Pháp luật

Toà đưa cả người chết vào tham gia tố tụng

Dù ông Thủy đã chết trước thời điểm xảy ra vụ kiện tranh chấp đất 3-4 năm trời nhưng thật kỳ lạ khi xét xử, Tòa liên tiếp đưa người đã chết vào tham gia tố tụng với tư cách “người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan”.

Bức xúc vì cho rằng Tòa án các cấp đã vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng, bà Nguyễn Thị Bích Hạnh (xã Đoàn Kết, huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước) đã làm đơn đề nghị xem xét kháng nghị giám đốc thẩm vụ án dân sự “Tranh chấp quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất” giữa nguyên đơn là bà Hạnh và bị đơn là người em chồng, Trần Thị Thọ.

Theo trình bày bà Hạnh,Tòa án các cấp khi tiến hành xét xử đều đưa ông Trần Quang Thuỷ (người đã chết từ năm 2002) vào tham gia tố tụng với tư cách “người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan”, (người liên quan) và sau đó xác định vợ, con của ông Thuỷ là đồng “kế thừa quyền và nghĩa vụ tố tụng”.

Dù chết đã lâu nhưng ông Thủy vẫn được đưa vào tham gia tố tụng

Theo Bộ luật tố tụng dân sự hiện hành, điều kiện để đưa một người tham gia tố tụng đó là họ còn sống tại thời điểm giải quyết vụ án, một khi họ đã chết thì không thể tham gia và toà án không có quyền đưa họ vào tham gia tố tụng cũng như không thể xác định vợ con họ là “người kế thừa quyền và nghĩa vụ tố tụng”.

Theo đơn khởi kiện của bà Hạnh, trước khi định cư tại Mỹ (1995) ông Bùi Bá Thuấn và bà Trần Thị Ly đã tặng cho chồng bà là ông Trần Quang Thuỷ (ông Thủy là em trai bà Ly) hơn 3.000 m2 đất trồng điều. Thời điểm đó, vợ chồng ông Thuấn chưa được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (CNQSDĐ) nên việc cho tặng này chỉ giao dịch bằng miệng.

Sau đó, gia đình bà đã khai hoang mở rộng thêm 1,6 ha phía sau để trồng điều. Sau khi ông Thủy chết, năm 2006 bà Hạnh thực hiện thủ tục xin cấp sổ đối với phần đất này thì được biết diện tích đất trên đã được UBND huyện Bù Đăng cấp cho bà Trần Thị Thọ (bà Thọ là em gái ông Thủy và bà Ly). Vì vậy, bà Hạnh đã làm đơn khởi kiện ra tòa.

Tại phiên sơ thẩm lần 1, bà Thọ đưa ra yêu cầu phản tố yêu cầu phía nguyên đơn là bà Hạnh phải trả lại toàn bộ vườn điều và diện tích 1.9ha đất. Theo bà Thọ trình bày, năm 1990 vợ chồng bà Ly đã làm thủ tục cấp Giấy CNQSDĐ và đến năm 1995, trước khi sang Mỹ, vợ chồng bà Ly đã chuyển nhượng toàn bộ diện tích đất cho bà Thọ và bà Thọ đã được UBND huyện Bù Đăng cấp giấy CNQSDĐ. Cũng theo bà Thọ, do thấy anh trai là ông Thủy bệnh tật, các cháu còn nhỏ dại nên bà đã cho vợ chồng ông Thủy thu hoạch số điều đã được bà Ly trồng trước đó.

Khi bị khởi kiện ra tòa, bà Thọ trưng ra hóa đơn đóng thuế hàng năm và giấy CNQSDĐ. Người có quyền lợi liên quan là ông Thuấn và bà Ly tuy vắng mặt tại tòa nhưng trước đó đã có trình bày trong hồ sơ vụ án rằng mình đã chuyển nhượng toàn bộ nhà đất cho bà Thọ. Đồng thời, vợ chồng bà Ly yêu cầu Tòa buộc bà Hạnh phải trả lại diện tích đất trên cho bà Thọ.

Trước các chứng cớ của bị đơn và vợ chồng bà Ly, TAND tỉnh Bình Phước tuyên bác yêu cầu của phía bà Hạnh, chấp nhận yêu cầu phản tố của phía bị đơn.

Trước quyết định này, bà Hạnh đã kháng cáo và TAND Cấp cao tại TP.HCM đã tuyên huỷ bản án sơ thẩm để xét xử lại với lý vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng, nhiều tình tiết chưa đựợc chứng minh và áp dụng pháp luật chưa chính xác.

Phiên sơ thẩm lần 2, TAND tỉnh Bình Phước tuyên xử phía bà Hạnh được quyền sử dụng hơn 7.000m2 với lý do đây là phần đất khai hoang, còn phía bà Thọ được quyền sử dụng hơn 6.000 m2, trong đó có hơn 3.000m2 đã được cấp giấy chứng nhận trước đó.

Lần này, cả hai bên đều kháng cáo và tháng 9/2016, TAND Cấp cao tại TP.HCM đã bác đơn kháng cáo của nguyên đơn và bị đơn, tuyên y án sơ thẩm.

Tác giả: Đoàn Nga

Nguồn tin: Báo VietNamNet

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP