Kinh tế

Thủy sản ĐBSCL và câu chuyện "vỡ nợ”

Khoảng cuối tháng 10.2016, lãnh đạo Cty Thuận An (Tafishco - An Giang) ra nước ngoài rồi không trở về khiến ngân hàng và các hộ nông dân lâm vào cảnh điêu đứng. Câu chuyện “vỡ nợ” của các đại gia thủy sản một lần nữa đã đặt ra những yêu cầu bức thiết, đòi hỏi phải có giải pháp mạnh mẽ để thải loại những nhân tố vốn đã chết yểu trên “đường bơi” từ trước…

trang4 74a WAFU
Sự yếu kém về tài chính được xem là “tử huyệt” của ngành thủy sản hiện nay. Ảnh: Thu hoạch cá tra ở ĐBSCL
Kỳ 1: Dễ tổn thương như doanh nghiệp thủy sản

Loại bỏ các yếu tố do chủ doanh nghiệp lừa đảo, lạm dụng tín nhiệm, câu kết với cán bộ ngân hàng rút tiền tín dụng tiêu xài…; hiện tượng các đại gia cá tra vỡ nợ là một bài học vẫn còn nóng hổi, mà ở đó, những yếu kém nội tại đã tạo nên “tử huyệt” - để khi chỉ cần gặp khó khăn trong một đơn hàng, doanh nghiệp ngay lập tức điêu đứng…

Quá nhiều bất cập!

Khởi điểm từ cuối thập niên 90, con cá tra ĐBSCL đã lập nên những kỳ tích với mức tăng trưởng đáng kể qua từng năm, vươn lên đứng đầu thế giới, chiếm hơn 90% thị phần cá tra xuất khẩu toàn cầu. Thế nhưng, đằng sau ánh hào quang đó vẫn còn vô số những bất cập tạo nên căn bệnh trầm kha cho ngành thủy sản.

Có giai đoạn, số liệu thống kê chỉ ra rằng, trong 100% tăng thêm của tổng giá trị xuất khẩu thủy sản, thì có đến hơn 80% là do tăng sản lượng tạo ra, chỉ khoảng 20% là do tăng giá. Sự phát triển nhanh theo chiều rộng đã giải quyết phần nào các mục tiêu kinh tế xã hội cục bộ trước mắt, nhưng chưa khẳng định được sự phát triển nổi trội về chất lượng sản phẩm dẫn đến hệ thống sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản chưa có khả năng đổi mới và đa dạng hóa mạnh mẽ các sản phẩm xuất khẩu nhằm tăng lợi thế cạnh tranh và đáp ứng những đòi hỏi của thị trường.

Bên cạnh đó là sự yếu kém trong công tác dự báo thị trường tiêu thụ trong và ngoài nước, các doanh nghiệp không xây dựng được chiến lược kinh doanh. Nhiều nhà máy chế biến lâm vào tình trạng dư thừa công suất khi được đầu tư rất lớn, nhưng khai thác chỉ đạt 50 - 70%, dẫn đến tăng chi phí sản xuất, giảm sức cạnh tranh trên thị trường… Điều này giải thích vì sao Việt Nam đang “một mình một chợ” trong xuất khẩu cá tra, nhưng lại không làm chủ được thị trường thế giới. Việc các doanh nghiệp cạnh tranh lẫn nhau đã làm giá cá tra sụt giảm, các nhà nhập khẩu thế giới biết được điều này nên luôn tìm cách ép giá.

Thời điểm con cá tra hay con tôm “lên đỉnh” đã kéo theo những hệ lụy do phát triển nóng, thiếu quy hoạch, mạnh ai nấy làm. Nhiều Cty, doanh nghiệp vốn kinh doanh trái ngành như đồ gỗ, dầu khí, nhà đất… cũng nhảy vào đầu tư kinh doanh thủy sản. Như một điều tất yếu, những đơn vị này không có kiến thức chuyên môn về ngành nghề mình đang kinh doanh, không biết quản trị Cty, quản lý dòng vốn, quản lý rủi ro… nên sau một vài phi vụ trúng quả, phất lên như diều gặp gió rồi cũng nhanh chóng vỡ nợ khi gặp khó khăn…

“Tử huyệt” tài chính

Nhìn lại mô hình liên kết nuôi cá tra ở An Giang sẽ thấy đây là một chủ trương đúng và đã mang lại hiệu quả rất khả quan trong 2 năm đầu triển khai thí điểm, song nó cũng bộc lộ không ít lổ hổng về quản lý. Ông Lê Văn Nưng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang - cho biết: “Lúc được chọn tham gia chuỗi liên kết, Cty Thuận An có đủ năng lực, nhưng có thể qua quá trình hoạt động, Cty gặp khó khăn nên mới xảy ra tình trạng như hiện nay”. Câu hỏi đặt ra lúc này là ai quản lý việc làm ăn của doanh nghiệp? Khi Thuận An mua cá của dân sẽ bán đi đâu? Nguồn tiền thu về như thế nào? Lời lỗ ra sao?... hầu như không ai biết.

Ông Trần Hữu Hiệp - Ủy viên chuyên trách kinh tế, Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ - cho rằng: Đằng sau ánh hào quang “vượt vũ môn” của loài “đế ngư” là cảnh lâm nợ, khốn đốn của nhiều người nuôi và doanh nghiệp cá tra xảy ra như có tính chu kỳ năm được, năm mất. Nguyên nhân được nhận diện là giá thị trường xuống thấp, thiếu vốn, hiệu ứng đôminô lây lan, thì người nuôi cá, doanh nghiệp, ngân hàng nợ nần dây chuyền, chiếm dụng vốn lẫn nhau.

Bên cạnh nguyên nhân khách quan do ảnh hưởng khủng hoảng kinh tế, chật vật trong tìm đầu ra; phải kể đến “tử huyệt” của doanh nghiệp thủy sản là năng lực tài chính yếu kém, sử dụng chủ yếu vốn vay ngắn hạn, gặp lúc lãi suất tăng vọt, lợi nhuận làm ra không đủ trả lãi dẫn đến thua lỗ kéo dài. Nhiều doanh nghiệp thủy sản vừa phất lên, bỗng chốc “lâm bệnh nặng”. Một số chủ doanh nghiệp không có chuyên môn sâu trong ngành, lĩnh vực, đa phần khởi sự từ mua bán chuyển sang nghề nuôi, chế biến thủy hải sản. Nghiên cứu thị trường không kỹ và không am hiểu đầy đủ luật pháp của các nước nhập khẩu, chỉ cần một đơn hàng chậm thanh toán hoặc bị hủy thì doanh nghiệp gặp điêu đứng.

Khi gặp khó khăn thị trường, trong cơn khát vốn, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu làm ăn chụp giựt, đã tự làm khó mình và làm khó lẫn nhau khi liên tục chào bán cá tra với giá thấp để có tiền xoay vòng. Điều này đã tạo cho nhà nhập khẩu quyền xác lập giá trần. Ở nhiều thời điểm, giá cá tra xuất khẩu đã liên tục hạ gây bất lợi cho không chỉ doanh nghiệp, người nuôi mà còn làm suy yếu ngành cá tra Việt Nam. Đó chính là lý giải tại sao chúng ta nắm giữ độc quyền cung ứng cá tra cho cả thế giới tiêu dùng; nhưng “nhà độc quyền” lại không có quyền làm giá. Năng lực tài chính, quản trị và liên kết doanh nghiệp chính là “huyệt đạo” của ngành…

Tác giả bài viết: TRẦN LƯU

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP