Thế giới

Trung Quốc 'tiếp tục tạo nên điều thần kỳ'

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hôm qua nói kinh tế nước này sẽ tiếp tục tạo nên “những điều thần kỳ”, nhưng ông không đưa ra chính sách cụ thể nào như kỳ vọng của giới quan sát và đầu tư, theo tường thuật của Reuters.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình phát biểu hôm 18/12 ảnh: Jason Lee

“Không ai ở thế có thể ra lệnh cho người dân Trung Quốc phải làm hoặc không làm gì”, ông Tập nói trong bài phát biểu với nhiều từ ngữ mạnh mẽ nhân dịp kỷ niệm 40 năm mở cửa kinh tế Trung Quốc.“Chúng ta phải kiên quyết cải cách những thứ cần và có thể thay đổi, chúng ta phải kiên quyết không cải cách những thứ không nên và không thể thay đổi”, ông Tập nói.

Trung Quốc đang ở thời điểm bước ngoặt, sau 4 thập kỷ tăng trưởng mạnh mẽ để trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Ngày 18/12/1978, nhà lãnh đạo Trung Quốc hồi đó là Đặng Tiểu Bình đã có bài phát biểu chính thức mở màn cho giai đoạn đưa Trung Quốc từ một nền kinh tế mệnh lệnh kiểu cũ sang nền kinh kế thị trường, hay “chủ nghĩa xã hội với bản sắc Trung Quốc”.

Giờ đây, các lãnh đạo Trung Quốc đang phải dẫn dắt đất nước trong hoàn cảnh kinh tế tăng trưởng chậm lại, đối đầu thương mại với Mỹ và nhiều chỉ trích quốc tế. Giới quan sát kỳ vọng ông Tập trong bài phát biểu này sẽ đưa ra đường lối mới hoặc chính sách cải cách cần thiết để giúp khôi phục tăng trưởng kinh tế đang chịu sức ép của nợ nần, tiêu dùng ít đi và khu vực kinh tế nhà nước chiếm ưu thế.

Tuy nhiên, bài phát biểu của ông Tập tập trung vào quyền lãnh đạo tuyệt đối của đảng và những thành tựu đạt được.

“Tem gạo, tem quần áo, tem thịt, tem cá, tem dầu, tem đậu phụ, tem phiếu hàng công nghiệp và những giấy tờ khác mà người dân một thời không thể sống thiếu giờ đã được đưa vào bảo tàng... Nỗi khổ vì đói, thiếu ăn và thiếu mặc, và những khó khăn đã làm khổ dân ta trong hàng ngàn năm qua giờ nhìn chung đã không còn và không trở lại”, ông nói.

Tuy nhiên, ông Tập không nêu ra chính sách cụ thể nào. “Chủ tịch Tập đã hùng biện dài và thiếu chi tiết”, Guardian dẫn đánh giá của ông Tom Rafferty, quản lý khu vực của Economist Intelligence Unit, một công ty của Anh chuyên cung cấp dịch vụ tư vấn và dự báo. “Sẽ có cảm giác thất vọng trong cả giới đầu tư trong nước và quốc tế, rằng ông Tập không đưa ra tín hiệu rõ ràng hơn về phương hướng cải cách kinh tế trong tương lai, vào thời điểm mà cam kết của chính phủ Trung Quốc đối với tự do hóa thị trường bị đánh giá là yếu đi”, ông Rafferty nói.

Các ý kiến chỉ trích cho rằng chính trị đang át đi những cải cách cần thiết trong bối cảnh khó khăn kinh tế của Trung Quốc đang gây thách thức cho vai trò lãnh đạo của ông Tập, trong bối cảnh ông đã tập trung quyền lực nhanh hơn bất kỳ người tiền nhiệm nào.

Những ý kiến phản đối khác cho rằng chính sách ngoại giao và công nghiệp quyết liệt của ông Tập đã đẩy Trung Quốc vào thế đối đầu với Mỹ một cách không cần thiết và đảo ngược chính sách “giấu mình chờ thời” mà nước này từng theo đuổi trong một thời gian dài.

Tác giả: BÌNH GIANG

Nguồn tin: Báo Tiền Phong

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP