Trong nước

Tín hiệu đáng mừng của hoạt động tư pháp

Nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng cần ban hành những chính sách, quy định để nâng cao hơn nữa tính độc lập của cơ quan tư pháp

Ngày 30-3, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 11 Quốc hội (QH) khóa XIV, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu, QH đã thảo luận ở hội trường về báo cáo công tác nhiệm kỳ 2016-2021 của TAND và VKSND Tối cao.

Nhiều thành tích nổi bật

Tham gia thảo luận, nhiều đại biểu (ĐB) QH đánh giá nhiệm kỳ qua, hoạt động tư pháp có nhiều chuyển biến tích cực, kết quả nổi bật. Đặc biệt, các vụ án nghiêm trọng như tham nhũng, kinh tế đều được giải quyết tốt, đóng góp có hiệu quả trong công cuộc đấu tranh chống tham nhũng của nước ta.

ĐB Trịnh Ngọc Thúy (TP HCM) đánh giá trong nhiệm kỳ, không có vụ án nào xét xử oan người không phạm tội; chất lượng điều tra, truy tố, xét xử ngày càng được nâng lên. Các tiêu chí về chỉ tiêu thi đua ngày càng phù hợp và khoa học hơn. ĐB Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn) cho rằng hoạt động tranh tụng thể hiện ngày càng rõ nét. Tính tranh tụng đối kháng, cọ xát giữa các chứng cứ, lý lẽ, lập luận của các bên ngày càng mạnh mẽ, thậm chí rất quyết liệt. Đây là những tín hiệu rất đáng mừng về một nền tư pháp công bằng, nghiêm minh.

Bên cạnh những thành tích đáng ghi nhận trong nhiệm kỳ qua của ngành tòa án, ĐB Nguyễn Văn Chiến (Hà Nội) góp ý cần tháo gỡ những rào cản khi thực hiện đổi mới cơ chế, thực hiện phiên tòa theo tinh thần cải cách tư pháp. Việc xét xử của tòa án phải độc lập với các cơ quan cấp trên, tránh tình trạng nể nang, "xuôi chiều".

Dành phần lớn thời gian phát biểu của mình để nói về vấn đề nhận thức, hành động trên tinh thần bảo đảm độc lập tư pháp, ĐB Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) nói đây là vấn đề mà ông đã suy nghĩ gần như toàn bộ cuộc đời và cả nhiệm kỳ vừa qua. Ông nhắc đến khái niệm ngành, như ngành tòa án, và cho rằng không có khái niệm ngành nào cả, mỗi tòa án là một cơ quan hoàn toàn độc lập với nhau. Các thẩm phán hoàn toàn độc lập với nhau và không được can thiệp bất kỳ hoạt động nào của nhau, để ảnh hưởng đến công lý. Bên cạnh đó là vấn đề liên ngành, những cuộc làm việc liên ngành trong hoạt động tư pháp. ĐB Lưu Bình Nhưỡng nhắc lại một vụ án ở Lạng Sơn mà ông từng tham gia với vai trò luật sư. Theo ông, thời điểm đó đã có "văn bản liên ngành, mà khái niệm "làm việc liên ngành" là điều rất sơ hở, cần khắc phục để bảo đảm tính độc lập của tư pháp.

Tham gia tranh luận ý kiến của ĐB Lưu Bình Nhưỡng, ĐB Nguyễn Thanh Hồng (Bình Dương) lập luận việc phối hợp liên ngành trước tiên là để thống nhất về nhận thức pháp luật, quan điểm xử lý. Trong thực tế, việc "phối hợp liên ngành" vẫn tốt và "đúng với nguyên tắc cơ chế nhà nước độc lập, phân công, phân quyền nhưng có phối hợp".

Về những vấn đề còn nhiều tranh luận, ĐB Mai Khanh (Ninh Bình) kiến nghị trong nhiệm kỳ tới, các cơ quan tư pháp cần tham mưu cho QH, cơ quan có thẩm quyền ban hành những chính sách, quy định cụ thể để nâng cao hơn nữa tính độc lập của cơ quan tư pháp.

Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng đề nghị nâng cao hơn nữa tính độc lập của cơ quan tư pháp Ảnh: Nguyễn Nam

Còn nhiều băn khoăn về tố tụng

Bên cạnh những kết quả tích cực của ngành tòa án và kiểm sát trong nhiệm kỳ 2016-2021, một số ĐBQH cũng chỉ rõ những hạn chế, bất cập cần khắc phục.

ĐB Trương Trọng Nghĩa (TP HCM) nhận xét nguyên tắc suy đoán vô tội và nguyên tắc bản án phải dựa vào kết quả tranh tụng tại tòa chưa được áp dụng triệt để. Trong một số vụ án hình sự lớn, các ý kiến tranh luận của luật sư nhiều khi bị phủ định bằng quyền lực của công tố và thẩm phán, mà không phải bằng các chứng cứ, luận cứ khách quan, khoa học. Theo ông, thời hạn, thời gian tố tụng và thi hành án bị trễ hạn rất thường xuyên, kể cả trong tố tụng hình sự, dân sự, hành chính.

"Có những trường hợp bản án đã bị hủy, sửa vì sai sót nhưng thẩm phán khi xét xử lại vẫn theo ý mình, bất chấp ý kiến giám đốc thẩm của tòa cấp trên. Có những bản án dựa trên những luận cứ sơ sài và bất hợp lý, không xem xét chứng cứ toàn diện khiến cho đương sự rất bức xúc và cho rằng có tiêu cực" - ĐB Trương Trọng Nghĩa nêu thực trạng.

ĐB Trịnh Ngọc Phương (Tây Ninh) cũng nêu ý kiến của cử tri về việc vi phạm thời hạn trong xét xử tố tụng hình sự. Đơn cử, có vụ án khởi tố về tội giết người ở Tây Ninh cách đây hơn 4 năm, xét xử sơ thẩm một lần vào ngày 30-11-2017, án bị hủy nên xét xử sơ thẩm lần hai vào ngày 1-7-2019. Đến nay đã 21 tháng kể từ ngày xét xử sơ thẩm 2 lần nhưng phiên tòa phúc thẩm vẫn chưa biết khi nào được mở lại.

Đây cũng là lý do mà theo ĐB Nguyễn Tạo (Lâm Đồng), vẫn còn đâu đó những băn khoăn, trăn trở của cử tri và nhân dân về những hạn chế, bất cập đối với hoạt động của các cơ quan tư pháp trong nhiệm kỳ vừa qua. Cử tri cho rằng số lượng vụ án xâm phạm hoạt động tư pháp đã được phát hiện, khởi tố, điều tra trung bình mỗi năm 50 vụ là chưa phản ánh đúng tình hình vi phạm, tiêu cực trong hoạt động tư pháp.

"Chúng ta cần phải rút ra một bài học kinh nghiệm trong vấn đề này, góp phần hạn chế tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động của các cơ quan tư pháp" - ĐB Nguyễn Tạo mong mỏi.

Thông qua Luật Phòng chống ma túy (sửa đổi)

Chiều cùng ngày, với đa số ĐB tán thành, QH đã thông qua Luật Phòng chống ma túy (sửa đổi). Cụ thể, 455 ĐB tham gia biểu quyết (bằng 94,79% tổng số ĐBQH), trong đó 454 ĐB tán thành (bằng 94,58% tổng số ĐBQH).

Luật Phòng chống ma túy (sửa đổi) gồm 8 chương, 55 điều; có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2022.

Tác giả: MINH CHIẾN - VĂN DUẨN

Nguồn tin: Báo Người lao động

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP