Kinh tế

Thông tin thêm về bệnh "bò điên" và việc xuất khẩu bò của Brazil

Trước thông tin Việt Nam nhập khẩu 14.000 con bò từ Brazil khi nước này đang có bệnh “bò điên”, Lao Động thông tin thêm về vấn đề này.

Căn cứ quy định của OIE về bệnh “bò điên” trong thương mại quốc tế đối với trâu bò sống và sản phẩm từ trâu bò, hiện nay Brazil vẫn đang xuất khẩu trâu bò sống. Ảnh minh họa: Vũ Long

Có 2 chủng bệnh "bò điên"

Theo Cục Thú Y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn – NNPTNT), bệnh “bò điên” là cách gọi nôm na của bệnh viêm não thể xốp ở bò. Bệnh viêm não thể xốp ở bò (tiếng Anh là Bovine Spongiform Encephalopathy, viết tắt là BSE), do protein dạng Prion gây ra, làm suy thoái hệ thần kinh trung ương và gây chết ở trâu bò. Theo Tổ chức Thú y thế giới (OIE), bệnh “bò điên” được phân biệt ở 2 thể bệnh:

Thể bệnh “bò điên” cổ điển (Classical BSE) do ăn phải thức ăn có chứa prion của bò bệnh. Bệnh “bò điên” thể này được phát hiện lần đầu vào năm 1986 tại Vương Quốc Anh, sau đó đã xuất hiện ở 25 quốc gia, vùng lãnh thổ (như Ireland, Thụy Sỹ, Pháp, Liechtenstein, Luxembourg, Hà Lan, Bồ Đào Nha, Đan Mạch, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Bỉ, Đức, Ý, Hoa Kỳ, Alberta, Canada, Nhật Bản, Saudi Arabia, Isarel, Brazil, Romani…).

Việc kiểm soát dịch bệnh này đã được thực hiện rất hiệu quả trong nhiều năm qua như kiểm soát thức ăn có chứa sản phẩm động vật từ loài nhai lại, loại bỏ các sản phẩm có nguy cơ trong quá trình giết mổ bò để xử lý…, nên sự xuất hiện của thể bệnh “bò điên” cổ điển là rất thấp. Do vậy, OIE chỉ phân loại nguy cơ bệnh “bò điên” đối với thể bệnh “bò điên” cổ điển.

Theo Cục Thú y, trong những năm trước đây, Brazil cũng đã ghi nhận một vài trường hợp “bò điên” không điển hình. Mỗi ca bệnh "bò điên" không điển hình đều được Brazil tổ chức điều tra, lấy mẫu để xét nghiệm, đồng thời gửi mẫu đến Phòng thí nghiệm tham chiếu của OIE tại Vương quốc Anh, Canada,… để xét nghiệm, kết luận.

Trên cơ sở đó, OIE đã thẩm định hồ sơ, đánh giá tình trạng bệnh “bò điên” tại Brazil và tiếp tục công nhận Brazil là nước có nguy cơ không đáng kể về bệnh “bò điên” vào tháng 5.2021 (nhiều năm trước, Brazil cũng đã được OIE đánh giá và công nhận Brazil là nước có nguy cơ không đáng kể về bệnh “bò điên”).

Vì sao Brazil ngừng xuất bò sang Trung Quốc khi có bệnh "bò điên"?

Căn cứ quy định của OIE về bệnh “bò điên” trong thương mại quốc tế đối với trâu bò sống và sản phẩm từ trâu bò, hiện nay Brazil vẫn đang xuất khẩu trâu bò sống để làm giống, trâu bò sống để giết mổ làm thực phẩm và thịt bò đông lạnh sang các nước trên thế giới. Hiện tại, Brazil là nước xuất khẩu trâu bò sống lớn thứ năm và thịt bò lớn nhất thế giới.

Brazil là quốc gia xuất khẩu thịt bò đông lạnh lớn nhất thế giới (chiếm khoảng 23% lượng thịt bò của cả thế giới). Thịt bò Brazil đã và đang được xuất khẩu đến hơn 100 quốc gia và vùng lãnh thổ như: Hoa Kỳ, Canada, Úc, Nhật Bản, các nước Châu Âu, Liên minh kinh tế Á Âu, các nước khu vực Trung Đông, Nam Mỹ, Bắc Mỹ, Hàn Quốc, Trung Quốc, Thái Lan, Singapore, Philipines… Trong đó Trung Quốc là thị trường nhập khẩu thịt bò lớn nhất của Brazil.

Riêng đối với thị trường Trung Quốc, Brazil đã chủ động tạm ngừng xuất khẩu thịt bò đông lạnh sang Trung Quốc với lý do: Cơ quan có thẩm quyền của Brazil và Trung Quốc đã ký kết Nghị định thư về xuất khẩu thịt bò đông lạnh từ Brazil sang Trung Quốc, theo đó Brazil sẽ tạm ngừng xuất khẩu thịt bò sang Trung Quốc khi phát hiện ca bệnh “bò điên” “không điển hình” tại nước xuất khẩu.

Brazil đã và đang xuất khẩu trâu bò sống để làm giống sang các nước: Thái Lan, Thổ Nhĩ Kỳ, Paragoay, Bolivia, Benin, Angola, Senegal, Ả rập Xê út, Venezuela, Congo,... Đồng thời, Brazil đã và đang xuất khẩu trâu bò sống để giết mổ làm thực phẩm sang: Thổ Nhĩ Kỳ, Hong Kong, Lebanon, Ai Cập, Iraq, Jordan, Bolivia, Angola, Paraguay, Venezuela,...

Đối với lô bò sống để giết mổ làm thực phẩm xuất khẩu từ Brazil vào Việt Nam: Việc thực hiện kiểm dịch nhập khẩu bò sống từ Brazil vào Việt Nam để giết mổ làm thực phẩm được thực hiện chặt chẽ theo đúng quy định của OIE, pháp luật về Thú y Việt Nam và theo chỉ đạo của Bộ NNPTNT

Tác giả: VŨ LONG

Nguồn tin: Báo Lao Động

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP