Kinh tế

Tổng bí thư: Cải cách lương lần này phải thực sự tạo đột phá

Tổng bí thư nhấn mạnh, bảo đảm cho cải cách tiền lương lần này thực sự tạo được sự đột phá trong chế độ phân phối, tạo động lực cho người lao động và nền kinh tế nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh.

Nói về đề án Cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong DN tại hội nghị TƯ 7 khai mạc sáng nay, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cho rằng, chính sách tiền lương là một bộ phận rất quan trọng, có quan hệ chặt chẽ với các chính sách khác trong hệ thống chính sách kinh tế - xã hội.

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng. Ảnh: VGP

Đây cũng là vấn đề liên quan trực tiếp đến các cân đối lớn của nền kinh tế, thị trường lao động và đời sống của người hưởng lương, góp phần xây dựng hệ thống chính trị tinh gọn, trong sạch, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, phòng, chống tham nhũng, lãng phí.

Tổng bí thư cho biết nước ta đã trải qua 4 lần cải cách chính sách tiền lương, vào các năm 1960, 1985, 1993 và 2003. Tiền lương trong khu vực công đã từng bước được cải thiện, nhất là ở những vùng và lĩnh vực đặc biệt khó khăn, góp phần nâng cao đời sống của người hưởng lương; tiền lương trong khu vực DN từng bước được hoàn thiện theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước.

Hàng loạt bất cập

Tổng bí thư lưu ý hàng loạt bất cập trong chính sách tiền lương hiện nay: Thiết kế hệ thống bảng lương chưa phù hợp với vị trí việc làm, chức danh và chức vụ lãnh đạo; Nặng tính bình quân, cào bằng, chưa tạo được động lực để nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả làm việc của người lao động.

Bên cạnh đó, quy định mức lương bằng mức lương cơ sở nhân với hệ số không thể hiện rõ giá trị thực của tiền lương. Việc có quá nhiều loại phụ cấp, nhiều khoản thu nhập ngoài lương do nhiều cơ quan quyết định làm phát sinh nhiều bất hợp lý, không thể hiện rõ thứ bậc hành chính trong hoạt động công vụ; chưa động viên được người có chuyên môn, nghiệp vụ, năng suất lao động cao...

Tiền lương trong các loại hình DN chưa phản ánh đúng quan hệ phân phối theo lao động trong nền kinh tế thị trường, chưa tạo được động lực nâng cao năng suất lao động, thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh. Việc Nhà nước quy định một số nguyên tắc về xây dựng thang, bảng lương đã can thiệp quá sâu vào quyền tự chủ tiền lương của DN; chưa phát huy được vai trò, tác dụng của cơ chế thương lượng, định đoạt tiền lương giữa người sử dụng lao động và người lao động trong quan hệ lao động.

Cơ chế quản lý tiền lương đối với DNNN chưa thực sự gắn tiền lương của người lao động với năng suất lao động và hiệu quả kinh doanh.

"Đã đến lúc chúng ta phải tiến hành cải cách một cách cơ bản chính sách tiền lương để khắc phục những hạn chế, bất cập nêu trên", Tổng bí thư nói.

Thực sự tạo đột phá

Tổng bí thư đề nghị hội nghị nghiên cứu kỹ lưỡng, thảo luận sâu sắc, toàn diện các nội dung, vấn đề nêu trong Đề án và dự thảo Nghị quyết của TƯ. Trong đó, chú ý đánh giá khách quan, khoa học về tình hình và nguyên nhân, bài học kinh nghiệm; phân tích, dự báo bối cảnh tiến hành cải cách lần này, thấy hết những khó khăn, thách thức cũng như thời cơ, thuận lợi mới.

Hội nghị TƯ 7 khai mạc sáng nay. Ảnh: VGP

Theo Tổng bí thư, những kết quả tích cực, khá toàn diện của việc triển khai thực hiện các kết luận của hội nghị TƯ 5, TƯ 7 khoá 11 về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội và ưu đãi người có công, việc triển khai thực hiện Nghị quyết TƯ 6 khoá 12 về tinh gọn bộ máy là những tiền đề rất căn bản để cải cách tiền lương.

Tổng bí thư yêu cầu xác định rõ quan điểm, tư tưởng chỉ đạo, mục tiêu tổng quát và mục tiêu cụ thể cho từng giai đoạn. Đồng thời có chính sách, biện pháp có tính đột phá, khả thi cao để sớm khắc phục những hạn chế, bất cập hiện nay, bảo đảm cho cải cách tiền lương lần này thực sự tạo được sự đột phá trong chế độ phân phối, tạo động lực cho người lao động và nền kinh tế nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh.

Tác giả: Thu Hằng

Nguồn tin: Báo VietNamNet

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP