấp sổ đỏ năm 2006 trên diện tích 130m2.

Bà Trần Thị Cải ở xã An Đồng được giao 110m2 đất, bà Đặng Thị Hoài được giao 104m2 đất, bà Lê Thị Thái có 80m2, bà Phạm Thị Thắm được giao một lô đất và mua thêm 5 lô nữa thành 645m2 đất… Trong số này, có người đã được cấp sổ đỏ, người thì đã hoàn tất thủ tục để cấp sổ đỏ và nộp tiền làm cơ sở hạ tầng.

Cán bộ làm sai nhưng không sửa

Tháng 1-2014, tại một cuộc họp tiếp dân giải quyết tồn tại về đất đai, ông Dương Anh Điền, Chủ tịch UBND TP Hải Phòng khẳng định khiếu kiện của bà Đặng Thị Hoài và các hộ dân về việc chưa giao đất là có cơ sở, đây là lỗi của một số cán bộ UBND xã An Đồng và UBND huyện An Dương, ông Điền cũng yêu cầu xử lý nghiêm khắc cán bộ vi phạm.

Sau cuộc họp đó, ngày 17-3-2014, UBND TP Hải Phòng ra quyết định thành lập tổ công tác liên ngành giải quyết khiếu nại của bà Đặng Thị Hoài và 13 hộ dân trú tại thôn Trang Quan.

Kết quả kiểm tra, rà soát cho thấy một loạt vi phạm trong giao đất tại xã An Dương. Ngày 15-10-2014, UBND TP Hải Phòng ban hành Văn bản số 7842/UBND-ĐC2 thông báo kết quả giải quyết khiếu nại của người dân.

Ông Đỗ Trung Thoại, Phó Chủ tịch UBND TP kết luận: “Đây là vụ việc rất nghiêm trọng, vi phạm các quy định của pháp luật đất đai về thẩm quyền, trình tự thủ tục, quá trình thực hiện, xét duyệt các đối tượng được giao đất của UBND huyện An Dương và UBND xã An Đồng”.

UBND TP Hải Phòng yêu cầu UBND huyện An Dương tiếp tục rà soát, đề xuất phương án giải quyết, giao Sở Tài nguyên và Môi trường lập dự thảo văn bản của UBND TP xin ý kiến Bộ Tài nguyên và Môi trường. Thế nhưng, từ đó đến nay, vụ việc vẫn chưa được giải quyết dứt điểm.

Ngày 27-4-2017, phóng viên Báo CAND đã có cuộc làm việc với ông Nguyễn Văn Phức, Chánh văn phòng UBND huyện An Dương và ông Phạm Văn Sinh, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện An Dương.

Ông Sinh cho biết, việc chậm giao đất cho các hộ dân là do 3 lý do: Thứ nhất là do chính sách về đối tượng giao đất thay đổi và một số diện tích đất chưa giải phóng mặt bằng được. Thứ 2 là do các hạng mục xây dựng cơ sở hạ tầng (đã thu tiền của người dân) chưa hoàn thiện nên chưa bàn giao.

Nguyên nhân thứ 3 là quy hoạch mở rộng quận Hồng Bàng lại chồng lấn một phần lên diện tích đã có quyết định giao đất cho người dân. Ông Sinh cho biết, các nguyên nhân trên đã được UBND huyện đề xuất biện pháp tháo gỡ. Tuy nhiên, ông Sinh không cho biết thời gian cụ thể sẽ giải quyết xong khi nào.

Vụ việc xảy ra ở xã An Đồng, huyện An Dương, Hải Phòng đã bộc lộ sự yếu kém trong quản lý đất đai của chính quyền địa phương. Mặc dù các quyết định giao đất chưa thực hiện xong nhưng UBND TP Hải Phòng vẫn phê duyệt Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/2000 quận Hồng Bàng và phần mở rộng đến năm 2025, có một diện tích chồng lấn lên diện tích của quyết định giao đất cho công dân làm nhà ở.

Một vấn đề nữa là cán bộ quản lý đất đai ở xã An Đồng thiếu trách nhiệm, để người dân lấn chiếm vào diện tích đã giải phóng mặt bằng, xây nhà kiên cố, gây bức xúc cho người dân. Gần 1.000m2 đất bị lấn chiếm, xây dựng trên 10 lô đất của dự án.

Đã có nhiều bài học lớn về buông lỏng quản lý đất đai, để lại hậu quả nghiêm trọng. Trong khi đó, phức tạp phát sinh do chậm giao đất ở xã An Đồng, huyện An Dương đã kéo dài hơn chục năm mà chưa được giải quyết. Đề nghị UBND TP Hải Phòng không để tình trạng trên kéo dài hơn nữa, cán bộ để xảy ra sai phạm phải bị xử lý, còn quyền lợi hợp pháp của người dân cần được bảo vệ.

Tác giả bài viết: Việt Hà

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP