Pháp luật

Trịnh Xuân Thanh còn thiếu ít nhất 91 tỷ đồng tiền thi hành án

Lãnh đạo Tổng cục thi hành án cho rằng, việc thi hành án liên quan Trịnh Xuân Thanh cũng như các vụ án khác đều gặp khó khăn do tiền phải thu hồi lớn nhưng tài sản kê biên được lại nhỏ.

Bị cáo Trịnh Xuân Thanh.

Chiều 2/4, tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Tư pháp, ông Nguyễn Văn Sơn - Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự cho biết: Ông Đinh La Thăng - nguyên Chủ tịch Tập đoàn Dầu khí (PVN) đã bồi thường một phần tài sản theo các bản án liên quan.

Trước đó, ông Thăng bị phạt 30 năm tù, phải bồi thường 830 tỷ đồng trong 4 vụ án. Cụ thể, vụ Ethanol Phú Thọ, ông Thăng phải bồi thường 200 tỷ đồng nhưng do vụ án này đang trong giai đoạn xét xử phúc thẩm nên chưa có hiệu lực, chưa thi hành án.

Trong các vụ án tại Nhiệt điện Thái Bình 2 và OceanBank, ông Đinh La Thăng phải bồi thường 630 tỷ đồng; riêng vụ án tại cao tốc Trung Lương, ông Thăng không phải bồi thường.

Theo ông Nguyễn Văn Sơn, đến nay, ông Đinh La Thăng đã thi hành xong gần 4,5 tỷ đồng. “Đây là tiền thi hành án liên quan ngôi nhà của vợ chồng ông Thăng, tài sản này được chia đôi để thi hành án phần dân sự” - ông Sơn nói.

Trước câu hỏi cựu Chủ tịch PVN còn tài sản nào khác để đảm bảo thi hành án, ông Sơn cho biết các đơn vị sẽ tiếp tục kiểm tra, phát hiện để triệt để thu hồi tài sản thất thoát.

Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất trong vụ việc của ông Thăng nói riêng và công tác thi hành án dân sự nói chung là số tiền cần khắc phục rất lớn nhưng số tài sản xác minh, kê biên được thường không nhiều.

Với bị cáo Trịnh Xuân Thanh – nguyên Chủ tịch Tổng Cty Xây lắp Dầu khí, ông Sơn cho biết: Trịnh Xuân Thanh bị yêu cầu nộp 122 tỷ đồng khắc phục hậu quả trong những vụ án đã có hiệu lực pháp luật.

Tuy nhiên, đến nay phía thi hành án mới thu hồi được 31 tỷ đồng. Hiện Trịnh Xuân Thanh còn thiếu khoảng 91 tỷ đồng. Ngoài ra, trong vụ án tại Ethanol Phú Thọ, ông Thanh tiếp tục bị tòa sơ thẩm yêu cầu bồi thường 143 tỷ đồng nhưng bản án này chưa có hiệu lực.

Về công tác thi hành án nói chung, đại diện Bộ Tư pháp thông tin, trong 5 tháng vừa qua (từ tháng 10/2020 đến hết tháng /2/2021), các cơ quan thi hành án cả nước đã xử lý hơn 178 nghìn trong số hơn 401 nghìn việc, đạt tỉ lệ 44,43%; tương ứng thi hành xong khoảng 19.000 tỷ đồng, đạt tỉ lệ 13,5%.

Bên cạnh đó, Ban cán sự Đảng Bộ Tư pháp đã trình Ban Bí thư Chỉ thị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế.

Tác giả: Xuân Ân

Nguồn tin: Báo Tiền phong

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP