Kinh tế

Trung Nguyên ra sao sau các phương án phân chia tài sản?

Chìa khóa quản lý Trung Nguyên nằm ở tỷ lệ sở hữu tại Trung Nguyên Investment khi doanh nghiệp này nắm 70% cổ phần Trung Nguyên Group và có thể chi phối mọi hoạt động tại đây.

Tại phiên tòa, các tài sản chung của 2 vợ chồng lãnh đạo Trung Nguyên, ông Đặng Lê Nguyên Vũ và bà Lê Hoàng Diệp Thảo đã hé lộ. Tuy nhiên, việc phân chia khối tài sản về sở hữu doanh nghiệp vẫn là điểm mấu chốt, quyết định số phận Trung Nguyên.

Tài sản tranh chấp gồm những gì?

Tài sản tranh chấp giữa vợ chồng ông chủ cà phê Trung Nguyên là 26 bất động sản nhưng cả hai thống nhất tranh chấp 13 trong số đó, vì những tài sản này đủ điều kiện pháp lý để tòa xử.

Hiện ông Vũ đang nắm giữ 6 bất động sản trị giá khoảng 350 tỷ đồng; bà Thảo đang nắm giữ 7 bất động sản trị giá khoảng 375 tỷ đồng.

Về tiền mặt, ngoại tệ, vàng trong các ngân hàng tương đương hơn 2.000 tỷ đồng.

Ngoài ra, tài sản còn có cổ phần, phần vốn góp của vợ chồng trong 7 công ty thuộc Tập đoàn Trung Nguyên gồm: Công ty CP Đầu tư Trung Nguyên (Trung Nguyên Investment), Công ty CP Tập đoàn Trung Nguyên, Công ty CP Cà phê Trung Nguyên, Công ty CP Hòa tan Trung Nguyên, Công ty CP Trung Nguyên Franchise, Công ty TNHH Đầu tư du lịch Đặng Lê, Công ty TNHH Vũ Nguyên Đắk Nông.

Tất cả cổ phần, dự án bất động sản, nhà máy của doanh nghiệp dựa trên kết quả thẩm định của công ty thẩm định tài sản do tòa trưng cầu có trị giá 5.654 tỷ đồng.

Như vậy theo số liệu thẩm định thì tài sản tranh chấp của 2 vợ chồng lãnh đạo Trung Nguyên có tổng trị giá gần 8.400 tỷ đồng.

Ông Đặng Lê Nguyên Vũ muốn chia theo tỷ lệ 7:3, trong đó ông nắm phần chính. Ảnh: Trương Khởi.

Phương án chia tài sản của ông Vũ và bà Thảo có gì khác nhau?

Luật sư đại diện cho ông Vũ đề xuất phương án với bất động sản không có sự thay đổi về quản lý so với hiện tại.

Với tiền mặt, vàng và ngoại tệ tại ngân hàng cũng như cổ phần tại các doanh nghiệp, ông Vũ muốn hưởng 70% và chia bà Thảo 30%.

Phản đối tỷ lệ chia 7:3, bà Thảo cho rằng việc phân chia tài sản hiện vật theo tỷ lệ này là không có căn cứ pháp luật.

Đại diện của bà Thảo đề nghị chia cho bà Thảo 51% cổ phần trong Công ty cổ phần đầu tư Trung Nguyên, 15% trong Tập đoàn Trung Nguyên và sở hữu căn nhà trên đường Tú Xương.

Vì sao cổ phần tại Trung Nguyên Investment lại quan trọng?
Luật sư Nguyễn Thanh Hà, Giám đốc công ty luật SBlaw đánh giá, đây không chỉ dừng lại về vấn đề hôn nhân mà quan trọng hơn là nảy sinh những tranh chấp về tài sản và quyền điều hành, quản lý doanh nghiệp.

Tập đoàn Trung Nguyên hoạt động trên nhiều lĩnh vực như kinh doanh cà phê, bán lẻ, nhượng quyền thương hiệu, du lịch và bất động sản. Trong đó công ty cổ phần Tập đoàn Trung Nguyên (Trung Nguyên Group) có vốn điều lệ 1.500 tỷ đồng chi phối hầu hết doanh nghiệp còn lại.

Tuy nhiên chìa khóa quản lý Trung Nguyên nằm ở tỷ lệ sở hữu tại Công ty CP Đầu tư Trung Nguyên (Trung Nguyên Investment) khi doanh nghiệp này nắm 70% cổ phần Trung Nguyên Group và có thể chi phối mọi hoạt động tại đây.

Việc nắm giữ 51% cổ phần sẽ giúp nắm quyền chi phối quyết định các hoạt động của Trung Nguyên Investment, và qua đó chi phối cả Trung Nguyên Group và các công ty con khác.

Cơ cấu sở hữu tại Trung Nguyên Investment sẽ thay đổi ra sao nếu ly hôn?

Cơ cấu sở hữu hiện nay tại Trung Nguyên Investment gồm ông Đặng Lê Nguyên Vũ đang nắm giữ 61,66%, bà Lê Hoàng Diệp Thảo nắm 30%, mẹ ông Vũ - bà Lê Thị Ước - nắm 6,68% và một cá nhân ẩn danh khác nắm giữ 1,66%. Cơ cấu sở hữu này được hình thành sau khi ông Đặng Mơ (bố ông Vũ) mất.

Loại trừ số cổ phần 1,66% ông Vũ kế thừa từ bố, số tài sản chung của hai vợ chồng tại Trung Nguyên Investment là 90% (gồm 60% của ông Vũ và 30% của bà Thảo). Số tài sản này sẽ được chia theo quyết định tại tòa. Tỷ lệ sở hữu của mẹ ông Vũ và cổ đông còn lại không bị ảnh hưởng bởi cuộc ly hôn, vẫn lần lượt là 6,68% và 1,66%.

Theo phương án của ông Vũ, sau ly hôn, ông sẽ sở hữu 64,66% Trung Nguyên Investment (bao gồm 1,66% cổ phần là tài sản riêng được thừa kế), và bà Thảo chỉ còn 27%, thấp hơn tỷ lệ sở hữu hiện tại.

Theo phương án của bà Thảo, sau ly hôn, ông Vũ sẽ chỉ còn nắm 40.66%.

Một phương án thường được lựa chọn trong ly hôn là chia đôi 50/50 tài sản chung. Nếu như vậy, ông Vũ sẽ có 46,66% và bà Thảo chỉ nắm 45% cổ phần tại Trung Nguyên.

Điều hành Trung Nguyên sẽ tác động thế nào?

Trong trường hợp theo phương án của bà Thảo, như đã nói, bà sẽ nắm quyền chi phối quyết định các hoạt động của Trung Nguyên Investment, và qua đó chi phối cả Trung Nguyên Group và các công ty con khác.

Còn nếu theo phương án 50/50, ngay cả được sự ủng hộ của cổ đông ẩn danh, bà Thảo cũng chỉ nắm tối đa 46,66% cổ phần tại Trung Nguyên Investment. Ông Vũ và người thân (mẹ ông) nắm tối thiểu 53,34% cổ phần. Như vậy, ông Vũ sẽ vẫn là người nắm quyền kiểm soát tại doanh nghiệp chìa khóa, quyết định vận mệnh của Trung Nguyên, với sự hỗ trợ từ mẹ.

Ai điều hành Trung Nguyên rất có thể sẽ được phân định bởi tòa.

Tuy nhiên, kịch bản chia đôi tài sản sau ly hôn giúp số cổ phần của bà Thảo vượt quá mốc quan trọng 35% ở Trung Nguyên Investment. Căn cứ Luật Doanh nghiệp 2014, với việc sở hữu trên 35% cổ phần, bà Thảo có quyền phủ quyết một số quyết định quan trọng của ĐHĐCĐ Trung Nguyên Investment.

Trong khi đó tại Trung Nguyên Group (công ty con do Trung Nguyên Investment nắm 70%), hiện tại ông Vũ và bà Thảo nắm lần lượt 30% và 10% cổ phần. Nếu cổ phần ở đây lại được chia đôi, mỗi người sẽ nắm giữ 15%, không làm thay đổi quyền chi phối vì tỷ lệ nắm giữ của Trung Nguyên Investment không đổi.

Đề xuất cấp dưỡng cho con ảnh hưởng ra sao?

Tại tòa, bà Thảo yêu cầu ông Vũ chi 20% cổ phần để hoán đổi tiền cấp dưỡng cho 4 người con.

Trong khi đó, ông Vũ chỉ đồng ý cấp dưỡng cho 4 người con mỗi năm 10 tỷ đồng. Ông khẳng định tài sản làm ra để dành cho con, nhưng từ chối việc chia cổ phần.

Là người giám hộ cho các con, nếu có 20% cổ phần cấp dưỡng, bà Thảo sẽ nắm quyền kiểm soát tuyệt đối tại Trung Nguyên, dù phương án phân chia tài sản chung của 2 vợ chồng như thế nào chăng nữa.

Luật sư Hà nhấn mạnh, quyết định vẫn nằm ở tòa. Tòa án có quyền chỉ ra cách chia để đảm bảo công bằng cho mỗi bên.

Ngay cả phân chia tỷ lệ 50/50 thì quyền điều hành doanh nghiệp cũng chỉ dành cho một người.

"Không có quy định nào 100% phải chia tài sản bằng cổ phần hay cổ phiếu, không ai cấm tòa đưa ra quyết định cho ông Vũ nắm quyền điều hành Trung Nguyên, trả tiền cho bà Thảo hay giao Trung Nguyên về tay bà Lê Hoàng Diệp Thảo và đẩy ông Vũ ra khỏi hoạt động điều hành công ty”, vị này nhấn mạnh.

Số phận Trung Nguyên vẫn chưa thể phân định rõ ràng khi phiên tòa chưa kết thúc.

Tác giả: Bình Nguyên

Nguồn tin: zing.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP