Pháp luật

Tịnh thất Bồng Lai: 'Chúng tôi sẽ không xét nghiệm ADN, bởi đó là chuyện riêng tư'

Theo ông Hoàn Nguyên, việc xét nghiệm ADN của những người trong Tịnh thất Bồng Lai nếu có thì phải thực hiện "một cách minh bạch".

Đã từng lấy máu nhưng không phải là xét nghiệm ADN

Trước những hình ảnh được cho là nhóm người tại Tịnh thất Bồng Lai (tên mới là Thiền am bên bờ vũ trụ) đang thực hiện xét nghiệm ADN đang lưu truyền trên mạng xã hội, PV đã có cuộc trao đổi với ông Hoàn Nguyên (đại diện phía Tịnh thất Bồng Lai).

Ông này cho biết vào năm 2020, nhóm người gồm các "chú tiểu", "sư cô", "sư thầy" cùng ông Lê Tùng Vân tại cơ sở này đã bị lấy máu, nhưng để phục vụ cho công tác lấy mẫu xét nghiệm Covid-19.

Ông Nguyên chia sẻ: "Trước đó, bên kiểm dịch địa phương họ thông báo về trường hợp một người đàn ông từ Campuchia về, có biểu hiện ho, sốt nên đã đến Tịnh thất Bồng Lai yêu cầu chúng tôi đi cách ly tập trung.

Chúng tôi đã ở đó khoảng 14 ngày, được lấy dịch ở mũi, miệng. "Sư phụ" cùng mọi người đã được lấy máu nhưng không phải xét nghiệm ADN. Nếu phải thực hiện xét nghiệm này, tôi mong được thực hiện nó một cách minh bạch, bởi cơ quan pháp luật", ông Hoàn Nguyên cho biết.

Cũng theo ông Hoàn Nguyên, việc xét nghiệm ADN vốn là vấn đề "rất riêng tư", "thuộc về cá nhân của mỗi người nên không ai được quyền xâm phạm". Vì thế, ông sẽ chỉ thực hiện xét nghiệm này khi pháp luật yêu cầu để phục vụ cho sự việc cụ thể.

Trước đó, khi được một nữ CEO đưa ra "lời mời" thực hiện xét nghiệm để chứng minh mối quan hệ huyết thống. Ông Nhất Nguyên, "tu sĩ" tại cơ sở này cũng khẳng định nếu xét nghiệm ADN chỉ để lấy 20 tỷ là "nhục nhã cho cuộc đời tu học".

Giáo hội Phật giáo tỉnh Long An trước đó khẳng định Tịnh thất Bồng Lai không phải là tu viện hợp pháp.

Xét nghiệm ADN được quy định thế nào?

Về những quy định liên quan đến việc xét nghiệm ADN, PV đã liên hệ với ông Trần Minh Hải (Giám đốc điều hành công ty Basico) để tìm hiểu.

Luật sư cho biết: "Việc xét nghiệm ADN thường được áp dụng như là một biện pháp trưng cầu giám định (một trong các biện pháp thu thập chứng cứ) để phục vụ cho quá trình giải quyết tại Tòa án đối với các tranh chấp, yêu cầu xác định cha, mẹ cho con hoặc con cho cha, mẹ của đương sự theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình, hoặc các tranh chấp về thừa kế.

Cụ thể, theo quy định của Điều 97 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, Điều 84 Luật Tố tụng hành chính năm 2015, theo yêu cầu của đương sự hoặc khi xét thấy cần thiết, Tòa án sẽ ra quyết định trưng cầu giám định để thu thập tài liệu, chứng cứ nhằm phục vụ cho quá trình giải quyết vụ việc.

Biện pháp giám định ADN cũng được áp dụng trong quá trình điều tra, truy tố và xét xử vụ án hình sự theo quy định của Điều 205 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015. Theo đó, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng sẽ ra quyết định trưng cầu giám định khi thuộc một trong các trường hợp bắt buộc phải trưng cầu giám định quy định tại Điều 206 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 hoặc khi xét thấy cần thiết".

Về cơ sở "Tịnh Thất Bồng Lai", vừa qua, trong cuộc họp báo thường kỳ quý IV năm 2021 về tình hình thực hiện các nhiệm vụ công tác của Bộ Nội vụ, ông Nguyễn Tiến Trọng – Phó trưởng Ban tôn giáo Chính phủ đã thông tin, Tịnh thất Bồng Lai không phải là tự viện hợp pháp và không do Ban trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh Long An quản lý. Những người đang sống và sinh hoạt tại đây không phải là tu sĩ Phật giáo và có dấu hiệu lợi dụng hình thức tu sĩ Phật giáo để kêu gọi lòng tốt của tín đồ Phật giáo.

Đồng thời, ông Trọng cũng khẳng định, Tịnh thất Bồng Lai là vụ việc có dấu hiệu lợi dụng tôn giáo để trục lợi.

Tác giả: Lan Chi

Nguồn tin: Doanh nghiệp & Tiếp thị

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP