Trong nước

Thủ tướng mong các nhà đầu tư đều tài tình như tuyển bóng đá Việt Nam

Thủ tướng chúc các nhà đầu tư đến với An Giang đều tài tình, chính xác để đạt kết quả kinh doanh cao như thành tích của Đội tuyển.

Sáng 15/12, tại thành phố Long Xuyên, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự Hội nghị Xúc tiến đầu tư tỉnh An Giang với có chủ đề: “An Giang-Kết nối cơ hội và hợp tác thành công”.

Hội nghị còn có sự tham dự của Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình, các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, lãnh đạo các địa phương và khoảng 500 đại biểu, chủ yếu là các doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Thủ tướng gặp gỡ các nhà đầu tư dự Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh An Giang.

Tại hội nghị, UBND tỉnh An Giang đã trao quyết định chủ trương đầu tư cho khoảng 23 dự án ở các lĩnh vực như nông nghiệp, thương mại, dịch vụ, du lịch, công nghiệp, xây dựng - đô thị; y tế với tổng số vốn đăng ký đầu tư gần 28.000 tỷ đồng; trao cam kết đầu tư cho 7 nhà đầu tư với tổng vốn dự kiến trên 101.000 tỷ đồng.

Nằm trong vùng đồng bằng sông Cửu Long, An Giang có tuyến biên giới giáp Campuchia dài gần 100 km với các cửa khẩu quốc tế có thể kết nối thuận tiện với các tuyến giao thông thủy, bộ. Về địa thế, An Giang là trung tâm kinh tế, thương mại kết nối các thành phố lớn là Cần Thơ, thành phố Hồ Chí Minh và Phnom Penh (Campuchia). Ngoài thế mạnh lúa gạo, thủy sản, An Giang đang thúc đẩy phát triển du lịch, coi đây là động lực tăng trưởng mới của tỉnh.

Các đại biểu tại hội nghị, các chuyên gia cho rằng, để tạo cú huých cho phát triển sản xuất nông nghiệp của An Giang, một lĩnh vực có nhiều ngành đầu tàu cả nước, đó là tập trung thu hút đầu tư vào công nghiệp chế biến. Theo đó phải hình thành các vùng chuyên canh gắn với chế biến sâu. Các doanh nghiệp chế biến gắn với thị trường sẽ góp phần thúc đẩy phát triển nông nghiệp của An Giang.

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã phân tích các lợi thế khi đầu tư vào An Giang. Trong đó, kinh tế năm 2018 tăng trưởng cao nhất 3 năm qua, thu ngân sách gần 6.000 tỷ đồng, giảm nghèo chỉ còn khoảng 5,5%. Tỉnh cũng đã có những khát vọng vươn lên mạnh mẽ bằng ứng dụng công nghệ vượt trội, đưa thương hiệu Việt Nam cạnh tranh với thế giới, trong đó có các thương hiệu như Lộc Trời, Tập đoàn Việt Úc, Sao Mai...

Nói đến lịch sử của An Giang, Thủ tướng cho biết, đây là vùng đất tham gia vào thương mại thế giới rất sớm. Với việc có đông đảo doanh nghiệp trong và ngoài nước dự hội nghị, điều này cho thấy tình cảm, niềm tin của nhà đầu tư đối với An Giang. Thủ tướng chúc mừng An Giang đã trao chủ trương đầu tư, ký kết ghi nhớ hợp tác đầu tư với tổng vốn lớn, khoảng 130.000 tỷ. Nhắc đến khát khao chiến thắng của Đội tuyển bóng đá nam Quốc gia, Thủ tướng chúc các nhà đầu tư đến với An Giang đều tài tình, chính xác để đạt kết quả kinh doanh cao như thành tích của Đội tuyển.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các đại biểu dự Hội nghị.

Nêu lên các lợi thế của An Giang, Thủ tướng nhắc đến hai con sông là sông Tiền và sông Hậu chảy song song từ Tây Bắc xuống Đông Nam. Các mặt hàng nông, thủy sản của tỉnh đã tham gia vào thị trường quốc tế rất sớm. Với tốc độ tăng trưởng xuất khẩu thủy sản của tỉnh tăng mạnh năm nay, 20% về kim ngạch và 14% về sản lượng, Thủ tướng tin tưởng, những dấu hiệu này giúp An Giang tiếp tục đạt kết quả cao, đưa An Giang thành một trong những ví dụ thành công trong thực hiện Nghị quyết 120 về phát triển đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu.

Theo Thủ tướng, với hai nhánh sông Tiền, sông Hậu chạy song song gần 100km, An Giang được thiên nhiên ban tặng phù sa màu mỡ khó có nơi nào sánh bằng. Do vậy, An Giang không chỉ là vựa cá, vựa lúa, nguồn xuất khẩu nông, thủy sản chiến lược; không những là chỉ dẫn địa lý cho các thương hiệu lúa gạo, cá da trơn toàn cầu..., mà tỉnh cần tích cực thu hút đầu tư, lôi kéo những doanh nghiệp tầm cỡ và từ đây phát triển những thương hiệu toàn cầu về nông sản Việt gắn với các yếu tố đặc thù, độc đáo của địa phương An Giang.

Cho rằng, An Giang cùng Cần Thơ, Kiên Giang, Cà Mau được kỳ vọng như 4 “con tuấn mã” dẫn dắt kinh tế của cả vùng đồng bằng sông Cửu Long, Thủ tướng cho rằng, tỉnh cần không ngừng cải thiện môi trường đầu tư, trong đó đặc biệt lưu tâm hai vấn đề chất lượng nguồn nhân lực và cơ sở hạ tầng.

Thủ tướng một lần nữa lưu ý các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long phải đẩy mạnh liên kết vùng dựa trên lợi thế chung về nông, thủy sản và sông nước để sự phát triển của vùng mang tính bền vững, không bị chia cắt bởi địa giới hành chính.

Đánh giá An Giang là vùng đất giàu bản sắc, có sự đa dạng về văn hóa, con người, tôn giáo và tín ngưỡng, người dân An Giang là bậc thầy trong các nghề thủ công truyền thống như dệt, mộc, đan lát, trạm khắc đá, trồng dâu nuôi tằm với sản phẩm lụa nổi tiếng..., Thủ tướng cho rằng, các lợi thế này cần được gìn giữ, bảo tồn và trở thành lợi thế thu hút du lịch của địa phương.

Thủ tướng nhấn mạnh, An Giang là nét chấm phá trong bức tranh Me Kông, là bảo tàng sinh thái tự nhiên và văn hóa độc đáo của đồng bằng sông Cửu Long. Sứ mệnh của An Giang là phải mở mang tầm nhìn của du khách về vẻ đẹp tiềm ẩn của Việt Nam.

Nêu lên các lợi thế về phát triển du lịch của An Giang, Thủ tướng cho rằng, An Giang tất yếu là một phần di sản cần được biết đến và bảo tồn trên các phương diện văn hóa, tôn giáo, lịch sử của châu Á. Đây cũng chính là vẻ đẹp còn tiềm ẩn, cần được nhận diện và trở thành quốc kế dân sinh mới cho sự phát triển của du lịch Việt Nam.

Thủ tướng kỳ vọng Thất Sơn và núi Sam sẽ trở thành biểu tượng về du lịch tâm linh, là niềm tự hào và tôn kính, cần được bảo tồn và lan tỏa của không chỉ người dân An Giang, của vùng đồng bằng sông Cửu Long, mà cả trong lòng ASEAN và du khách quốc tế. Nhắc đến sự chia sẻ của chuyên gia Hà Lan, đến từ Châu Âu về “công viên tôn giáo” ở núi Cấm - thuộc Thất Sơn, Thủ tướng cho rằng, điều đó càng thêm củng cố niềm tin của Thủ tướng.

Thủ tướng thăm một số gian hàng giới thiệu sản phẩm đặc sản của An Giang tại hội nghị.

Lắng nghe các nhà đầu tư, Thủ tướng cho biết, Chính phủ sẽ báo cáo với Bộ Chính trị và Quốc hội về việc sửa Luật Đất đai, trong đó có chủ trương tích tụ ruộng đất phù hợp để có những cánh đồng mẫu lớn. Cho biết, tại Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Hòa Bình cách đây ít hôm, tỉnh đã có 18/20 dự án được trao giấy phép từ hội nghị xúc tiến đầu tư năm 2016 đã được thực hiện, Thủ tướng mong muốn các nhà đầu tư vào An Giang nói đi đôi với làm:

"Chúng ta thấy được tiềm năng rất lớn, không chỉ nông nghiệp, bao gồm lúa và cá tra là trung tâm của Việt Nam; không chỉ du lịch với một thế mạnh vô cùng lớn. Một tỉnh Đắk Lắk chỉ có khoảng 850.000 khách du lịch, còn An Giang đã thu hút 6 triệu lượt du khách. Nhưng 6 triệu khách này chỉ mang lại doanh thu 100 tỉ đồng thì còn thấp quá. Chúng ta phải tính lại. Tôi nói tiềm năng như thế, các doanh nghiệp phải quyết tâm làm ăn bền vững, thực hiện giữa nói và làm" - Thủ tướng nhấn mạnh.

Nhân dịp này, Thủ tướng đã thông tin đến các nhà đầu tư định hướng phát triển cả 4 phương thức vận tải đường bộ, đường thủy, hàng không và đường sắt của vùng đồng bằng sông Cửu Long với 18 triệu dân và có liên quan đến sự phát triển của An Giang. Trong đó, tuyến đường bộ cao tốc Trung Lương-Mỹ Thuận chiều dài 54 km đang được Chính phủ chỉ đạo tháo gỡ vướng mắc về lãi suất cho dự án để đảm bảo tiến độ cơ bản thông xe toàn tuyến vào cuối năm 2020 và hoàn thành vào năm 2021.

Đối với cầu Mỹ Thuận 2, Chính phủ đã đề nghị và Quốc hội đã bố trí hơn 5.100 tỷ đồng, hiện đã phê duyệt đầu tư với chiều dài 6,6km. Bộ Giao thông vận tải đang triển khai lập, phê duyệt thiết kế dự toán để tổ chức đấu thầu, lựa chọn nhà thầu thi công và dự kiến sẽ khởi công vào năm 2019, hoàn thành vào năm 2023.

Thủ tướng giao Bộ Giao thông vận tải nghiên cứu phương thức có tính khả thi cao để xử lý vướng mắc của tuyến cao tốc Long Xuyên-Châu Đốc dài 55 km, khẩn trương làm để làm “đại lộ” này để có “đại phú”./.

Tác giả: Vũ Dũng

Nguồn tin: Báo VOV

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP