Thế giới

Nữ sát nhân giết hại nhiều người để "đi tìm mảnh ghép hoàn hảo" cho cuộc đời

Lý giải động cơ cho hàng loạt những vụ mưu sát trước đó, Nannie Doss đã thú nhận với cảnh sát: "Tôi chỉ đang trên con đường tìm kiếm người chồng hoàn hảo, một sự lãng mạn thực sự mà tôi cần mà thôi”.

Nannie Doss được biết đến như một người phụ nữ thân thiện và lạc quan. Lúc nào những người xung quanh cũng thấy Nannie xuất hiện với nụ cười đầy ngọt ngào trên môi. Tuy nhiên sau lớp mặt nạ vui vẻ kia là một tên sát nhân hàng loạt máu lạnh và tàn nhẫn. Trong khoảng thời gian từ năm 1920 đến năm 1954, Nannie đã bị cáo buộc giết 5 người chồng cũ và có liên quan đến cái chết của họ hàng người thân.

Nannie sinh ra trong một gia đình nhà nông tại Blue Mounntan, Alabama, Mỹ. Thay vì đến trường như những đứa trẻ khác, Nannie phải ở nhà để phụ giúp cha mẹ việc đồng áng. Năm lên bảy, Nannie có một vết thương nghiêm trọng ở đầu vì ngã xe đạp, và cũng chính vết thương này đã thay đổi cuộc sống cô mãi mãi.

Nannie Doss

Những năm tháng thiếu niên, Nannie thường xuyên mơ về cuộc sống bình dị với người chồng tương lai. Cô ta đọc những cuốn sách lãng mạn hay tiểu thuyết tình yêu như một cách để thoát khỏi thực tại bị bạo hành liên tục bởi người cha vũ phu.

Năm 16 tuổi, Nannie Doss cưới một chàng trai chỉ sau 4 tháng tìm hiểu, Charley Braggs. Từ năm 1921 đến năm 1927, cặp đôi có 4 người con, giữa hai người chưa từng có mâu thuẫn nào. Có lẽ đây sẽ là một cuộc hôn nhân trọn vẹn nếu như họ không cùng chung sống với mẹ của Braggs. Theo lời kể lại, bà mẹ chồng thuộc tuýp người bạo lực giống như cha của Nannie. Dường như đây cũng chính là “công tắc” làm thức giấc con quỷ trong người cô ta.

Mọi chuyện bắt đầu kể từ cái chết của hai người con đầu của Nannie và Charley. Cái chết của hai đứa trẻ vô cùng khó hiểu vì ngày hôm trước hàng xóm còn thấy chúng vui đùa mà hôm sau lại bất ngờ tử vong. Năm 1982, cặp đôi quyết định ly hôn, Braggs nhận nuôi người con lớn hơn còn đứa trẻ mới sinh để lại cho Nannie.

Chỉ sau một năm ly hôn, Nannie nhanh chóng kết hôn với người chồng thứ hai, Frank Harrelson. Hắn ta là một kẻ nghiện rượu và thường xuyên đánh đập người khác khi say xỉn có tiếng ở Jacksonville, Mỹ. Hai người quen nhau qua mục “Trái tim cô đơn” trên tạp chí. Frank thường xuyên viết những bức thư lãng mạn cho cô ta, còn Nannie thì thường xuyên gửi những bức ảnh “tế nhị” cho đối phương.

Nannie chụp ảnh cùng cháu và con gái của mình

Cuộc hôn nhân thứ hai kéo dài 16 năm mặc dù cô thường xuyên bị Frank đánh đập. Trong khoảng thời gian này, Nannie bị nghi ngờ đã giết người cháu ngoại mới sinh của mình bằng một chiếc kim ghim thẳng vào não. Vài tháng sau cái chết của người cháu đầu tiên, cô ta đã tiếp tục sát hại cháu trai thứ hai, Robert bằng cách làm ngạt cậu bé. Chưa dừng lại ở đó, vào một ngày nọ, Frank trở về nhà trong tình trạng say xỉn, đánh đập, ép buộc cô phải đáp ứng mọi nhu cầu của mình. Khoảng 1 tuần sau đó, ngày 15/9/1945, Frank qua đời vì uống phải rượu trộn với thuốc chuột.

Hàng xóm xung quanh đều nghĩ rằng Frank chết vì ngộ độc rượu bởi bình thường hắn ta lúc nào cũng xuất hiện với tình trạng say xỉn. Nannie khi đó được hưởng khoản tiền bảo hiểm từ chồng một cách danh chính ngôn thuận. Cô ta đã mua đất và nhà mới gần khu Jacksonville.

Danh sách nạn nhân của Nannie được bổ sung thêm cái tên Arlie Lanning, người chồng thứ ba. Năm 1952, Arlie chết sau một bữa ăn, các bác sĩ đã kết luận anh ta bị đột tử vì uống quá nhiều rượu.

“Chân ái” tiếp theo mà Nannie tìm thấy là Richard Morton. Khác với những gì Richard thể hiện khi tán cô, hắn là một gã đàn ông trăng hoa và lăng nhăng. Tuy nhiên, Nannie lại không phát hiện ra điều đó vì đang phải bận tâm với những công việc khác.

Năm 1953, mẹ của Nannie, Louisa bị ngã và gãy xương chậu nên đã ngỏ ý muốn một trong số những người con của mình về chăm sóc. Nannie vui vẻ đồng ý nhận trách nhiệm nhưng rồi chỉ sau đó 4 tháng, Louisa bất ngờ qua đời không rõ lý do. Một trong bốn người chị của Nannie cũng không tránh khỏi số phận khi quyết định về nhà thăm Nannie Doss. Sau khi giải quyết hết những vấn đề, Nannie mới có thể chuyên tâm vào cuộc hôn nhân của mình. Lúc này cô ta phát hiện ra bản tính lăng nhăng của Richard. Không lâu sau đó, Richard cũng nhận kết cục giống như những người chồng trước.

Nannie tiếp tục cập bến đỗ thứ năm là Samuel. Anh ta không phải là một kẻ nghiện rượu hay vũ phu nhưng lại vô cùng gia trưởng. Anh ta chỉ cho phép cô đọc tạp chí hoặc xem TV, ngoài ra không được giao tiếp hay bước chân ra khỏi nhà. Đầu tiên Nannie đầu độc chồng mình bằng một chiếc bánh chứa độc nhưng Samuel đã may mắn thoát chết. Tuy nhiên, chỉ một tháng sau đó, Samuel qua đời bởi cốc cà phê buổi sáng. Bác sĩ đã nhận thấy sự bất thường trong cái chết của Samuel vì từ trước đến nay anh ta là một người sinh hoạt vô cùng điều độ cũng không có dấu hiệu bệnh lý nào nguy hiểm. Bác sĩ này đã lừa Nannie trì hoãn việc mang thi thể chồng về hỏa táng để âm thầm khám nghiệm tử thi Samuel.

Nannie và Richard Morton

Trong quá trình khám nghiệm, bác sĩ đã phát hiện một số lượng thạch tín trong dạ dày của Samuel và vội vàng báo cảnh sát. Năm 1954, Nannie Doss bị bắt, kết thúc danh sách tử thần của ả.

Tại cơ quan chức năng, Nanni đã thừa nhận giết 5 người chồng của mình và phủ nhận hoàn toàn về cái chết của những thành viên trong gia đình. Cảnh sát đã khai quật những nạn nhân gần thời điểm đó nhất để tìm thêm bằng chứng. Kết quả trong cơ thể tất cả nạn nhân đều tìm thấy một số lượng thạch tín nhất định. Thạch tín khi đó được cho là chất độc dễ mua cũng như dễ giết người nhất vì không để dấu vết gì đáng nghi. Cơ quan chức năng cáo buộc Nannie đã giết tất cả 12 người.

Nannie đổ lỗi mọi hành vi của mình cho vết thương trên đầu. Từ khi bị ngã, bên tai cô ta luôn có những tiếng nói thúc giục mình giết người. Giới truyền thông khi đó đặt cho nữ sát nhân hàng loạt biệt danh “Giggle Granny” (Người đàn bà hay cười) vì mỗi khi thuật lại quá phạm tội hay hình ảnh người thân quằn quại vì chất độc trong người, Nannie đã cười một cách man rợ đầy phấn khích.

Nannie luôn xuất hiện với nụ cười bất kể là trong phiên tòa hay hỏi cung

Theo lời khai của Nannie, động cơ của cô không phải là vì tính vũ phu, nghiện rượu hay gia trường mà cô ta chỉ muốn “đi tìm mảnh ghép hoàn hảo của mình”. Có lẽ những cuốn tiểu thuyết lãng mạn đã gây ảnh hưởng lên suy nghĩ của người phụ nữ tàn độc này. Nannie cho rằng, mỗi khi cảm thấy chán nản với cuộc hôn nhân, cô ta chỉ cần giết người chồng cũ rồi tiếp tục cuộc hành trình tìm kiếm “sự lãng mạn hoàn hảo” của mình là xong.

Năm 1964, Nannie Doss chết trong tù khi đang thực hiện bản án chung thân.

Tác giả: Han

Nguồn tin: nguoiduatin.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP