Thế giới

Trưởng đoàn Trung Quốc tại Shangri-La - Đô đốc Tôn Kiến Quốc là ai?

Hai năm liên tiếp, Đô đốc Tôn Kiến Quốc xuất hiện tại Đối thoại Shangri-La, với nhiều biểu cảm khác nhau khi đề cập đến vấn đề Biển Đông: Từ hung hăng, ngạo mạn, đến giả vờ nhũn nhặn, mềm mỏng không ngờ…

Đô đốc Tôn Kiến Quốc là trưởng đoàn Trung Quốc tại Shangri- La 2 năm liên tiếp.


Đoàn Trung Quốc đã có những động thái và thể hiện khá bất ngờ tại Đối thoại Shangri-La lần này. Trưởng đoàn Trung Quốc tại Đối thoại Shangri-La 15 là Đô đốc Tôn Kiến Quốc, Phó Tổng Tham mưu trưởng quân đội giải phóng Trung Quốc (PLA). Sinh năm 1952, ông Tôn trở thành Phó Tổng tham mưu trưởng quân đội Trung Quốc từ năm 2009.

Sinh ra tại tỉnh Hà Bắc, gia nhập quân đội Trung Quốc từ năm 1968. Sau đó, ông Tôn theo học về tàu ngầm tại Học viện Hải quân PLA vào năm 1978. Từ năm 1996 đến năm 2000, ông Tôn từng là phó chỉ huy của căn cứ tàu ngầm hải quân và là Chủ tịch của Học viện tàu ngầm PLA. Ông được bổ nhiệm làm Phó Tổng Tham mưu trưởng Hải quân PLA vào năm 2000, và thăng chức Tham mưu trưởng vào năm 2004. Năm 2006, ông trở thành trợ lý cho Tổng Tham mưu trưởng quân đội Trung Quốc và được thăng Phó Tổng Tham mưu trưởng vào năm 2009. Trong năm 2013, ông Tôn được bổ nhiệm là người đứng đầu Viện Chiến lược Quốc tế Trung Quốc chuyên về tình báo quân sự và ngoại giao.

Về cấp bậc, ông Tôn Kiến Quốc là Chuẩn Đô đốc vào năm 1999, Phó Đô đốc trong tháng 7.2006, và trở thành Đô đốc vào tháng 5.2011. Ông Tôn Kiến Quốc cũng là thành viên chính thức của Ủy ban Trung ương lần thứ 18.

Ông Tôn Kiến Quốc được cử làm đại diện cho phái đoàn Trung Quốc hai năm liên tiếp tại Đối thoại Shangri-La 14 và Shangri-La 15.

Ông Tôn được giới học giả và truyền thông Trung Quốc dự đoán sẽ trở thành chỉ huy hải quân tiếp theo của Trung Quốc trong năm 2017. Theo đánh giá, ông Tôn là người kinh nghiệm quân sự và kinh nghiệm chính trị lão luyện. Tuy nhiên, ông Tôn sẽ bước sang tuổi 65, độ tuổi nghỉ hưu vào tháng 2.2017. Nhưng nhiều dự đoán vẫn cho rằng, có khả năng, ông Tôn sẽ được giữ lại. Cha của ông Tôn từng là bí thư quận ủy của một quận ở Chiết Giang.

Vẻ mặt đăm đăm tại Shangri-La 14...


Quay trở lại với vai trò của trưởng đoàn Trung Quốc tại Shangri-La, khác với thái độ hung hăng, ngạo mạn và trơ tráo như năm ngoái, đoàn Trung Quốc, dưới sự dẫn dắt Tôn Kiến Quốc đã có những chiêu trò mới, không còn gay gắt, song dùng mọi thủ đoạn để né tránh các vấn đề trực tiếp nhằm vào mình.

Dư luận vẫn chưa quên hình ảnh Đô đốc Tôn Kiến Quốc phản ứng gay gắt trên diễn đàn Shangri-La năm 2015i, khi cộng đồng quốc tế lên tiếng chỉ trích và vạch ra những hành động sai trái của Bắc Kinh trên Biển Đông.

Lúc đó, các đại biểu dự Đối thoại Shangri-La đều cảm thấy là sự thất vọng trước thái độ của Trung Quốc. Đại diện của Trung Quốc đến dự đối thoại dường như chỉ với mục đích chính là đọc bài phát biểu được soạn thảo sẵn mà không thèm quan tâm các cử tọa muốn nghe điều gì. Giới quan sát đã ví hình ảnh của những đại diện Trung Quốc là dùng “mũ ni che tai” tại Shangri-La. Ông Tôn Kiến Quốc năm 2015 chủ yếu sử dụng các mỹ từ kiểu như Trung Quốc cam kết thúc đẩy hợp tác đôi bên cùng có lợi và xây dựng một mô hình quan hệ quốc tế kiểu mới, phù hợp với nhu cầu an ninh và phát triển của tất cả các quốc gia.

Nực cười nhất là việc Đô đốc Tôn Kiến Quốc nói rằng ông đã trả lời cho những câu hỏi đó trong phát biểu của mình. Một cử tọa tham dự phiên đối thoại Shangri-La 14 đã mỉa mai rằng vị đô đốc người Trung Quốc này rất giỏi, đặc biệt là có tài…đoán trước tương lai. Sau Shangri-la 14, hình ảnh về một Trung Quốc hung hăng, ngạo mạn lại do chính những đại diện của Trung Quốc tô đậm hơn trong mắt dư luận thế giới.

Năm nay, ban đầu giới phân tích đã dự đoán một không khí căng thẳng bao trùm hội nghị, bởi những tranh luận gay gắt giữa Mỹ- Trung về vấn đề Biển Đông.

....và sự thân thiện bất ngờ tại Shangri-La 15.


Tuy nhiên, lần này, khả năng diễn xuất của ông Tôn Kiến Quốc đã khác. Ngay từ khi chưa bước vào phiên thảo luận chính, Tôn Kiến Quốc đã có những cuộc gặp riêng rẽ bên lề với thái độ mềm mỏng. Ông Tôn thậm chí còn biết nói bông đùa và hỏi han đến cả vấn đề sức khỏe, tuổi tác của những người đồng cấp khác- một động thái hoàn toàn trái ngược với kiểu hậm hực, tức tối của 1 năm trước đó.

Với giọng điệu hòa hoãn, Đô đốc Tôn Kiến Quốc đã tự dựng cho mình hình ảnh của một nhà ngoại giao quân sự dày dạn trong môi trường đối đầu của Đối thoại Shangri-La. Nhưng thực chất, bản chất của Trung Quốc không thay đổi trong vấn đề Biển Đông. Trung Quốc dùng đủ kiểu để né tránh bị vạch tội như tiếp tục kể công trạng của Trung Quốc trong việc đóng góp cho nền hòa bình thế giới như đưa binh sĩ tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình, cứu trợ nhân đạo và cứu hộ, cứu nạn… Nhưng giới quan sát và những đại diện của các đoàn tham dự đều cho rằng, dù dùng chiêu trò gì, những hành động của Trung Quốc ở Biển Đông đang đi ngược lại với luật pháp quốc tế và Bắc Kinh cần phải tuân thủ đúng luật, không gây căng thẳng trên Biển Đông.

Và bản thân ông Tôn Kiến Quốc, dù là một nhà ngoại giao quân sự, hay một diễn viên tài ba, thì bản chất và âm mưu của Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông cũng khó lòng mà che đậy được.

Tác giả bài viết: Thanh Minh

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP