Xã hội

Trách nhiệm của DN, hậu quả dân chịu!

Hoàn thổ là nghĩa vụ bắt buộc của các doanh nghiệp sau khi kết thúc hoạt động khai thác khoáng sản. Tuy nhiên, ở Nghệ An, việc hoàn thổ sau khai thác vẫn còn ít được các doanh nghiệp quan tâm thực hiện. Điều này không chỉ ảnh hướng trực tiếp đến đời sống của người dân mà còn tác động không nhỏ đến môi trường.

Năm 2007, 8ha đất sản xuất nông nghiệp của người dân xã Châu Thành huyện Quỳ Hợp đã được Công ty cổ phần kim loại màu Nghệ Tĩnh thuê để khai thác khoáng sản. Hàng năm, số tiền công ty bỏ ra để đền bù thời vụ cho người dân trên 200 triệu đồng. Đến nay, sau 5 năm khai thác, Công ty đã tiến hành hoàn thổ được trên 5ha theo đúng quy định, còn khoảng 3ha đang trong quá trình hoàn thổ.

Nhiều diện tích đã hoàn thổ nhưng chưa đúng với hiện trạng ban đầu nên người dân chưa thể sản xuất Nông nghiệp


Theo những hộ dân cho thuê đất ở đây, mặc dù Công ty đã hoàn thổ, nhưng nhiều diện tích chưa đúng với hiện trạng ban đầu nên nhiều người dân chưa đồng tình để nhận lại.

Ông Vi Công Đoàn - Xóm Trung Thành, xã Châu Thành nói: Chúng tôi chưa nhận lại đất sản xuất vì đất của chúng tôi trước đây nằm thấp hơn, nước sản xuất vẫn đưa vào được. Còn đất bây giờ nằm cao quá, nước không vào được.

Ông Nguyễn Ngọc Nam - Phó giám đốc Công ty CP kim loại màu Nghệ Tĩnh cho biết: Về phía công ty để hoàn thổ đất sản xuất cho người dân, chúng tôi đã thuê các cơ quan chức năng đến thẩm định chất đất, lắp đặt hệ thống đường ống dẫn nước. Tuy nhiên, người dân vẫn chưa đồng tình nên chúng tôi đang cố gắng hoàn thành sớm để trả đất cho người dân.

Hiện nay, trên địa bàn huyện Quỳ Hợp có 46 mỏ khoáng sản, chủ yếu là mỏ đá và quặng thiếc. Trong đó, có 10 mỏ hết phép khai thác bắt buộc phải hoàn thổ thì chỉ có 2 mỏ thực hiện đúng quy định. Còn lại 8 mỏ chưa thực hiện việc hoàn thổ làm ảnh hưởng đến cuộc sống của nhiều người dân.

Ông Vi Thanh Tường - Phó chủ tịch UBND huyện Quỳ Hợp cho biết thêm: Hiện Quỳ Hợp cũng có một số doanh nghiệp đã tiến hành hoán thổ. Nhưng qua kiểm tra thực tế, chúng tôi thấy chưa đảm báo đúng quy trình nên chưa đồng ý để hoàn thổ… Chúng tôi tiếp tục giao cho các phòng chức năng đôn thúc các doanh nghiệp đẩy triển khai hoàn thổ đất theo quy định.

Việc chậm hoàn thổ sau khai thác khoáng sản không chỉ ảnh hưởng đến sản xuất NN mà còn ảnh hưởng lớn đến môi trường và đời sống của người dân


Khu vực khai thác đất của doanh nghiệp Xuân Trường có tổng diện tích gần 9ha ở rú Rím, xã Nghi Yên huyện Nghi Lộc. Năm 2014, doanh nghiệp này đã hoành thành việc khai thác đất, nhưng cũng từ đó cho đến nay vẫn chưa tiến hành hoàn thổ, trồng lại cây xanh theo quy định. Trong khi, gần 100 hộ dân của xóm 3 nằm ngay dưới chân rú Rím hàng ngày phải chịu ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất và đời sống dân sinh.

Ông Hoàng Văn Lệ - Người dân xóm 3 xã Nghi Yên - huyện Nghi Lộc bức xúc: Từ khi bỏ hoang mỏ đá này, người dân chúng tôi phải chịu ô nhiễm về bụi nhất là vào những ngày có gió to. Còn vào mùa mưa, đất đá trên rú trôi xuống khiến người dân đi lại khó khăn.

Để công tác cải tạo, phục hồi môi trường của các doanh nghiệp khai thác khoáng sản trên địa bàn Nghệ An được thực hiện đúng quy định, các cơ quan chức năng cần tăng cường công tác thanh, kiểm tra và kiên quyết xử lý đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm theo đúng quy định của luật pháp. Có như vậy, các doanh nghiệp mới thực hiện tốt công tác hoàn thổ để bảo vệ tài nguyên đất không bị mưa lũ rửa trôi và xói mòn.

Tác giả bài viết: Hoàng Hiếu

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP