Pháp luật

Toàn cảnh vụ án giết người "câm nín" đằng đẵng 40 năm: 1 người bị oan, hung thủ thoát tội

Con trai nạn nhân luôn đau đáu vì đã bỏ hàng chục năm đi tìm kẻ giết mẹ mình, nhưng khi thủ phạm bị bắt thì hắn lại thoát tội, do vụ án hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự.

40 năm chưa tìm ra thủ phạm

Tối 31/7/1980, bà Phan Thị Khanh (SN 1954, lúc đó 26 tuổi, ở xã Tân Minh, huyện Hàm Tân, tỉnh Thuận Hải (cũ, nay là xã Tân Phúc, huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận) bị giết. Kẻ thủ ác lấy của nạn nhân 1,6 lượng vàng.

Ngày 1/8/1980, ông Võ Tê (SN 1932, quê Đại Lộc, Quảng Nam, trú thôn 3, xã Tân Minh) bị Công an huyện Hàm Tân khởi tố bị can và ra lệnh bắt tạm giam để điều tra về tội giết người, cướp của.

Ngày 30/12/1980, Phòng cảnh sát hình sự Công an tỉnh Thuận Hải (nay là Bình Thuận) đã ra lệnh tạm tha đối với ông Tê.

Ngày 20/7/1984, cơ quan điều tra ra quyết định tạm kết thúc hồ sơ vụ án.

Năm 1986, Đỗ Thanh An (SN 1974, con ruột nạn nhân Khanh) bắt đầu tìm đến những người hàng xóm đã từng làm đơn tố cáo với công an về nghi can của vụ án, để ghi chép thông tin về kẻ tình nghi giết mẹ mình.

Năm 1990, An viết đơn tố cáo gửi đến cơ quan điều tra. Trong đó, tố đích danh Trương Đình Chi (Trương Đình Khôi). Lúc này, An không biết địa chỉ nơi ở của Chi, bởi hắn đã đưa gia đình đi biệt tăm sau khi vụ án xảy ra chỉ 2 ngày.

Năm 1994, ông Võ Tê qua đời do bạo bệnh, trong khi vẫn mang thân phận bị can.

Ngày 4/4/1999, Công an tỉnh Bình Thuận ra thông báo truy tìm số 206 đối với người mang tên Lê Minh Sơn. Sơn sau đó được xác định có họ tên khác là Trương Đình Khôi, Trương Đình Chi.

Năm 2017, anh An đến văn phòng Bộ Công an phía Nam để gửi đơn tố cáo.Các cán bộ điều tra lấy lời khai của anh, nhưng sự việc cũng chỉ dừng ở đó và "rơi vào im lặng".

Ngày 20/5/2020, anh Võ Ngọc (con trai ông Võ Tê) gửi lá đơn đầu tiên đến các cơ quan tố tụng trung ương và Bình Thuận và một số cơ quan của Quốc hội. Trong đó, đề nghị các cấp có thẩm quyền ra quyết định đình chỉ điều tra đối với ông Võ Tê, để gia đình ông có căn cứ yêu cầu phục hồi uy tín, danh dự, nhân phẩm.

Ngày 10/6/2020, 2 cán bộ Công an tỉnh Bình Thuận mời anh Ngọc lên làm việc. Tuy nhiên, sự việc được "đùn đẩy qua lại", anh Ngọc không nhận được câu trả lời cuối cùng.

Ngày 4/11/2020, Viện KSND huyện Hàm Tân có văn bản thông báo cho anh Ngọc, với nội dung cơ quan này đã hoàn trả toàn bộ tài liệu để Công an tỉnh Bình Thuận xem xét đơn cho phù hợp.

Đối tượng Trương Đình Khôi (còn có tên là Chi, Sơn) trong thông báo truy tìm của công an năm 1999. (Ảnh sử dụng nguồn của Tuổi trẻ)

Tìm ra hung thủ, nhưng hết thời hiệu truy cứu

Ngày 8/3/2021, anh Võ Ngọc đến Công an tỉnh Bình Thuận làm việc, được cán bộ Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bình Thuận hứa sẽ có văn bản trả lời.

Ngày 16/11/2021, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bình Thuận đã ra quyết định phục hồi điều tra vụ án hình sự nêu trên, đồng thời phối hợp với Viện KSND tỉnh Bình Thuận điều tra theo quy định.

Công an đã xác định, Trương Đình Chi (tức Mười Chi, còn có họ tên khác là Trương Đình Khôi và Lê Minh Sơn, SN 1956, trú thôn Bình Thạnh, xã Xuân Bình, thị xã Sông Cầu, Phú Yên) là kẻ sát hại nạn nhân Khanh rồi cướp tài sản. Song, lúc này vụ án xảy ra hơn 41 năm, đã hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự. Khôi thoát tội.

Ngày 26/11/2021, Công an xã Tân Phúc, huyện Hàm Tân gọi điện mời một nhân chứng là ông Huỳnh Cửu Long lên trụ sở làm việc với cán bộ điều tra Công an tỉnh Bình Thuận. Ông Long là người có mặt sớm ở hiện trường nạn nhân Khanh bị giết. Ông biết việc Khôi giàu lên bất thường và đã hướng nghi vấn và tên này.

Ngày 2/12/2021, Công an tỉnh Bình Thuận đã mời anh Đỗ Thanh An lên làm việc. Phía công an đã đề nghị anh An trao đổi về các nội dung tố cáo và căn cứ nào để tố cáo Trương Đình Khôi.

Ngày 8/12/2021, Công an tỉnh Bình Thuận có giấy mời anh Võ Ngọc lên làm việc. Anh tới vào ngày 9/12/2021, được điều tra viên hỏi các tình tiết liên quan vụ án.

Ngày 5/1/2022, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an Bình Thuận có quyết định đình chỉ điều tra bị can với người bị bắt giam oan - ông Võ Tê (đã mất từ năm 1994). Quyết định ghi rõ "hành vi của ông Võ Tê không đủ căn cứ cấu thành tội phạm". Như vậy, 42 năm sau khi vụ án xảy ra, người bị bắt oan mới được đình chỉ bị can.

Ngày 7/2/2022, anh Võ Ngọc đại diện gia đình đã gởi đơn đến Cơ quan CSĐT và VKSND tỉnh Bình Thuận yêu cầu xin lỗi ông Tê vào ngày 16/2/2022. Công an Bình Thuận sau đó thông báo, chưa thể tổ chức buổi xin lỗi công khai vào ngày 16/2, vì phải xin ý kiến của cơ quan có thẩm quyền.

Đầu tháng 2/2022, sau khi nhận được thông báo của Cơ quan điều tra Công an tỉnh Bình Thuận về việc đình chỉ điều tra đối với vụ án do hết thời hiệu, anh Đỗ Thanh An làm đơn khiếu nại quyết định và thông báo này.

Anh An đề nghị thủ trưởng Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bình Thuận và Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Bình Thuận xem xét và hủy bỏ quyết định đình chỉ điều tra vụ án ngày 5/1/2022, khôi phục quyết định khởi tố vụ án và truy tố Trương Đình Khôi.

Đầu tháng 3/2022, luật sư Phan Trung Hoài (người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho gia đình nạn nhân Khanh) có đơn kiến nghị khẩn cấp gửi đến Công an tỉnh Bình Thuận. Luật sư kiến nghị Cơ quan điều tra Công an tỉnh Bình Thuận và VKS tỉnh này xem xét, giải quyết khiếu nại của con trai nạn nhân Khanh, theo hướng yêu cầu hủy bỏ quyết định đình chỉ điều tra vụ án, phục hồi điều tra, khởi tố và bắt tạm giam đối tượng Khôi. Đồng thời làm rõ trách nhiệm cá nhân, cơ quan liên quan; nhanh chóng tổ chức xin lỗi công khai ông Võ Tê, giải quyết các khoản yêu cầu bồi thường thiệt hại.

(Bài có sử dụng nguồn của báo Tuổi trẻ/Pháp luật TP.HCM/Dân trí)

(Tổng hợp)

Tác giả: Tú

Nguồn tin: Doanh nghiệp & Tiếp thị

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP