Trong nước

Thứ trưởng đi taxi và phó tổng thống về quê bằng tàu hỏa

Thứ trưởng, Chủ tịch tỉnh không có xe công đưa đón đi làm và ngược lại, thay vào đó sẽ nhận khoán xe công. Công cuộc “giải thiêng” xe công bước vào hành trình mới, từ chỗ khuyến khích trở thành bắt buộc.

Một ngày đầu tháng 10/2016, ông Nguyễn Hữu Chí, Thứ trưởng Bộ Tài chính bước xuống từ xe taxi để vào trụ sở, bắt đầu ngày làm việc mới. Hàng loạt ống kính hướng về vị lãnh đạo Bộ Tài chính. Ngay lập tức, hình ảnh ấy tràn ngập mặt báo như một thông tin “nóng hổi".

Hình ảnh đó đã gây xôn xao dư luận và mở đầu cho một thời kỳ đẩy mạnh khoán xe công cũng như giai đoạn siết chặt chi tiêu khi ngân sách liên tục thâm thủng.

Cả chục năm về trước, cụm từ “khoán xe công” đã được nhắc đến và khuyến khích quan chức nhận khoán. Thế nhưng, sau nhiều năm thực hiện, số quan chức nhận khoán xe công vẫn chỉ đếm trên đầu ngón tay. Nhưng mua sắm và sử dụng xe công tràn lan đã khiến chủ trương đó chưa bao giờ được thực thi mạnh mẽ trên thực tế.

Nhưng chuyện khoán xe công bắt đầu nóng trở lại khi tháng 10 năm ngoái, Bộ Tài chính tiên phong khoán xe công đối với các chức danh Thứ trưởng, chức danh lãnh đạo có hệ số phụ cấp chức vụ 1,25 (Tổng cục trưởng và tương đương) thuộc Bộ này.

Trải lòng trong một cuộc họp báo, ông Chí tâm sự: “Việc đi làm bằng taxi rất bình thường, cũng đã thống nhất thực hiện. Không đi xe này mình đi xe khác, có sao đâu. Khi tôi còn làm Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang cũng có lúc đi xe Honda, xe đạp đâu có sao”.

Nay việc khoán xe công đang đẩy mạnh và sức lan tỏa từ hình ảnh Thứ trưởng đi taxi vẫn còn tiếp tục. Cuộc chuyển đổi trong khoán xe công đã có sự góp mặt của nhiều cơ quan mới như Hà Nội, Văn phòng Chính phủ...

Thứ trưởng, Chủ tịch tỉnh không có xe công đưa đón đi làm.


Chủ trương khoán xe công đã tiến thêm một bước mới khi Bộ Tài chính đang lấy ý kiến dự thảo Nghị định quy định tiêu chuẩn, định mức sử dụng xe ô tô công.

Từ chỗ chỉ xuất hiện ở một quyết định của Thủ tướng, cụm từ “khoán xe công” đã được nêu rõ trong một bản dự thảo Nghị định với giá trị pháp lý cao hơn hẳn.

Điểm đáng chú ý là nhất là cấp Phó Trưởng ban của Đảng ở Trung ương, Thứ trưởng, Chủ tịch UBND tỉnh, Tổng cục trưởng, lãnh đạo tập đoàn,... không thuộc diện được trang bị xe ô tô riêng. Thay vào đó, sẽ được khoán kinh phí đưa đón từ nơi ở đến nơi làm việc và ngược lại. Khi đi công tác thì được dùng xe phục vụ công tác chung.

Dự thảo Nghị định cũng siết lại việc trang bị, sử dụng xe công tại các cơ quan, đơn vị. Theo đó, số lượng xe các đơn vị Vụ, Cục, Tổng cục, địa phương được trang bị đều giảm mạnh. Thay vào đó, số đơn vị thuộc diện áp dụng khoán xe công lại tăng lên.

Mục tiêu của kế hoạch này là giảm 42-62% lượng xe công hiện nay, có nghĩa giảm trung bình 10 ngàn xe ô tô công.

Nhìn vào số tiền “nuôi” xe công 1 năm mới thấy, con số trên có ý nghĩa thế nào.

Tính đến cuối năm 2016 tổng số ôtô công của cả nước là 34.241 chiếc, bao gồm xe phục vụ các chức danh lãnh đạo, xe phục vụ công tác chung và xe chuyên dùng cứu thương, tập lái, xe tải,... Để sở hữu số xe này, ngân sách đã bỏ ra tổng cộng gần 23 nghìn tỷ (tương đương hơn 1 tỷ USD).

Mỗi chiếc ô tô công trung bình “ngốn” 320 triệu đồng/năm (gồm chi phí bảo dưỡng, xăng xe, lương cho lái xe...). Mỗi năm, số lượng xe này “ngốn” tới gần 13.000 tỷ, bằng số thu ngân sách trong 1 năm của Lai Châu, Điện Biên, Yên Bái, Bắc Kạn, Hà Giang,... cộng lại.

Cho nên tiết kiệm được xe công, ngân sách có thể tiết kiệm được khoảng 3.400 tỷ đồng mỗi năm.

Xe công xét cho cùng chỉ nên nhìn nhận là phương tiện đi lại, gắn cho nó nhiều “đặc quyền đặc lợi” để giải quyết “khâu oai” của một số quan chức có thể tạo nên sự phản cảm.

Nhìn ra thế giới, người viết chợt nhớ đến câu chuyện về “chuyến xe lửa cuối cùng” của một vị Phó Tổng thống Mỹ. Trong suốt 44 năm làm việc trong Chính phủ Mỹ, ông Joe Biden thực hiện hơn 8.000 chuyến đi giữa Delaware tới Washington, dài hơn 131km để đi làm. Thói quen ấy chỉ kết thúc vào ngày ông mãn nhiệm hồi đầu năm 2017.

Hành trình bằng xe lửa của ông Joe Biden bắt đầu từ năm 1972 khi vợ và con mất trong một tai nạn xe hơi.

Vẫn biết rằng mọi sự so sánh là khập khiễng, nhưng câu chuyện trên để thấy rằng việc quan chức tự đi làm chẳng phải là điều gì quá khó khăn. Và thực tế đã chứng minh, quan chức, chính khách đi vào lòng dân nhiều khi chỉ bằng những hình ảnh vô cùng giản dị, chứ chẳng phải cần những chiếc xe công hoành tráng.

Tác giả: Lương Bằng

Nguồn tin: Báo VietNamNet

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP