Trong nước

Thời học sinh đáng nhớ của Chủ tịch nước qua ký ức thầy chủ nhiệm

"Tôi rất quý anh ấy vì anh ấy học giỏi, vừa học giỏi vừa ngoan. Khi nghe Chủ tịch mất, tôi ngỡ ngàng, luyến tiếc", thầy giáo Toàn tâm sự.

XEM CLIP:

Trong căn nhà cấp 4 ở thôn 10, xã Hồi Ninh, huyện Kim Sơn, Ninh Bình, ông Lê Kim Toàn (80 tuổi, thầy giáo chủ nhiệm 3 năm trung học của Chủ tịch nước Trần Đại Quang) còn lưu giữ nhiều kỷ niệm về cậu học trò ngoan hiền.

Ông kể, ngày trước nhà nghèo lắm nhưng Chủ tịch nước Trần Đại Quang khi đó là cậu học trò ít nói, trầm tĩnh, rất thông minh, học giỏi.

Thầy giáo Lê Kim Toàn

Bố mất sớm, từ khi Chủ tịch nước còn học tiểu học, gia đình có 6 anh chị em nên gánh nặng đè lên đôi vai người mẹ.

Thầy Toàn kể, cả 6 anh chị em của Chủ tịch nước đều được ông giảng dạy. Hôm nào cậu học trò Trần Đại Quang cũng phải đi bộ 6km từ nhà đến trường rồi lại theo thầy về nhà hỏi han bài cũ.

"Tôi rất quý anh ấy vì anh ấy học giỏi, vừa học giỏi vừa ngoan. Khi nghe Chủ tịch mất, tôi ngỡ ngàng, luyến tiếc. Buồn", ông Toàn tâm sự.

Với thầy trò trường THPT Kim Sơn B, ấn tượng về Chủ tịch nước Trần Đại Quang không chỉ ở sự ân cần, gần gũi, mà còn là tình cảm tri ân của ông đối với nhà trường.

Ảnh lưu niệm giữa thầy Lê Kim Toàn và Chủ tịch nước Trần Đại Quang

Thầy hiệu trưởng Vũ Xuân Sinh chia sẻ, thầy là thế hệ sau, nhưng nghe kể lại, ngày đó trường lớp đâu được như bây giờ. Bàn ghế, sách vở đều thiếu thốn, nhất là ở vùng quê Kim Sơn.

“Nhiều lần trở về với mái trường xưa, dù ở cương vị nào, ông Trần Đại Quang cũng dành những tình cảm kính trọng, thân thương và gần gũi các thầy cô, bạn bè, giáo viên và học sinh đang theo học tại đây. Để có được ngôi trường khang trang như hôm nay cũng là nhờ Chủ tịch nước kêu gọi, hỗ trợ”, thầy Sinh chia sẻ.

Món quà đặc biệt của Chủ tịch nước

Dọc con đường làng dẫn vào xóm 13, xã Quang Thiện, những ngày này, người dân trong xã tạm gác công việc đồng áng, buôn bán hàng ngày để mỗi người một tay, chung sức sửa sang, phong quang khu vực tổ chức đón tiếp các đoàn khách trong nước và quốc tế đến viếng Chủ tịch nước Trần Đại Quang.

Ông Trần Thanh Hải (71 tuổi), người dân xóm 12, xã Quang Thiện chia sẻ: "Nhận tin Chủ tịch nước từ trần, cả gia đình tôi bàng hoàng, đau xót".

Ông Trần Thanh Hải ôn lại những lần gặp Chủ tịch nước Trần Đại Quang

Ông Hải kể: "Thời còn đi học, ông Trần Đại Quang nổi tiếng khắp vùng về sự hiếu học, hiền lành và rất cần cù, chịu khó. Sau này ông thành đạt, tham gia công việc nhà nước, rồi làm Chủ tịch nước. Mỗi lần về thăm quê, ông đều ân cần, thân thiện và gần gũi với bà con trong xã. Đặc biệt, ông ấy rất quan tâm đến các cháu thiếu nhi, thường xuyên động viên, tặng quà giúp các cháu vượt qua khó khăn để học tập, trưởng thành", lời ông Hải.

Ông Vũ Văn Ba (65 tuổi) xóm 12, xã Quang Thiện chia sẻ: Ấn tượng lớn nhất trong tôi về Chủ tịch nước là ông dành sự quan tâm rất đặc biệt và ân cần tới các cháu thiếu niên, nhi đồng.

Ông Vũ Văn Ba

"Cách quan tâm của Chủ tịch nước rất giản dị nhưng đầy tình yêu thương, từ việc xây trường học, tặng quà là những chiếc mũ bảo hiểm, sách vở... cho các em học sinh. Những dịp Tết trung thu, Chủ tịch nước đều có những lời động viên đến các cháu nhỏ chăm ngoan, hiếu thảo", ông Ba tâm sự.

Khi về xã Quang Thiện, có một món quà đặc biệt mà các em học sinh ở đây đều lưu giữ như một kỷ vật quý giá mà Chủ tịch nước dành tặng - chiếc mũ bảo hiểm.

Cháu Trần Ngọc Hiền (áo xanh) cảm động trước món quà của Chủ tịch nước

Thông điệp in trên chiếc mũ bảo hiểm giúp các em học sinh tham gia giao thông an toàn

Cháu Trần Ngọc Hiền (6 tuổi), học sinh trường tiểu học Quang Thiện chia sẻ: "Nhân dịp khai giảng năm học mới 2018-2019, trong buổi lễ khai giảng cháu được tặng món quà của bác Trần Đại Quang, là chiếc mũ bảo hiểm".

Chiếc mũ nhỏ xinh với thông điệp: "Đi đúng đường, nhường đúng lối, không cần vội, vui tới trường" như lời nhắc nhở các em học sinh tham gia giao thông an toàn.

Chị Trần Thị Vân, mẹ cháu Hiền kể: "Từ ngày nhận được món quà của Chủ tịch nước, mỗi lần đưa đón con tới trường cháu đều đội và nâng niu chiếc mũ mà Chủ tịch nước tặng".

Tác giả: Đoàn Bổng - Lê Dương

Nguồn tin: Báo VietNamNet

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP