Pháp luật

"Tín dụng đen" - Những hệ luỵ khôn lường

Như chúng tôi đã phản ánh thời gian gần đây hoạt động "tín dụng đen" liên tiếp xảy ra tại nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh. Không chỉ ở thành thị, mà nó còn lan sang cả những vùng quê nghèo hẻo lánh, miền núi… Không khoa trương, ồn ào, chủ yếu chỉ dưới hình thức ngầm, nhưng hệ lụy của nó lại rất nặng nề, nhiều gia đình tan nát, anh em li tán, cuộc sống nhiều vùng quê bị xáo trộn.

Lại vỡ tín dụng đen tại Huyện Đô Lương


Trở lại vụ việc vỡ “Tín dụng đen” tại xã Trù Sơn, huyện Đô Lương do Trần Thị Hà đứng chủ. Sau khi có đơn tố cáo của nhân dân, Công an huyện Đô Lương đã triệu tập Trần Thị Hà để làm rõ sự việc. Hiện số tiền Hà đang nợ trong dân gần 3 tỷ đồng, lấy trước hơn 100 phường tiền với số tiền hơn 4,2 tỷ đồng. Số tiền này đã được Hà cho 15 người khác vay và gửi vào phường tiền để thu lãi bất chính.

Lý giải việc làm của mình, đối tượng cho vay nặng lãi Trần Thị Hà trú tại xóm 10 xã Trù Sơn, huyện Đô Lương nói: Tôi "bốc phường" trước và lại đi tiếp phường to hơn nhằm mục đích kiếm lời.


Nạn nhân trong vụ việc vỡ "Tín dụng đen" tại xã Trù Sơn, huyện Đô Lương thất thần khi hay tin đối tượng vay bị vỡ nợ.


Biết việc làm của mình là vi phạm pháp luật, nhưng Trần Thị Hà vẫn cố tình vay và cho vay nặng lãi dẫn đến hậu quả nghiêm trọng.

Mặc dù đã được các phương tiện thông tin đại chúng cảnh báo nhiều, không ít vụ việc được phanh phui, xử lý nhưng “Tín dụng đen” vẫn đang hoành hành tại nhiều vùng quê và để lại những hệ lụy khôn lường.

Nói về trường hợp của đối tượng Trần Thị Hà, Trưởng Công an huyện Đô Lương – Thượng tá Lê Khắc Thống cho biết: Cơ quan chức năng sẽ tập trung làm rõ sai phạm, nếu liên quan đến hình sự sẽ xử lý nghiêm. Qua đây đề nghị người dân cần cảnh giác với hoạt động vay và cho vay theo kiểu tín dụng đen tránh tiền mất, tật mang.

Không tài sản thế chấp, không thủ tục rườm rà, chỉ cần một tờ giấy viết tay biên nhận, nhưng lại được các trùm nợ trả những khoản lãi hấp dẫn, nên có sức hút mạnh mẽ đối với những người hám lời. Nhiều người vì thế mà sẵn sàng mang tiền cho vay. Trong khi đó, đối tượng đi vay thường lấy tiền của người sau trả lãi cao cho người trước, trả lãi đều và giữ uy tín trong một thời gian đầu nhằm lấy lòng tin của nhiều người. Đến khi lượng tiền đi vay đã hết do làm ăn thua lỗ thì tuyên bố vỡ nợ hoặc bỏ trốn.


Con số tổng hợp từ những vụ vỡ "Tín dụng đen" trên địa bàn tỉnh Nghệ An 4 năm trở lại đây.


Nhận định về sức nóng của “Tín dụng đen”, bà Nguyễn Thị Thu Thu – Giám đốc Ngân hàng nhà nước tỉnh Nghệ An nói: Hình thức tín dụng đen vẫn còn tồn tại lý do trước hết là do sự hấp dẫn bởi mức lãi suất người huy động, bên cạnh đó thì những người vay cần vốn trong điều kiện nhất định mà họ không đủ điều kiện tiếp cận ngân hàng thì họ tìm đến tín dụng đen. Người dân trong các giao dịch gửi tiền, vay tiền thì nên tìm đến các tổ chức tín dụng, ngân hàng là những đơn vị có tư cách pháp nhân để tham khảo ý kiến.

154 vụ vỡ nợ, vỡ hụi xảy ra ở 14/21 huyện thành thị trong tỉnh, làm thiệt hại gần 1 ngàn tỷ đồng do liên quan đến “Tín dụng đen” trong vòng 4 năm trở lại đây là một con số đáng báo động. Tín dụng đen và những hệ lụy của nó không còn là điều lạ lẫm với người dân. Và hơn ai hết, chính người dân bằng sự tỉnh táo của mình mới có thể bảo vệ tài sản và cuộc sống cho bản thân và gia đình trước những “cám dỗ” của loại hình tín dụng này.

Tác giả bài viết: Trần Minh

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP