Thể thao

Trưởng Ban trọng tài Dương Văn Hiền: 'Nhiều cầu thủ V-League lười học luật bóng đá mới'

Trưởng Ban trọng tài Dương Văn Hiền khẳng định có không ít cầu thủ tại các CLB V-League lười học, xem thường việc lắng nghe việc phổ biến luật bóng đá mới.

"Ban trọng tài đã đến tất cả các CLB để phổ biến điều luật. Các cầu thủ, ban huấn luyện,... đều được ngồi nghe phổ biến luật. Các cầu thủ ngoại hoặc HLV nước ngoài rất chăm học luật, nhưng bên cạnh đó còn nhiều cầu thủ nội lơi là việc học. Rất buồn là tình trạng này khó kiểm soát.

Khi chúng tôi đến phổ biến nội dung, nhiều cầu thủ nội xem thường việc tiếp thu luật bóng đá, điều đó là không tốt. Luật bóng đá mới hướng chúng ta đến những cái tốt hơn, để có những trận đấu hay hơn, nhưng đây là vấn đề ý thức của CLB, cầu thủ. Chúng tôi cũng không có cách nào khác", trưởng Ban Trọng tài Dương Văn Hiền chia sẻ trong buổi phổ biến gặp mặt giữa VFF với cơ quan truyền thông để cập nhật các nội dung thay đổi trong Luật Bóng đá.

Trưởng Ban Trọng tài Dương Văn Hiền.

Do các thay đổi trong luật Bóng đá của FIFA diễn ra khi mùa giải V-League 2019 đã khởi tranh, nên phải đến mùa giải 2020, các điều luật mới được đưa vào áp dụng.

Nổi bật có điều luật liên quan đến những tình huống nhạy cảm trong bóng đá như bóng chạm tay, bóng chạm trọng tài, thổi phạt HLV hay vị trí của thủ môn trong các tình huống cản phá phạt đền.

Trong buổi trao đổi, giảng viên trọng tài Đặng Thanh Hạ cũng cho rằng: ngay cả khi nắm rõ luật, trọng tài cũng rất khó nhận định đúng những tình huống khó, nhạy cảm trên sân như để bóng chạm tay.

Đơn cử những tình huống bóng chạm vào cánh tay cầu thủ không ở vị trí tự nhiên (cố tình dang tay xa hơn vai), nếu cầu thủ chủ động chơi bóng trước khi bóng chạm tay, trọng tài sẽ không thổi phạt đền. Tuy nhiên, nhiều pha bóng cần phải quay chậm mới biết có cầu thủ có chủ động chơi bóng hay không.

Ở trên sân, trọng tài có rất ít thời gian ra quyết định, lại đối diện với nhiều áp lực từ cầu thủ, CĐV nên đôi khi khó nhận định đúng.

Do đó, việc học, hiểu luật bóng đá mới với những điều mục thay đổi là cần thiết với không chỉ trọng tài, mà còn là các cầu thủ. Khi cầu thủ hiểu luật, những tình huống tranh cãi không đáng có sẽ bị hạn chế. Cầu thủ cũng cần ý thức việc hiểu luật để nâng cao hiệu quả thi đấu. Tuy nhiên, không nhiều cầu thủ nội ý thức được điều này.

Giảng viên Đặng Thanh Hạ.

Trong buổi gặp mặt, ông Hiền cũng khẳng định: Ban Trọng tài nỗ lực đào tạo, nâng cao chất lượng đội ngũ trọng tài Việt Nam để ngày càng nhiều trọng tài đạt chuẩn elite, đồng thời điều hành trận đấu công bằng, chuẩn mực, khách quan hơn.

"Ban trọng tài có lộ trình phát triển trọng tài FIFA. Mỗi năm chúng tôi đều cử ra những trọng tài đủ tiêu chí cho FIFA kiểm tra.

Năm rồi, chúng ta mất 3 trọng tài FIFA vì những lý do liên quan đến sức khoẻ, chuyên môn, nên số lượng trọng tài FIFA còn hạn chế. Ban trọng tài vẫn đặt mục tiêu đào tạo lớp trọng tài kế thừa để đáp ứng tiêu chí của FIFA", ông Hiền khẳng định.

Theo ông Dương Văn Hiền, Ban trọng tài vẫn áp dụng cơ chế lên/xuống hạng thường xuyên cho các trọng tài. "Có khoảng 10 trọng tài, trợ lý trọng tài mới được đôn lên. Chúng tôi có công tác lên/xuống hạng trọng tài, ai làm tốt được đôn lên, ai không làm được thì đẩy xuống", ông Hiền khẳng định.

Một số điều luật thay đổi trong Luật bóng đá áp dụng ở V-League 2020.

Triết lý và mục đích

- Cải thiện hành vi cầu thủ, gia tăng sự tôn trọng

- Tăng thời gian bóng trong cuộc

- Gia tăng tính công bằng và sự hấp dẫn

Thay đổi cụ thể

1. Cầu thủ bị thay ra phải rời sân ở điểm gần nhất, trừ khi:

Cầu thủ có thể rời nhanh chóng ở điểm giữa.

Vấn đề an toàn/an ninh.

Cầu thủ bị thay ra gặp chấn thương.

2. Trọng tài có quyền cảnh cáo hoặc rút thẻ vàng, thẻ đỏ, nhắc nhở cho quan chức đội bóng (những người được đăng ký ngồi khu vực kỹ thuật như HLV trưởng, HLV phó, bác sĩ).

3. Đá phạt trong khu phạt đền của đội phòng ngự: không cần bóng ra khỏi 16m50, trận đấu vẫn tiếp tục. Bóng trong cuộc khi nó được đá, di chuyển rõ ràng.

4. Nếu bóng trúng trọng tài mà quyền kiểm soát thay đổi cho đội còn lại, bóng vào gôn, hoặc bắt đầu pha tấn công triển vọng cho đội không kiểm soát bóng trước đó: bóng sẽ được tính là ngoài cuộc, thả bóng chạm đất tại vị trí bóng trúng trọng tài.

5. Phạt lỗi: nếu đội bị phạm lỗi có cơ hội đá phạt nhanh, trọng tài có thể cho trận đấu tiếp tục, rút thẻ sau, với điều kiện khi quy trình xử phạt chưa bắt đầu.

6. Đá phạt hàng rào: khi có từ 3 cầu thủ phòng ngự trở lên tạo thành hàng rào, các cầu thủ tấn công phải đứng cách hàng rào ít nhất 1m.

7. Khi cản phạt đền: thủ môn cần đặt chân vạch, hoặc thủ môn bay người có chân trên không chiếu xuống vạch.

8. Lỗi dùng tay chơi bóng

Bóng đá không chấp nhận bàn thắng ghi trực tiếp từ tay.

Một cầu thủ đoạt được/kiểm soát bóng từ tay và sau đó tạo cơ hội ghi bàn, bàn thắng không được công nhận.

Vị trí cánh tay/bàn tay có làm cơ thể lớn hơn bình thường không, khi giơ tay vươn xa hơn vai,... đặt cánh tay vào vị trí không tự nhiên, thì được tính là lỗi (trừ khi anh ta chủ động chơi bóng).

Cầu thủ sẽ phạm lỗi nếu cố tình chạm tay/cánh tay vào bóng bằng cách hướng tay/cánh tay tới bóng, hoặc kiểm soát bóng sau khi bóng chạm tay tạo cơ hội ghi bàn.

Nếu bóng chạm tay khi bật từ người cầu thủ hoặc người cầu thủ gần đó, pha bóng đó không tính không lỗi.

Tác giả: HỒNG NAM

Nguồn tin: Báo VTC News

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP