Thể thao

Trường hợp hai cầu thủ U15 Hà Nội gian lận tuổi, xử lý ra sao?

Giải U15 toàn quốc 2017 chưa kết thúc thì mới đây Liên đoàn Bóng đá VN (VFF) lại nhận được công văn của CLB U15 Thanh Hóa tố ở đội U15 Hà Nội có hai cầu thủ gian lận tuổi.

CLB U15 Thanh Hóa tố ở đội U15 Hà Nội có hai cầu thủ là Lê Sỹ Hà, Lê Sỹ Hồng sinh năm 2000 mà theo điều lệ giải, cầu thủ dự giải U15 năm nay phải sinh năm 2002 hoặc muộn hơn. CLB TH đã gửi lên VFF bản sao giấy khai sinh ghi hai cầu thủ này sinh năm 2000 (bản sao lưu của CLB TH khi hai em còn chơi tại TH).
Hai anh em cầu thủ Hà, Hồng

Ngày 29/4, cán bộ tư pháp của xã Đông Anh (H.Đông Sơn, Thanh Hóa) đã đến gia đình 2 cầu thủ này để làm việc với ông Lê Sỹ Thước và khẳng định trong sổ đăng ký hộ khẩu lưu giữ tại công an xã thì Hà và Hồng đều sinh năm 2000, chứ không phải 2002.

Cũng theo giấy đề nghị của VFF, ông Lê Sỹ Thước, bố của hai cầu thủ, và BHL đội U15 Hà Nội cùng cán bộ pháp lý của đội có cuộc làm việc với Phòng Pháp lý và tư cách cầu thủ VFF. Theo trả lời của ông Thước thì trong bản gốc giấy khai sinh này ghi rõ hai cầu thủ sinh ngày 15.8.2002 tại Trạm y tế Đông Anh, H.Đông Sơn, tỉnh TH. Người ký giấy khai sinh là ông Nguyễn Văn Trọng, Phó chủ tịch UBND xã Đông Anh.

Xung quanh sự việc lùm xùm của hai cầu thủ Hà và Hồng, trao đổi với PV báo Người Đưa Tin, luật sư Nguyễn Trung Tiệp – Công ty Luật Dragon (Đoàn luật sư TP.Hà Nội) đã đưa ra quan điểm của mình như sau: Nếu xét về tính pháp lý, bản sao giấy khai sinh do Thanh Hóa cung cấp cho VFF (viết cầu thủ sinh năm 2000) không có giá trị trước pháp luật như bản gốc giấy khai sinh viết cầu thủ sinh năm 2002 (dù được làm lại nhưng vẫn được cấp hợp pháp). Nếu căn cứ vào bản gốc, cầu thủ Lê Sỹ Hà, Lê Sỹ Hồng không gian lận tuổi tại giải U15 năm 2017.

Luật sư Nguyễn Trung Tiệp – Công ty Luật Dragon (Đoàn luật sư TP.Hà Nội)

Trong trường hợp bản gốc giấy khai sinh của hai cầu thủ Hà và Hồng có sự gian dối, tức là ghi không đúng năm sinh của các cầu thủ (khai khống hơn hai tuổi) thì có thể bị xử lý theo quy định về kỷ luật của Liên đoàn bóng đá Việt Nam, tại Điều 52 nêu rõ: “1. Người nào giả mạo tài liệu, làm sai lệch hồ sơ, sử dụng tài liệu, hồ sơ làm giả nhằm mục đích lừa dối thì bị đình chỉ thi đấu, đình chỉ làm nhiệm vụ ít nhất 06 trận và có thể bị phạt tiền tối thiểu 10.000.000 đồng;

2. Các đội bóng trẻ của CLB vi phạm về gian lận tuổi hoặc đối tượng tham gia thi đấu trong các giải trẻ do LĐBĐVN tổ chức sẽ bị xử lý như sau:

a) Phạt tiền đội bóng từ 25.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng;

b) Đội bóng của lứa tuổi đó bị loại khỏi giải và không được thi đấu trong các giải bóng đá do LĐBĐVN, Đơn vị tổ chức giải tổ chức trong thời hạn từ 01 năm đến 02 năm kể từ ngày có quyết định kỷ luật.

c) Trưởng đoàn và huấn luyện viên trưởng không được tham dự các giải do LĐBĐVN, Đơn vị tổ chức giải tổ chức trong thời hạn từ 01 năm đến 05 năm kể từ ngày có quyết định kỷ luật.

d) Các đối tượng gian lận không được tham dự các giải do LĐBĐVN, Đơn vị tổ chức giải tổ chức trong thời hạn từ 01 năm đến 05 năm kể từ ngày có quyết định kỷ luật.

đ) CLB, đội bóng chịu trách nhiệm chi trả các chi phí phát sinh trong quá trình điều tra gian lận.

e) LĐBĐVN sẽ kiến nghị Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền có hình thức xử lý thích đáng đối với người ký xác nhận văn bản, tài liệu để đăng ký danh sách cầu thủ của đội bóng.

g) Trong thời gian cơ quan có thẩm quyền đang xem xét sự việc, đội bóng vẫn được tiếp tục thi đấu cho đến khi có thông báo xử lý.

3. Khi giải đấu kết thúc, CLB, đội bóng nếu bị phát hiện có hành vi vi phạm nêu tại khoản 1 Điều này sẽ bị thu hồi bảng danh vị và giải thưởng, đồng thời bị áp dụng xử phạt theo các mục a, b, c, d, đ khoản 2 Điều này”.

“Có nghĩa, một khi xác định được cầu thủ và đội bóng gian lận tuổi, chắc chắn sẽ có án phạt được đưa ra tùy mức độ nặng nhẹ và thành khẩn của đối tượng gian lận tuổi và đội bóng chủ quản”. Luật sư Tiệp nhận định.

Tác giả bài viết: Yến Nhi

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP