Giáo dục

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Sớm tiêm vắc xin COVID-19 cho học sinh

Sáng 28/8, Chủ trì Hội nghị Tổng kết năm học và triển khai nhiệm vụ năm học mới 2021-2022, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu Bộ Y tế phối hợp Bộ GD&ĐT tính toán để sớm tiêm vắc xin cho học sinh.

Sớm tiêm vắc xin COVID-19 cho học sinh.

Phát biểu chỉ đạo, Thủ tướng Phạm Minh Chính nói rằng, chỉ còn ít ngày nữa khai giảng năm học mới, học sinh háo hức được đến trường. Tuy nhiên trong bối cảnh hiện nay, nhiều địa phương đang giãn cách xã hội, do đó việc tổ chức lễ khai giảng, dạy học trực tiếp khó thực hiện được.

Thủ tướng yêu cầu các cơ quan, đơn vị trường học không được chủ quan, lơ là, mất cảnh giác. Đảng, Nhà nước và Chính phủ chia sẻ khó khăn đó với hơn 24 triệu học sinh, sinh viên và người dân.

Theo Thủ tướng, ngành giáo dục đang từng bước thực hiện đổi mới giáo dục toàn diện các cấp với phương châm lấy học sinh làm trung tâm. Tuy nhiên, để đạt hiệu quả hơn nữa nên chăng xác định, nhà trường làm nền móng, giáo viên làm động lực. Bởi vì nền tảng tốt sẽ ảnh hưởng tốt đến học sinh. Người thầy làm động lực vì người thầy là người truyền cảm hứng, nếu không truyền cảm hứng tốt, học sinh thấy giờ học rất dài.

Về đề xuất tiêm vắc xin cho học sinh của Bộ GD&ĐT cũng như các địa phương, Thủ tướng khẳng định, trong chiến lược vắc xin phòng dịch, Chính phủ có tính toán đến việc tiêm vắc xin cho trẻ em. Bộ Y tế căn cứ vào khoa học, quy định về độ tuổi, tính toán phân bổ, có kế hoạch tiêm vắc xin phù hợp.

Ví dụ, Bộ cần xem xét loại vắc xin nào được nhiều nước tiêm cho trẻ em từ 12 tuổi trở lên để thời gian tới khi nhập vắc xin về, những loại nào trẻ có thể tiêm sẽ phân bổ để tiêm cho trẻ em.

Nếu học sinh từ 12 tuổi trở lên được tiêm vắc xin có thể trở lại trường học một cách bình thường. Hiện nay, các quốc gia đang nghiên cứu vắc xin và thuốc chữa bệnh và chúng ta cũng sẽ sớm tiếp cận.

Riêng giáo viên là đối tượng được ưu tiên, nơi nào còn thiếu cần phải rà soát lại để tiêm đủ. Các địa phương căn cứ tình hình thực tế có các giải pháp đảm bảo an toàn để học sinh có thể sớm được quay lại trường học.

“Tuy nhiên, kể cả ở “vùng xanh” các địa phương cũng không được chủ quan, lơ là, mất cảnh giác. Còn ở các “vùng vàng, vùng đỏ không thể học trực tiếp, Bộ GD&ĐT phải có hướng dẫn dạy học trực tuyến cụ thể. Lãnh đạo địa phương lưu ý rà soát, hỗ trợ học sinh có điều kiện học tập, đảm bảo công bằng, không ai bị bỏ lại phía sau”, Thủ tướng nói.

Cũng theo Thủ tướng, địa phương cần tính toán những gia đình có học sinh, sinh viên chịu ảnh hưởng nghiêm trọng bởi dịch bệnh để có phương thức hỗ trợ học sinh được tới trường. Ngoài ra, các cơ sở giáo dục mầm non tư thục, giáo viên mầm non mất việc trong thời gian dịch cũng cần có chính sách đặc thù.

Nhiều gia đình vì dịch mất công việc, không có thu nhập cũng ảnh hưởng đến bữa ăn của học sinh không đảm bảo, do đó các trường học phải quan tâm đến từng học sinh để có phương án hỗ trợ.

Tác giả: Hà Linh

Nguồn tin: Báo Tiền phong

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP