Trong tỉnh

Thú chơi đào xứ Nghệ: Cành càng khô cằn, rêu mốc, hét giá càng cao

Còn chưa đầy 2 tuần nữa là đến Tết Nguyên đán Kỷ Hợi, tại xã biên giới xứ Nghệ nhiều người dân bắt đầu chặt đào bán cho khách, với giá hàng triệu đồng mỗi cây.

Huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An chủ yếu là núi, trong đó có nhiều dãy núi cao, hiểm trở, vì vậy rất thích hợp để đào đá, đào mốc phát triển. Thậm chí trước đây có cả những cây đào cổ thụ một người ôm. Vài năm trở lại đây, nhiều người có xu hướng trưng loại đào này trong năm mới nhờ vẻ đẹp tinh khiết, trong trẻo của núi rừng.

Vì vậy, cứ đến hẹn lại lên, vào giáp Tết Nguyên đán, rất nhiều thương lái đã lên thu gom để chở về xuôi bán.

Đào được bán ven đường huyện Kỳ Sơn.

Thấy được xu thế này, mặc dù còn khoảng 2 tuần nữa mới đến Tết, thế nhưng rất nhiều người dân đã lên rừng chặt đào đá để ven đường bán cho khách. “Hiện trên các cành đào đã xuất hiện rất nhiều nụ phớt hồng nên chúng tôi bắt đầu bán từ mấy ngày nay. Để giúp cho hoa tươi lâu hơn, khi chặt đào về, chúng tôi dùng ống tre chôn xuống đất rồi đổ nước và cắm đào vào đó”, ông Lầu Giống Dìa (60 tuổi), bản Ca Trên, xã Na Ngoi, huyện Kỳ Sơn cho hay.

Những cành đào giá tiền triệu

Gốc đào xù xì rêu mốc tạo nên nét đẹp hoang sơ.

Theo các lái buôn đào có kinh nghiệm, một cành đào đá đẹp phải đảm bảo các yếu tố: To, thế toả ra như hình mâm xôi, rêu mốc, nhiều nụ và lộc… Hoa của giống đào này có màu hồng nhạt, không sặc sỡ như đào miền xuôi. Những cánh hoa rất to và đặc biệt, sau khi nở, những cánh hoa rất lâu rụng xuống. Đào càng nhiều năm tuổi thì giá tiền càng lớn.

Tuy nhiên, năm nay thời tiết thất thường, đào hiếm và ít đẹp hơn nên nhiều cành có giá cao và khó mua. Bà con trồng đào cho biết giá đào đắt hơn năm trước một chút, dao động từ 300 – 500.000 đồng/cành. Riêng những cành đào mốc, đào đá, có nhiều nụ thì bán với giá cao hơn từ 1 triệu – 4 triệu đồng/cành. Còn những gốc đào to giá đều trên chục triệu.

Hoa đào đã bắt đầu nở rộ

Tuy nhiên việc khai thác ồ ạt khiến gốc đào to trở nên hiếm và khó tìm.

Thế nhưng, cũng vì vậy việc khai thác ồ ạt đang khiến đào đá ở nơi đây ngày càng khan hiếm, các cây đào cổ thụ gần như không còn. Nhiều người lo ngại, với cách khai thác như thế này, vài năm nữa, thủ phủ đào Kỳ Sơn sẽ chỉ còn là trong ký ức. “Đào đá khan hiếm vì sau khi trồng phải mất ít nhất 5 năm mới lấy được cành. Để có thân cây to, rêu phong phải mất khoảng 15-20 năm tuổi. Thế nhưng trước Tết vài tháng đã có người đến hỏi rồi và đặt cọc tiền rồi”, một người dân cho hay.

Tác giả: Anh Ngọc

Nguồn tin: Báo Người đưa tin

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP