Kinh tế

Từ con trai người bán hàng rong đến ông chủ Thế Giới Di Động

Lớn lên trong cảnh nghèo khó, ông Nguyễn Đức Tài giờ đã có tài sản hàng triệu USD nhờ số cổ phần của mình trong Thế Giới Di Động.

Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty Đầu tư Thế Giới Di Động (TGDĐ) - Nguyễn Đức Tài lớn lên trong cảnh nghèo khó tại TP HCM. Mẹ ông là một người bán hàng rong. Thời kỳ chật vật kiếm sống đã khiến ông đặt mục tiêu phải có cuộc sống tốt hơn cha mẹ. “Tôi luôn muốn nghĩ lớn và làm lớn”, ông nói.

Năm 2009, khi ông tuyên bố muốn làm một cuộc cách mạng trong ngành điện thoại di động ở Việt Nam, rất ít người quan tâm đến việc này. “Mọi người đều cười tôi”, ông nói.

Tuy nhiên, Tài đã làm được. Công ty Đầu tư Thế Giới Di Động của ông giờ đã trở thành hãng kinh doanh điện thoại di động hàng đầu Việt Nam và là một trong những công ty niêm yết lớn nhất nước với vốn hóa 1,7 tỷ USD.

Ông Nguyễn Đức Tài tại văn phòng làm việc. Ảnh: Bloomberg

Dĩ nhiên, con đường này không hề bằng phẳng. 15 năm trước, Việt Nam đã không thể gia nhập cơn sốt điện thoại di động toàn cầu, vì giá thiết bị quá đắt đỏ. “Khi đó, chỉ các giám đốc, hoặc người giàu mới mua được điện thoại di động”, ông nói, “Với nhiều người, việc này là bất khả thi. Tôi đã nghĩ chúng ta cần làm gì đó để thay đổi”.

Năm 2003, ông bỏ công việc giám đốc chiến lược tại một hãng điện thoại để kinh doanh riêng. Ông mở 3 cửa hàng tại 3 hẻm nhỏ ở TP HCM, nhưng thất bại chỉ sau vài tháng vì địa điểm không tốt và không được khách hàng tin tưởng.

Năm 2004, ông thử lại, thành lập TGDĐ cùng 4 người bạn. Lần này, Tài mở cửa hàng ở các con phố lớn và bán thiết bị ghi rõ xuất xứ.

Đến nay, TGDĐ có 1.065 cửa hàng tại Việt Nam, nắm 45% thị phần kinh doanh smartphone và điện thoại di động trong nước, tính đến hết tháng 4. Doanh số bán điện thoại ngày càng tăng theo sự phát triển của nền kinh tế. “Cơ hội đến rất nhanh, và thị trường cũng phát triển nhanh hơn tôi tưởng tượng”, ông nhận xét.

Kể từ khi niêm yết năm 2014, giá cổ phiếu TGDĐ đã tăng hơn gấp 6. Đây cũng là công ty Việt Nam duy nhất góp mặt trong danh sách 50 công ty đại chúng lớn tốt nhất châu Á năm ngoái của Forbes. “Giấc mơ của tôi bây giờ là doanh thu 10 tỷ USD năm 2022”, ông nói.

Cách đây vài năm, ông Tài nảy ra ý định cải tổ ngành thực phẩm trong nước. Lần này, mọi người đã lắng nghe ông. “Tương lai của ngành thực phẩm rất sáng”, ông Tài cho biết trong cuộc phỏng vấn với Bloomberg, “Vấn đề không phải là tôi có thành công hay không, mà là mất bao lâu để làm được việc đó”.

Sự thành công của ông đến từ nỗ lực hiện đại hóa Việt Nam. Với điện thoại di động, Tài mở ra cái mà ông gọi là chuỗi cửa hàng trên phố lớn đầu tiên. Ở đó, khách hàng sẽ cảm thấy yên tâm về chất liệu và nguồn gốc thiết bị. Còn với thực phẩm, ông đang cố gắng thay thế chợ tươi sống bằng chuỗi cửa hàng bách hóa.

Năm 2016, ông mở cửa hàng đầu tiên trong chuỗi Bách hóa Xanh tại TP HCM, bán rau, thịt và cá với nguồn gốc rõ ràng, cùng các nhu yếu phẩm như mỳ gói và đồ uống. Tại chợ truyền thống, thực phẩm được bán ngoài trời tại các địa điểm không phải lúc nào cũng hợp vệ sinh. Người mua cũng không biết được nguồn gốc và giá cả cũng không cố định.

4 tháng đầu năm nay, Bách hóa Xanh chỉ đóng góp 3% doanh thu cho TGDĐ. Các lãnh đạo công ty cũng thừa nhận chuỗi này đang trong giai đoạn thử nghiệm. Họ đã phải đóng 3 cửa hàng và hủy kế hoạch mở 7 cơ sở khác. Kế hoạch số cửa hàng mới năm nay cũng giảm từ 1.000 về 500.

Nguyễn Đức Hiếu - nhà phân tích tại công ty chứng khoán Rồng Việt nhận xét: “Bách hóa Xanh vẫn đang trong giai đoạn chưa ổn định. Đây không phải ngành công nghiệp dễ dàng, vì cần chuỗi cung ứng tốt. Việc này rất khó, vì không nhiều công ty lớn đủ sức cung cấp thịt và rau. Thị trường này rất lớn. Nhưng việc thực thi không hề dễ dàng”.

Dù vậy, Tài vẫn không nản chí. Khi khởi nghiệp, ông chỉ có hơn 30.000 USD. Giờ đây, cổ phần của ông trong TGDĐ đã có giá khoảng 3 triệu USD, theo tính toán của Bloomberg.

Tài cho biết càng có nhiều tiền bạc, ông càng ít quan tâm đến của cải. Chris Freund của Mekong Capital là nhà đầu tư khá sớm vào TGDĐ. Ông mô tả Tài là doanh nhân “bình dân”. Trong một chuyến công tác nước ngoài, Tài còn ở chung phòng với các nhân viên.

Tài thì cho rằng thói quen mặc áo phông lâu nay chỉ là để tiết kiệm thời gian và tập trung cho công việc. “Nghĩ chuyện hôm nay mặc gì cũng mệt lắm. Tôi muốn dành thời gian đó nghĩ về cách phát triển công ty hơn”, ông nói.

Tác giả: Hà Thu

Nguồn tin: Báo VnExpress

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP