Cuộc sống

Tin khiến hàng triệu chị em nức lòng: Chồng sẽ bị xử phạt nếu không cho vợ về nhà ngoại ăn Tết Nguyên đán

Đây là nội dung đáng chú ý được đề cập tại Nghị định 167/2013/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; chống bạo lực gia đình.

Nhiều chị em đang than thở dịp Tết Âm lịch là dịp họ cảm thấy cô đơn nhất vì không thể về nhà ngoại ăn Tết. Đặc biệt là những chị em lấy chồng xa.

Lý do bởi không ít người chồng cấm đoán, không cho vợ về nhà ngoại ăn Tết. Chị em đón Tết nhà nội trong nước mắt vì nhớ nhà.

Được về nhà ngoại đón Tết là mong mỏi của hàng triệu chị em đã lấy chồng. Ảnh minh họa.

Dưới góc độ pháp luật, việc làm nêu trên của các ông chồng "gia trưởng thái quá" sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng theo Điểm a Khoản 1 Điều 52 Nghị định 167/2013/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình.

Cụ thể, theo quy định tại Khoản 1 Điều 52 Nghị định 167/2013/NĐ-CP:

“1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

a) Cấm thành viên gia đình ra khỏi nhà, ngăn cản thành viên gia đình gặp gỡ người thân, bạn bè hoặc có các mối quan hệ xã hội hợp pháp, lành mạnh nhằm mục đích cô lập, gây áp lực thường xuyên về tâm lý đối với thành viên đó;

b) Không cho thành viên gia đình thực hiện quyền làm việc;

c) Không cho thành viên gia đình tham gia các hoạt động xã hội hợp pháp, lành mạnh.”

Có thể thấy nếu việc người chồng có hành vi ngăn cản, cấm đoán vợ mình về nhà ngoại ăn Tết nhằm mục đích cô lập người vợ hoặc gây áp lực tâm lý thường xuyên đối với người vợ chính là hành vi vi phạm quy định pháp luật theo quy định của Nghị định 167/2013/NĐ-CP.

Do đó hành vi này sẽ bị xử phạt từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng.

Ngược lại, nếu vợ cấm đoán chồng ra ngoài gặp gỡ người thân, bạn bè với mục đích gây áp lực tâm lý đến người chồng thì cũng sẽ chịu mức phạt tương tự.

Mở rộng vấn đề thì quyền tự do đi lại của công dân là một trong những quyền cơ bản của con người. Quyền tự do đi lại của công dân là một quyền Hiến định, không ai có thể xâm phạm, Điều 23 Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam 2013 nói rõ:

“Công dân có quyền tự do đi lại và cư trú ở trong nước, có quyền ra nước ngoài và từ nước ngoài về nước. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định.”

Do đó, bất cứ hành vi ngăn cản, cấm đoán bất hợp pháp việc công dân thực hiện quyền của mình đều bị xử lý theo pháp luật.

Tác giả: Thu Hà

Nguồn tin: phunusuckhoe.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP