Kinh tế

Tranh cãi: Mỗi người Việt uống 8,3 lít cồn/năm

Bộ Y tế đang đưa ra con số về mức độ tiêu thụ rượu, bia, tại Việt Nam và cho rằng đây mức đáng báo động. Con số này đã gây ra nhiều tranh cãi.

Dự án Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia và đồ uống có cồn khác - do Bộ Y tế soạn thảo - đã được gửi sang Bộ Tư pháp để thẩm định. Bộ Y tế đang đưa ra con số về mức độ tiêu thụ rượu, bia, tại Việt Nam và cho rằng đây mức đáng báo động. Con số này đã gây ra nhiều tranh cãi.

Thiếu căn cứ

Theo Bộ Y tế, về mức độ tiêu thụ rượu, bia, nếu quy đổi ra số lít cồn nguyên chất, thì bình quân một người trên 15 tuổi ở nước ta sử dụng 8,3 lít/năm vào năm 2016. Theo xếp loại của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Việt Nam đứng vị trí 64/194 quốc gia.

Nếu tính riêng nam giới trên 15 tuổi có sử dụng rượu, bia thì bình quân một người tiêu thụ trung bình khoảng 27,4 lít cồn nguyên chất vào năm 2010. Mức tiêu thụ này là rất cao, xếp thứ 2 trong các nước Đông Nam Á và Tây Thái Bình Dương, xếp thứ 10 châu Á và thứ 29 thế giới.

Về tác hại của rượu, bia, Bộ Y tế cho rằng: “Sử dụng rượu, bia gây ra những hệ lụy to lớn với sức khỏe, ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của gia đình cùng các hậu quả kinh tế - xã hội trầm trọng, cần phải được kịp thời ngăn chặn”.

Tại Việt Nam, số liệu thống kê chưa đầy đủ cho thấy, rượu, bia và đồ uống có cồn khác là yếu tố gây ra 2,9% số trường hợp tử vong và 2,2% gánh nặng bệnh tật quốc gia trong năm 2008. Năm 2012, 8,3% số trường hợp tử vong cả nước có liên quan đến việc sử dụng rượu bia và đồ uống có cồn khác. Cũng theo Bộ Y tế, tiêu thụ rượu, bia bất kể là nhiều hay ít đều có hại cho sức khỏe.

Nếu phí tổn kinh tế do rượu, bia và đồ uống có cồn khác tại Việt Nam ở mức thấp nhất thế giới (1,3% GDP) thì thiệt hại đã là khoảng gần 65.000 tỷ đồng/năm, gấp trên 1,4 lần mức đóng góp cho ngân sách nhà nước của ngành sản xuất rượu bia, nước giải khát ở Việt Nam năm 2017 (khoảng 50.000 tỷ đồng).

Trước con số này, Hiệp hội Bia Rượu và Nước giải khát Việt Nam (VBA) lại cho rằng có nhiều điểm còn gây tranh cãi.

Theo VBA, dân số Việt Nam năm 2017 vào khoảng 96,5 triệu người. Trong đó, số người từ 15 tuổi trở lên chiếm 70%, tính ra khoảng 72,3 triệu người. Theo số liệu của Bộ Công Thương, năm 2017, cả nước tiêu thụ 4 tỷ lít bia với nồng độ cồn 5% và 310 triệu lít rượu các loại, nồng độ cồn 35%, tính ra lượng cồn nguyên chất là 308.500.000 lít. Nếu chia đều cho tổng số dân là 3,2 lít/người/năm, còn chia cho số người từ 15 tuổi trở lên là 4,26 lít/người/năm.

Bộ Y tế trích dẫn: số liệu Báo cáo của WHO nêu mức tiêu thụ bình quân của nam giới Việt Nam tới 27,4 lít cồn nguyên chất năm 2010. Tuy nhiên, theo số liệu thống kê, năm 2010 dân số Việt Nam khoảng 87 triệu người, trong đó, nam giới trên 15 tuổi vào khoảng 28 triệu người. Nếu như mỗi nam giới tiêu thụ 27,4 lít cồn nguyên chất, thì tổng lượng cồn nguyên chất là 675 triệu lít. Trong khi đó, năm 2010 sản lượng bia là 2,7 tỷ lít và rượu là 350 triệu lít, nếu quy đổi ra lượng cồn nguyên chất, cũng chỉ có 9,2 lít.

VBA cũng đătj câu hỏi, con số này chưa cập nhật số liệu chính thức từ Tổng cục Thống kê, Bộ Công Thương. Cũng từ đó, VBA cũng đề nghị xem lại con số thiệt hại do sử dụng rượu, bia và đồ uống có cồn khác lên tới 65.000 tỷ đồng, gấp 1,4 lần mức đóng góp cho ngân sách nhà nước của ngành.

Lo lắng tính khả thi

Ý kiến từ nhiều nhà chuyên môn lo lắng về tính khả thi của nhiều điểm trong Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia và đồ uống có cồn khác. Nhất là quy định về khoảng cách giữa các điểm bán rượu, bia và khung giờ cấm bán rượu, bia.

Luật sư Trương Thanh Đức, Công ty Luật Basico, cho biết, theo Quy định bán kính giữa các địa điểm kinh doanh rượu, bia và giữa địa điểm kinh doanh rượu, bia với các địa điểm không được bán rượu bia không nhỏ hơn 200 m (trừ các tuyến phố chuyên kinh doanh ẩm thực du lịch). Quy định này thậm chí còn nghiêm ngặt hơn so với Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá. Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá quy định các điểm bán thuốc lá chỉ giới hạn khoảng cách 100m.

Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long đặt câu hỏi: Khoảng cách bán kính 200 mét giữa các địa điểm kinh doanh rượu, bia được xây dựng trên cơ sở khoa học nào và quy định này sẽ phục vụ mục tiêu kiểm soát tiêu thụ bia, rượu như thế nào?

Quy định về cấm bán rượu, bia vào những giờ nhất định trong ngày có thể khuyến khích việc uống một cách vô trách nhiệm hoặc mua nhiều hơn trước khoảng thời gian bị cấm. Không những thế, nó còn ảnh hưởng lớn đến ngành khách sạn và du lịch, đặc biệt là ở những thành phố, địa phương nơi du lịch là một trong những ngành mũi nhọn phát triển kinh tế.

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng, Chủ tịch Hội đồng thẩm định Dự án Luật, cho rằng, tính khả thi của Dự án Luật còn nhiều điều nghi ngờ, chẳng hạn như rượu thủ công ảnh hưởng đến sức khỏe của người sử dụng thì Luật không đưa ra được giải pháp để kiểm soát; cơ quan nào sẽ thực thi những quy định này?...

Đánh giá về dự Luật này, ông Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, nhận xét, mục tiêu của Luật là khống chế người uống hay khống chế nhà sản xuất? Các số liệu Bộ Y tế đưa ra làm căn cứ lập luận trong Dự thảo Luật rất cũ, chủ yếu từ 2010 về trước, số liệu từ 2011 đến nay rất ít.

Tác giả: Trần Thủy

Nguồn tin: Báo VietNamNet

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP