Giáo dục

Trường CĐ Sư phạm xin dạy tiểu học: Vì đâu nên nỗi?

Nhiều năm liền không tuyển được sinh viên nên trường Cao đẳng Sư phạm Quảng Trị xin dây học sinh liên cấp từ Tiểu học đến THPT.

Vướng luật nên không có sinh viên?

Ngày 26/8/2019, thông tin với Đất Việt, đại diện trường Cao đẳng Sư phạm Quảng Trị xác nhận, đơn vị đang làm đề án trở thành trường liên cấp, đào tào từ bậc Tiểu học đến THPT. Nguyên nhân đưa ra là do trong nhiều năm liền, trường không tuyển sinh đủ số sinh viên tối thiểu, trong khi cơ sở vật chất đầy đủ, nguồn giảng viên dồi dào nhưng lại không sử dụng hết.

"Năm học 2019-2020 này, đợt 1 nhà trường chỉ tuyển được 34 sinh viên. Trong đó, 30 sinh viên học ngành sư phạm mầm non, 4 sinh viên còn lại chia cho 4 ngành gồm sư phạm âm nhạc, tiếng Anh, giáo dục công dân, giáo dục tiểu học. Các ngành còn lại như sư phạm tin học, mỹ thuật, lịch sử, vật lý, sinh học, kế toán, quản trị văn phòng … đều không tuyển được sinh viên" - thông tin từ trường Cao đẳng Sư phạm Quảng Trị cho biết.

Trường Cao đẳng Sư phạm Quảng Trị vắng bóng sinh viên trong những năm gần đây.

Nguyên nhân được Trường Cao đẳng Sư phạm đưa ra là do vướng Luật Giáo dục sẽ bắt đầu thực hiện từ năm 2020, khi các trường Cao đẳng Sư phạm sẽ không được đào tạo sinh viên nữa. Chính vì thế, lượng sinh viên vào trường hàng năm ít đi.

Trong khi đó, Trường Cao đẳng Sư phạm Quảng Trị hiện có 10 tiến sĩ, 72 thạc sĩ và hàng chục chuyên viên khác.

"Nguồn lực này nếu không được sử dụng sẽ rất lãng phí. Bên cạnh đó, việc không tuyển sinh được nhân viên khiến trường không có thêm nguồn thu, cuộc sống của các giảng viên cũng rất khó khăn nên phải chuyển đổi mô hình đào tạo để thích nghi, tận dụng cơ sở vật chất hiện có tài trường" - đại diện Trường Cao đẳng Sư phạm Quảng Trị cho biết.

Theo vị này, đây không phải là hiện tượng riêng của Trường Cao đẳng Sư phạm Quảng Trị mà là vấn đề chung của các trường Cao đẳng Sư phạm trên cả nước sau khi có Luật Giáo dục mới ban hành.

Về việc trường Cao đẳng Sư phạm Quảng Trị xin đào tạo học sinh liên cấp từ Tiểu học đến THPT, ông Hoàng Nam - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị cho biết: "Hiện tỉnh đã thống nhất chủ trương cho trường chuyển đổi giảng dạy. Mặc dù vậy, việc đào tạo nguồn nhân lực sự phạm của trường vẫn cố gắng duy trì để chờ cơ chế mới từ Bộ và Trung ương".

Theo ông Nam, đây cũng là hệ quả của quy định mới mà Bộ GD&ĐT ban hành, bắt đầu có hiệu lực từ năm 2020 khi các trường Cao đẳng Sư phạm không được tuyển sinh, đào tạo một số ngành.

Các giảng đường của trường Cao đẳng Sư phạm Quảng Trị chỉ có dưới 10 sinh viên.


Điều vô lý!

Trao đổi với Đất Việt, PGS.TS Trần Xuân Nhĩ - nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT cho rằng, hiện nay Bộ GD&ĐT muốn dồn sinh viên sư phạm vào các trường Đại học để đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Tuy nhiên, điều này hết sức vô lý bởi những trường cao đẳng sư phạm trước đây đã được phê duyệt, thẩm định chất lượng thì nay phải để cho các trường được tuyển sinh và sinh viên tự được lựa chọn cơ sở đào tạo cho nghề nghiệp tương lai của mình.

"Việc dồn sinh viên sư phạm đào tạo tại các trường Đại học dễ dẫn đến việc nơi thừa, nơi thiếu nhân lực giáo viên trong tương lai. Theo tôi, nên giao rõ nhiệm vụ cho các trường cao đẳng sư phạm sẽ đào tạo nguồn giáo viên dậy từ cấp THCS trở xuống.

Bên cạnh đó, việc đào tạo ngành sư phạm trong tương lai cũng giống như đào tạo công an, quân đội khi nhận đơn đặt hàng theo chỉ tiêu của từng địa phương. Các địa phương đặt ra chỉ tiêu bao nhiêu thì Bộ GD&ĐT cân nhắc, giao cho các trường đào tạo sư phạm bằng ấy để tránh tình trạng đào tạo phổ biến rồi sinh viên sư phạm ra không có việc làm, càng khiến cho ngành này bị tác động, không nhiều học sinh lựa chọn theo học ngành sư phạm" - PGS.TS Trần Xuân Nhĩ nêu quan điểm.

Tuy nhiên, ông Nhĩ cho rằng để thay đổi được điều này thì cần phải thay đổi cơ chế và phải mất thời gian dài chứ không thể thực hiện trong vài ba năm.

"Trong những năm thay đổi cơ chế, Bộ GD&ĐT và lãnh đạo các địa phương cũng nên tạo điều kiện để các trường cao đẳng sư phạm mở trường, đào tạo cấp học sinh tiểu học đến THPT. Đó như là mô hình đào tạo khép kín, thậm chí, học sinh sau khi học sinh tốt nghiệp ở đó có thể học lên cấp trung cấp, cao đẳng. Như thế tránh lãng phí cơ sở vật chất, nguồn nhân lực trình độ cao" - PGS.TS Trần Xuân Nhĩ bày tỏ.

Tác giả: Vân Nam

Nguồn tin: Báo Đất Việt

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP