Trong tỉnh

Triệu phú đá đỏ và những kiểu chơi ngông khác người

Trong cơn bão đá đỏ, nhiều người đã phải bỏ cả sinh mạng mình nơi rừng thiêng nước độc. Tuy nhiên, cũng có lắm kẻ được thần tài gõ cửa và đổi đời nhờ hồng ngọc. Bỗng dưng sở hữu số tiền quá lớn, họ đã tiêu xài một cách hoang phí, chơi ngông cho thiên hạ lác mắt.

Đón tiếp chúng tôi trong quán cà phê nhỏ ven Quốc lộ 48 của mình, anh Nguyễn Đức Nguyên (SN 1969), trú tại xóm 32, xã Châu Bình, huyện Quỳ Châu, tỉnh Nghệ An, đã hồi tưởng lại và kể cho chúng tôi nghe về ngày tháng “hào hùng” của những lần may mắn tìm được hồng ngọc. Theo đó, khoảng những năm 1991, khi thông tin rộ lên ở xã Châu Bình có nhiều đá đỏ, dòng người từ khắp nơi kéo về đây để tìm vận may. Cùng với thanh niên trai tráng người địa phương, anh Nguyên cũng gia nhập vào đội quân phu đá đỏ. Với dụng cụ như cuốc, xẻng, dao… họ đã nhiều lần xâm nhập đồi Tỷ, đồi Triệu, đồi Cỏ May… để tìm đá hướng tới mơ ước đổi đời.

Chiếc xe máy này từng được mua với cả bao tải tiền.

Sau một lần trúng đá đỏ, anh Nguyên đã mang cả bao tải tiền (lúc bấy giờ tiền giấy mệnh giá 5.000 đồng là lớn nhất) để đi sắm xe máy Sim son, đài Cát sét, đồng hồ SK… và ăn chơi tiêu xài.

Bên tách cà phê một ngày cuối đông, góp thêm câu chuyện về những triệu phú chơi ngông nhờ đá đỏ, anh Phan Văn Dương nhớ lại: “Tôi cùng với nhóm bạn đã từng nhiều lần chui xuống đồi Tỷ, đồi Triệu… đào đá đỏ và trúng hàng trăm triệu đồng. Năm 1989, sau một lần trúng lớn, tôi đã vác cả bao tải tiền xuống TP.Vinh mua một chiếc xe máy nhãn hiệu Sim son với giá 5 triệu đồng”. Nhờ chiếc xe Sim son, đồng hồ SK... thời thượng mà bao cô gái đẹp trong vùng đều đổ gục trước những lời tán tỉnh của các “đại gia” đá đỏ như anh Nguyên và anh Dương.

Đài Cát sét, một món đồ yêu thích của các triệu phú thời bấy giờ.

Một nhân chứng sống khác - người đã từng trực tiếp chứng kiến cảnh huy hoàng rồi suy tàn của thủ phủ đá đỏ Quỳ Châu, đó là ông Lang Thanh Hoài, Trưởng Công an xã Châu Bình. Ông Hoài kể lại: “Năm 1992, lúc này, tôi đang làm Phó Trưởng Công an xã, đây cũng là thời điểm rộ nhất của thủ phủ đá đỏ Quỳ Châu. Mỗi ngày có hàng trăm người dân từ khắp nơi kéo về Quỳ Châu, nằm la liệt tại nhà dân 2 bên Quốc lộ 48 để chờ đêm đến xâm nhập đồi Tỷ, đồi Triệu, đồi Cỏ May… tìm vận may. Khi bị chính quyền và công an truy quét, họ lại kéo nhau vào rừng đóng lán trại bám trụ lại để chờ cơ hội. Dưới chân hòn đá Mồ Côi tại đồi Tỷ có một vỉa đá đỏ lớn nên rất nhiều người dân địa phương và băng nhóm giang hồ đã bất chấp thủ đoạn để tìm cách tranh đoạt, chiếm cứ cho mình”. Cũng theo ông Hoài, thời bấy giờ, chỉ cần đào một xô đất đưa lên khỏi miệng hầm cũng thu về được hàng chục viên rubi màu hồng sáng lấp lánh. Nhờ đá đỏ, hàng chục người dân tại xã Châu Bình xây được nhà, mua xe, ăn chơi trác táng rồi dính vào nghiện ngập ma túy.

Nhà đá rửa của triệu phú đá đỏ thời hoàng kim.

Chỉ tay sang một ngôi nhà cấp 4, đổ mái bằng, phía ngoài được trát bằng một lớp đá trắng to bằng ngón tay (dân địa phương gọi là đá rửa), ông Hoài cho hay, đó là nhà của những “đại gia” đá đỏ ngày xưa. Lúc bấy giờ, cuộc sống của người dân xã Châu Bình còn rất nghèo, lo đủ cái ăn đã khó lấy tiền đâu mà xây nhà. Chỉ những người trúng lớn đá đỏ mới xây được nhà mái bằng với số tiền hàng trăm triệu đồng. Đây được coi là một gia tài lớn mà người thành phố cũng khó có được. Hiện tại, dọc 2 bên Quốc lộ 48, qua địa phận xã Châu Bình có khoảng 30 ngôi nhà cấp 4, đổ mái bằng, ốp bằng đá rửa từ những năm 90 của thế kỷ trước – chủ nhân của chúng là người địa phương sau những lần may mắn trúng hồng ngọc.

Còn tiếp!

Tác giả: NGUYÊN HỒ

Nguồn tin: Báo Người đưa tin

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP